Dù nổi danh với những trận thắng triệu đô hay khốn khổ với những chuỗi ngày thua sạch túi, các “con bạc” người Việt ở nước ngoài đều đi đến kết cục chẳng mấy tốt đẹp.

Ngày 7-9, báo chí Úc đưa tin ông Peter Tan Hoang, một tay cờ bạc chuyên nghiệp gốc Việt, khét tiếng trong thế giới ngầm, từng tham gia các vụ đỏ đen lên đến hàng trăm triệu đô la tại các sòng bạc của nước Úc, đã bị bắn chết trên một đường phố ở Sydney (Úc).

Chết thảm khi chưa kịp về quê mẹ

Là một đứa trẻ mồ côi, Peter Tan Hoang một mình tìm đến Úc từ thập niên 1990 và được nhập quốc tịch, trở thành công dân Úc. Sau đó Peter Tan Hoang trở thành con bạc khét tiếng tại xứ sở chuột túi.

Chính những ngày tháng lăn lộn tại các sòng bài ở Úc, trong đó nổi tiếng là SkyCity Adelaide hay đình đám là sòng bài Crown tại Melbourne đã đưa tên tuổi Hoang lên đỉnh cao của thế giới cờ bạc. Báo Daily Telegraph (Úc) dẫn lời nhân viên tại Crown cho biết Hoang là một trong những đại gia lớn nhất với tiền mặt bên mình có khi lên đến hàng chục triệu đôla, được hưởng những chế độ xa hoa nhất của sòng bài này.

Báo chí Úc cũng cho hay Hoang có cha mẹ nuôi đang sống tại Việt Nam. Đó là lý do vì sao Hoang thường xuyên về thăm quê hương, ít nhất 12 lần từ năm 2000 tới nay. Dù trong năm qua Hoang liên tục có những trận thắng đậm nhưng vào tháng 4-2014, Tòa án Melbourne đã từ chối trả hộ chiếu cho Hoang để ông về Việt Nam “thăm gia đình” và nghỉ mát.

Tờ Onlinecasino của Úc dẫn lời Thẩm phán Susie Cameron cho hay Hoang không được về Việt Nam hay ra nước ngoài để phục vụ việc triệu tập điều tra vào tháng 6. Công tố viên Andrew Buckland giải thích thêm Hoang không phải “con đẻ” của nước Úc dù là công dân Úc trên giấy tờ. Do Hoang cũng không có gia đình thân thích hay tài sản tại Úc nên nếu được trả hộ chiếu, rất có thể ông sẽ cao bay xa chạy khỏi nước này để thoát tội.

Ngày 10-9, cảnh sát Úc xác nhận người bị bắn chết trên đường Dunmore (TP Sydney) là Peter Tan Hoang. Đến giờ do Hoang không người thân thích nên người ta cũng chỉ biết đến Hoang là “vua bài” với những canh bạc triệu đô. Nhiều người tặc lưỡi tiếc cho một ông hoàng - một triệu phú xấu số. Nhưng ít ai biết rằng có lẽ cái tiếc nhất của Hoang là lúc chết vẫn dính nghi án phạm tội và mất quyền được về thăm quê mẹ.

{keywords}

Peter Tan Hoang - tay cờ bạc khét tiếng gốc Việt tại Úc vừa bị bắn chết tại Sydney. Ảnh: abc.net.au


Không mất mạng thì cũng cùng cực

Nếu Peter Tan Hoang mất mạng thì có không ít phận đời mê đỏ đen của người Việt ở nước ngoài phải lâm vào những hoàn cảnh sống dở chết dở, thậm chí là sống không bằng chết.

Tờ Latitude News (Mỹ) có bài viết “Phải chăng các sòng bài tại Mỹ săn những “con mồi” gốc Á?” dẫn lời Cathy Lam Dang, một Việt kiều tốt nghiệp thạc sĩ ngành phúc lợi xã hội tại Mỹ, kể về người mẹ nghiện cờ bạc của mình. Cathy Lam Dang cho biết có những ngày cô phải đi tìm mẹ ở khắp nơi. Còn mẹ của cô thì... ngồi tại sòng bài Pechanga ở Temecula, California trong ba ngày liên tục để cố gỡ lại số tiền đã thua. Bà ta đã sử dụng 8.000 USD trong thẻ tín dụng, đồng thời phải vay thêm 35.000 USD từ những chủ sòng. Kết cục là bà trắng tay kèm số nợ ngập đầu. Hậu quả là chủ sòng bài thuê côn đồ đòi nợ bằng những trận đòn chí mạng, thậm chí là bằng súng đạn.

Một Việt kiều khác có tên Thuy Ngo kể lại trên tờ New America Media (Mỹ) rằng cờ bạc đã phá nát rất nhiều gia đình người Việt ở Mỹ. Thuy Ngo chia sẻ cô ấy lớn lên tại San Jose (TP lớn thứ ba ở tiểu bang California), trong một gia đình có người cha dượng nghiện cờ bạc. Rất nhiều gia đình người Việt tại San Jose gặp hoàn cảnh tương tự, thậm chí là tệ hại hơn.

Người Việt thường tập trung rất đông tại các casino hay các sòng bài tại những trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại ở San Jose để đánh bạc với một tham vọng làm giàu rất lớn. Họ tập trung xung quanh các bàn lớn (20-50 người) và cược bất kể điều gì hay tất cả thứ gì họ có, kể cả những khoản tiền quan trọng của gia đình. Họ tranh cãi, la hét bằng tiếng Việt ầm ĩ mỗi khi chiến thắng hay thất bại.

Tại một số sòng bạc như Bay 101, Garden City, nhiều phụ nữ lũ lượt kéo đến đây để trả nợ, thanh toán hóa đơn dịch vụ và nhiều món tiền xa xỉ khác để có thể xin chuộc chồng về sau những canh bạc “xui xẻo”. “Đa phần con bạc ở đây đều là người Việt trung niên và cha dượng tôi là một trong số họ” - Thuy Ngo chia sẻ. Điều mà nhiều người Việt có người thân nghiện cờ bạc cầu mong không phải là sự giàu có với nhà lớn và xe hơi, mà đơn giản là toàn mạng trở về nhà (hay các khu ổ chuột dành cho kẻ vô gia cư) khi toàn bộ tài sản đã rơi vào tay các chủ sòng bài.

Tại sao người Việt thích cờ bạc ở nước ngoài?

Một nghiên cứu của TS Timothy Fong, người đứng đầu Trường ĐH California (Los Angeles, Mỹ), cho thấy khoảng 30% con bạc ở California là người châu Á, trong đó 1/3 dính vào tình trạng “nghiện ngập” và có không ít các trường hợp là người Việt.

Tờ Latitude News (Mỹ) cũng dẫn lời các chuyên gia nhận định rằng người Mỹ gốc Á, trong đó có đông đảo người Việt Nam có đam mê và tham vọng cờ bạc.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người châu Á tin vào vận mệnh và sự may mắn. Thế nên trong một môi trường cờ bạc thoải mái thì thử vận may và tìm vận may sẽ dễ hơn so với việc lao động kiếm tiền.

{keywords}

Nhiều người Việt ở nước ngoài tìm đến sòng bạc để thực hiện giấc mơ triệu phú. Ảnh minh họa

Mặt khác, việc khác biệt văn hóa khiến nhiều người Việt sang nước ngoài không thể hòa nhập với cộng đồng. Kéo theo đó là các hiện tượng về thất nghiệp, thiếu tiền sinh sống, trầm cảm, cô độc… làm họ co cụm lại thành từng nhóm và tìm đến cá cược để giải tỏa và tồn tại.

Những con bạc lập ra các cộng đồng và những người mới nhập cư sang nước ngoài thường đến các sòng bạc như một thủ tục để xã giao, hòa nhập với môi trường sống mới. Từ đó lượng người Việt thích dính cờ bạc ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp cờ bạc Mỹ tích cực săn đón người Việt. Cô Cathy Lam Dang kể khi đi tìm mẹ mình - một người nghiện bài bạc tại các khu cờ bạc ở California, cô đã thấy nhiều máy đánh bạc quảng cáo, la hét bằng tiếng Việt để thu hút người chơi. Nhiều người phải thừa nhận việc tiếp thị của các sòng bạc đến người Việt ở đây rất thành công.

Tại các TP có đông đảo dân châu Á nhập cư, các bảng quảng cáo, đài phát thanh, kênh truyền hình… đều có tiếng Việt. Các tuyến xe buýt đặc biệt chạy từ khu cộng đồng người Việt đến thẳng các sòng bạc ở khắp nơi. Ví dụ sòng bài Foxwoods ở bang Connecticut dành riêng một tuyến xe buýt dành cho người châu Á mà khách hàng thân thiết là đông đảo người Việt.

Người chơi bài gốc Việt còn bị thu hút bằng những món quà tặng, các bữa ăn miễn phí từ chủ sòng bài. Hay như sòng bạc MGM Grand ở Las Vegas đã thẳng tay phá bỏ một bức tượng sư tử khổng lồ để chiều ý những tay cờ bạc gốc Việt hay nói chung là dân cờ bạc châu Á. Lý do là dân cờ bạc gốc Á nghĩ rằng đi ngang qua miệng của một con vật ăn thịt có họ hàng với loài mèo sẽ không mang lại vận may (!).

Nhiều nhà hoạt động xã hội đã phản ứng khi cho rằng công nghệ quảng cáo cờ bạc hoạt động quá mạnh, trong khi các hoạt động xã hội nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện cờ bạc thì lại bị... phớt lờ. Tuy nhiên, các nhóm lợi ích kinh doanh cờ bạc đã vận động hành lang trước sự yếu thế của các tổ chức hoạt động vì cộng đồng. Thế nên việc săn đón các tay chơi vẫn rầm rộ, trong khi người lỡ nghiện cờ bạc thì dường như rất ít đường về.

Người đã chết, nghi án vẫn còn

Truyền thông quốc tế dẫn lời cảnh sát Úc tình nghi Hoang dính líu đến các băng nhóm tội phạm hoặc buôn bán ma túy. Thực tế từ năm 2012, cảnh sát liên bang đã từng bắt Hoang tại sòng bạc Crown ở Melbourne khi Hoang giữ trong người số tiền rất lớn là 1,5 triệu USD tiền mặt và cảnh sát nghi nó liên quan đến các hoạt động rửa tiền. Hoang còn dính nghi án trốn thuế trong thời gian dài.

Tuy nhiên, đến khi Hoang bị sát hại vẫn chưa có chứng cứ thuyết phục. Luật sư của Hoang - David Grace trình bày trước tòa rằng Hoang từng thắng 2,5 triệu USD tại sòng bài SkyCity Adelaide vào khoảng đầu năm 2014. Đó là chưa tính đến việc Hoang còn có 600.000 USD sau hai lần trúng giải xổ số Tattslotto vào năm 2013. Như vậy số tiền mà “vua bài” có được, theo hồ sơ điều tra của cảnh sát, dường như vẫn còn là một ẩn số.

(Theo PLO)