Kỳ 1: Bố tôi trai làng chính hiệu, mê quyền anh, chơi thể thao như diễn xiếc
Khoảng những năm 80 thế kỉ trước, nạn đào vàng tràn đến vùng quê mới chúng tôi. Bố tôi đã hơn 60 tuổi. Dạo ấy, nhiều hội đào vàng với những tên đầu gấu khét tiếng về phá phách vùng tôi khiến cho cái làng quê yên bình trở nên điêu đứng.
Những ruộng mía bị chặt phá tan tành, cây quả trong vườn chúng muốn vặt hái thế nào cũng được, không ai dám nói gì. Có khi mùa mít vừa ra quả, đi ngang qua ngứa tay chúng cũng rút dao chém đứt ngang lăn lóc đầy gốc.
Một sáng hè, bố tôi dậy sớm ra dạo quanh vườn thì gặp một tốp đào vàng đi thẳng vào ngõ. Ông nhẹ nhàng bảo:
- Ơ…các anh đi lạc lối rồi, đường phía dưới kìa, đây là ngõ vào nhà.
Đứa đi đầu trả lời:
- Lạ gì… Nhưng đi trên này kiếm quả dứa tráng miệng.
- Dứa nào?
- Vườn này dứa ngọt lắm, bọn này xơi suốt!
Đang sẵn bực dọc vì lâu nay khu vườn nhà bị phá nát, bố tôi không nhịn được nữa:
- A… hoá ra là bọn chúng mày! Vậy mà còn ngang nhiên hơn cả phát xít.
Ông dang tay chặn tốp dân anh chị đào vàng nhìn rất gớm ghiếc với cuốc xẻng, xà beng đứa nào cũng có trên vai đang xăm xăm bước tới. Vẫn thằng đi đầu với mái tóc để dài như con gái, buộc thành túm phía sau lừ lừ đôi mắt hất cằm quát:
- Tránh ngay! Ông già có vẻ không biết bọn này là ai nhỉ!
Hắn không ngờ bố tôi không chút sợ hãi:
- Biết chứ! Một lũ phá hoại. Không coi luật pháp là gì.
Biết rồi mà còn dám cản à? Cút ngay! Vừa nói hắn vừa đưa một tay đẩy bố tôi ra. Nhanh như cắt, ông ra ngay một cú đấm thẳng vào giữa mặt tên đi đầu rồi dồn cả bọn ra khỏi cổng.
Bị bất ngờ, cả tốp đào vàng không kịp phản ứng, buộc phải lùi ra ngoài đường. Khi kịp nhận ra máu đang nhỏ giọt từ mũi mình, tên cầm đầu gầm lên, cắm chiếc xẻng xuống mặt đường rồi hét: “Lão già xuống đây! Tao băm nát”. Bố tôi vẫn bình tĩnh như không khiến cả bọn đi sau đều chùng xuống:
- Chẳng việc gì tao ra ngoài đường đánh nhau với chúng mày. Nhưng bảo cho mà biết, nếu còn bước chân vào mảnh vườn này thì đừng trách ông không nói trước.
Thấy một ông già nhỏ nhắn, có dáng dấp như một giáo viên hơn là người lao động chân tay nhưng lại có cú đấm “chuyên nghiệp” như Lý Tiểu Long và quan trọng là rất bình tĩnh, cứng rắn, tốp thanh niên hung hãn không dám xông vào ngõ nữa mà chỉ đứng ngoài gầm gừ, chửi bới.
Thằng em tôi ở trong nhà nghe ngoài ngõ náo động, xách khẩu súng săn ra đứng cách bố một đoạn đề phòng bất trắc. Thấy vậy tốp côn đồ bỏ đi, cũng không dám phá phách gì thêm.
Bố tác giả ngồi thứ 2 ở hàng đầu (áo cộc tay). |
Lại một chuyện nữa.
Hồi ở vùng núi Hương Sơn, dân quê tôi hầu như nhà nào cũng chăn nuôi trâu bò. Nhà O tôi có một con bò tơ rất đẹp. Một hôm nó bị tuột thừng lội xuống ruộng của nhà lão H trong làng ăn mất mấy hàng lúa non.
H phát hiện, lẳng lặng cầm một cái mác dài lần theo bờ cây nhảy ra. Con bò đang chôn chân dưới bùn không chạy kịp bị H chém một nhát ở bụng trào cả lòng ruột ra ngoài, đổ gục xuống ruộng. O tôi được tin, vừa thương tiếc vật nuôi của mình, vừa căm giận kẻ đã hành xử quá tàn bạo nhưng không dám nói gì chỉ biết than khóc kêu trời.
Nhà H xưa nay vốn khét tiếng trong làng… Bố tôi và mấy gia đình khác cùng xúm vào giúp nhà O kéo con bò trong tình trạng dở sống dở chết ra con suối gần đó mổ thịt để bán nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Ngày hôm sau, chờ cho sự việc đã yên lại, bố tôi một mình đến nhà H để “nói chuyện”. Cả nhà tôi và nhà O đều lo lắng cản, không muốn để bố đi trong tình hình đó. O tôi khóc mà nói rằng: “Thôi đi anh! Đàng nào thì bò cũng đã mất. Anh đừng đi, đừng lại cái ổ ấy, nó không nương anh đâu!”.
Trong khi cả nhà lo lắng thì bố vẫn bình tĩnh như không: “Trời đất! Sao lại phải sợ chứ. Tôi lại để nói chuyện tử tế với cha con họ. Mọc sừng cũng không dám đánh tôi. cả nhà cứ yên tâm, tôi đến để cho họ biết phải trái. Chả nhẽ ở đời này ai muốn làm gì thì làm sao”.
Rồi bố đội mũ, thong thả đến nhà H trong sự hồi hộp của bao người. Mấy đứa em tôi định đi theo, ông cười: “Con cháu không đứa nào phải đi cả. Chuyện người lớn, cứ để cậu đi một mình”.
Khi bố tôi vừa đến ngõ gọi thì ông già bố H chạy ra thị uy:
- Sao? Cậu đến bắt vạ cho nhà O đấy à? Tao đang định đến chém què chân cả đàn bò nhà nó nữa kìa!
Bố tôi rất nhẹ nhàng:
- Anh bình tĩnh đã, tôi muốn đến nói chuyện tử tế với cha con anh. Anh gọi H ra đây!
- Nó đang làm việc sau vườn!
- Thì anh cứ bảo cháu vào ít phút thôi mà!
Tác giả bài viết |
Không cần phải gọi, H đang chặt phát gì sau vườn lừ lừ đi vào với cả con dao quắm trên tay. Bố tôi chỉ chiếc ghế trống bảo H ngồi gần lại. Anh ta không lại mà chỉ ngồi ghé vào cái giường gần đó, dường như đã đoán được mục đích chuyến “ngoại giao” của bố tôi, nên dằn giọng thách thức ngay:
- Chú nói gì thì nói. Đây là không có chuyện đền bồi gì hết. Cứ trâu bò vào vườn là đây chém hết!
Bố tôi vẫn rất mực điềm tĩnh phân giải:
- Chuyện xảy ra, chú đã nói với O Dượng là nhà mình cũng có phần sai. Dù lí do gì đi nữa, mình để bò xuống ruộng ăn lúa người ta là mình phải nhận lỗi. O Dượng cũng hiểu vậy và sẵn sàng đền bù thiệt hại nếu phía gia đình ta yêu cầu.
Nhưng việc H ngay lần đầu con bò lỡ tuột thừng xuống phá lúa, cháu đã không bắt lại hay đuổi đi mà chém gục nó ngay trên thửa ruộng là một hành động mà ai cũng thấy ghê tay đấy. Anh và cháu nghĩ xem như vậy có đúng không. Bà con ta lên đây sống với nhau giữa núi rừng đã có bao nhiêu cái khó lại không đoàn kết giúp đỡ nhau thì rồi sẽ không biết ra sao...
Bố tôi càng nói, hai bố con H càng chịu nghe hơn. Mới đầu còn chống chế, văng tục nhưng dần dà họ hiểu ra và bớt giọng gay gắt. Cuối cùng, ông bố có vẻ biết lỗi, nói:
- Thôi được, cũng là chẳng may. Giờ thế này: Nhờ chú về nói lại với O tính xem con bò hôm qua giết thịt bán hoá giá như thế so với giá thị trường mua con bò cày thiệt bao nhiêu gia đình tôi sẽ đền. Còn ruộng thì bên họ tìm lúa dắm vào thúc phân đảm bảo tươi tốt như phần không bị phá là được.
Bố tôi chào ra về. Không khí “hoà bình” đã hoàn toàn trở lại. O Dượng vẫn ngồi ở nhà tôi chờ bố. Cả nhà rất mừng vì bố tôi trở về mà “không việc gì”, vì kết quả “đàm phán” mĩ mãn. Ông dượng cười và bình: “Nhà ấy mà chịu như vậy thì cũng thật là lạ. Chỉ có cậu mới dám đến đó mà lại được việc thế. Có lẽ nó sợ cậu có võ”.
Bố tôi cười thành tiếng: “ Ở với tôi từ trẻ dượng biết, tôi chưa dùng võ áp bức ai bao giờ. Mà trong tôi có lẽ văn nhiều hơn võ chứ! Ha ha...”.
Nguyễn Trung Ngọc
(Còn nữa)
Mời độc giả gửi bài viết chủ đề "Cha mẹ trong tim tôi" về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng trên VietNamNet. Trân trọng! |
Kỳ 1: Bố tôi trai làng chính hiệu, mê quyền anh, chơi thể thao như diễn xiếc
Có một lần, thanh niên tụ tập ở nhà tôi rất đông. Bố tôi đề xuất chơi trò thể thao, ông muốn kiểm tra sức khoẻ đám trai làng. Rốt cuộc, hơn chục chàng trai lần lượt vào thử đều phải chấp nhận thua cuộc.