- Các con nghỉ hè, không có người quản lý giúp trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm – chuyện cũ diễn ra hằng năm song hầu như năm nào các gia đình cũng gặp khó khăn trong việc tìm giải pháp.

Chỉ còn chục ngày nữa là đến lịch nghỉ hè của các con, nhưng vợ chồng chị Thu (Đồng Tâm - Hà Nội) đang lo lắng, nháo nhào. Trước đó cả tháng, anh chị đã có một danh sách kế hoạch cụ thể nhằm quản lý con trong những ngày này nhưng đến nay vì nhiều lý do khác nhau đều bị đổ bể.

Anh chị cùng làm ở cơ quan nhà nước, ông bà ngoại thì vẫn đang công tác, ông bà nội thì đã già yếu lại ở xa nên không thể mang con gửi ai được. Những năm trước, khi cả hai con chưa học tiểu học, anh chị thay phiên nhau nghỉ phép năm ở nhà trông con. 

Cũng may, trường mầm non thường nghỉ hè chỉ nửa tháng, sau đó tổ chức trông hè để đáp ứng nhu cầu của các phụ huynh. Vì vậy, anh chị cũng không lấy gì làm lo lắng.

{keywords}
Để con có một kỳ nghỉ hè thoải mái và ý nghĩa là vô cùng khó khăn đối với các bậc cha mẹ sống ở thành phố. Ảnh minh họa: Internet

Năm nay, thằng lớn chuẩn bị hết lớp 1, kỳ nghỉ hè sẽ kéo dài hơn 1 tháng nên anh chị chưa biết xử lý thế nào. Con còn quá nhỏ, không thể để con ở nhà một mình, giải pháp cuối cùng được đưa ra là vợ chồng sẽ thay phiên nhau đưa con cùng tập truyện tranh tới cơ quan “đi làm” với bố mẹ. 

Chị Thu bảo “chắc chắn sẽ muối mặt với đồng nghiệp lắm nhưng chẳng còn cách nào khác. Vì sự an toàn của con thôi. Năm nay tạm thời như vậy, sang năm còn chưa biết làm sao đây!”.

Khác với vợ chồng chị Thu, vợ chồng anh Vinh (Long Biên - Hà Nội) không thể đưa con lên cơ quan vì công việc của anh chị luôn phải giao dịch ở ngoài. 

Năm ngoái, cậu con trai học hết lớp 3, anh định gửi con về cho ông bà nội ở quê trông giúp một thời gian. Vừa là để con có điều kiện gần gũi, hòa mình với thiên nhiên, vừa để ông bà vui tuổi già cùng cháu. Vợ chồng lại có thêm thời gian riêng tư, hâm nóng tình yêu, tranh thủ “sản xuất” thêm đứa nữa cho đủ nếp, tẻ.

Ý tưởng của anh vừa đưa ra đã bị vợ gạt phăng đi vì “ở quê nội ao hồ thì nhiều, ông bà cũng có tuổi rồi, thêm mấy đứa cháu nhà chú út với các cô nữa thì mắt nào trông xuể. Con nhà mình lại nghịch như quỷ sứ chứ có như con người ta đâu”. Anh nghe có lý nên đã quyết theo vợ - để bé tự quản tại nhà, các buổi trưa bố mẹ thay phiên nhau về nấu cơm cho con.

Vậy nhưng chị kêu trời “đang làm việc với khách hàng mà con cứ gọi điện léo nhéo, khi thì hỏi “con làm hết bài rồi, bây giờ có được mở iPad không mẹ?”, khi thì “bao giờ mẹ về?”... Không nghe máy thì không được vì con ở nhà một mình, chẳng biết xảy ra chuyện gì, mà nghe thì bực ơi là bực!”.

Còn anh than phiền “mình rất hay phải đi công tác, năm nay vợ lại vừa thay đổi công việc nên thời gian nghỉ trưa rất eo hẹp, chẳng biết có về nhà với con được không? Hết kỳ nghỉ, các con đi học hè mới mệt nữa vì tuần chỉ học có 3 buổi sáng, 8h15 vào lớp - 10 rưỡi đã tan. Vừa đến cơ quan được một tiếng lại nhấp nhổm trốn về đón con”.

Nhiều phụ huynh không sắp xếp được người trông con vào dịp hè nên đã lên lịch cho con học kín từ sáng đến chiều, từ các môn chính như Toán, Văn, Anh… đến các môn bổ trợ như võ - vẽ, múa - hát… vừa để bổ sung kiến thức, vừa để rèn luyện sức khỏe cho con. 

Nhưng những kế hoạch này lại vấp phải điệp khúc “đưa - đón” vì không có lớp nào tổ chức học cả buổi, chỉ 1-2 tiếng là lại nghỉ.

{keywords}
Nhiều phụ huynh lên lịch học hè cho con kín mít từ sáng đến chiều. Ảnh minh họa: Internet

Có hai con gái sinh đôi đang học mẫu giáo, nhà chị Vân (Cầu Giấy – Hà Nội) đang cuống cuồng lo chỗ gửi các con vì vừa nhận được thông báo của nhà trường - các bé “được nghỉ” 20 ngày để trường sửa sang lại cơ sở vật chất. 

Bà nội mới mất năm ngoái còn bà ngoại thì mắt kém, anh chị chẳng dám gửi con cho bà trông đành gọi điện nhờ bà dì tìm một người ở quê ra giúp. Chị lắc đầu ngao ngán “vợ chồng mình lo lắm, cuối tháng này các con nghỉ rồi mà bây giờ vẫn chưa tìm được ai lên chăm con cho. Có mấy ngày nghỉ phép năm thì con ốm con đau đã sử dụng hết rồi”.

Cũng vì bố mẹ “hết cách”, cháu Phương Anh con của anh Hoàn – chị Mai (Hai Bà Trưng – Hà Nội) đã học hết lớp 1 nhưng kỳ nghỉ hè năm ngoái vẫn phải đi học mẫu giáo cùng em trai ở trường tư thục. 

Vậy là nghỉ hè các bạn vui chơi và nâng cao kiến thức chuẩn bị lên lớp 2 còn cháu cũng vui chơi nhưng bị “lưu ban” tới…2 lớp. Năm nay, em cháu cũng sẽ lên lớp 1, bố mẹ cháu đang “phát sốt” vì chưa biết giải quyết sao với kỳ nghỉ hè của cả hai chị em.

Gợi ý một số giải pháp:

Cho trẻ về quê


Với các gia đình có quê ở xa, có thể cho trẻ về thăm ông bà, họ hàng nhằm giáo dục cho trẻ biết cội nguồn, khơi dậy lòng hiếu thảo và biết yêu quê hương. Đây cũng là dịp trẻ được tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, có cơ hội tăng vốn kiến thức xã hội.

Cho trẻ tham gia lớp năng khiếu/câu lạc bộ


Bố mẹ có thể cho con tham gia sinh hoạt trong những câu lạc bộ hoặc các lớp năng khiếu như tiếng Anh, múa, võ thuật, đọc sách, vẽ... Việc lựa chọn hoạt động trường lớp cần tìm hiểu kỹ càng và phải hỏi ý kiến của trẻ. Các câu lạc bộ sẽ rất có tác dụng nếu phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sở thích và năng khiếu của bé. 

Bố mẹ nên nhớ, câu lạc bộ chỉ là nơi bé học mà chơi, không được đẩy toàn bộ trách nhiệm quản lý cho nơi đó. Hãy để nơi đây là nơi trẻ hứng khởi muốn đến chứ không phải bắt trẻ buộc phải tham gia. Một số trung tâm tiếng Anh, trung tâm kỹ năng sống cũng mở các lớp học “xuyên hè”, nhận trẻ từ sáng đến tối, rất phù hợp đối với đối tượng các bậc phụ huynh bận bịu.

Hướng dẫn con làm việc nhà


Thời gian nghỉ hè cũng là dịp tốt để cha mẹ nên tạo cho trẻ có cơ hội để thể hiện khả năng bản thân bằng cách khuyến khích con tham gia việc nhà. Cha mẹ có thể cùng con đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ đơn giản để con có thể hoàn thành trong khả năng để thúc đẩy tự tin và hào hứng ở trẻ. 

Trẻ có thể ghi lại những mục tiêu này và thời hạn hoàn thành, ví dụ hôm nay làm được việc gì có ích, những việc gì chưa được. Cẩn thận hơn có thể khuyến khích trẻ lập một thời gian biểu riêng cho những ngày hè. Với những trẻ học cấp hai trở lên có thể cho trẻ đi chợ mua sắm thực phẩm về nấu ăn, hay giặt giũ quần áo...

Khuyến khích trẻ đọc sách


Sách là một dụng cụ học tập rất có ích với trẻ em. Tuy nhiên, đừng chỉ biết cách cầm quyển sách và dúi vào tay con. Hãy chọn những sách phù hợp với lứa tuổi, sở thích của trẻ, đọc, giải thích và bàn luận với bé. Việc bàn luận sẽ giúp bé nhận thức tốt hơn, ghi nhớ hơn và hăng say hơn.

Tìm người trông trẻ/Gửi hàng xóm


Đối với các gia đình có con còn bé, cha mẹ có thể nhờ ông bà, họ hàng đến nhà trông giúp. Cũng có thể gửi con đến các trường mầm non dân lập gần nhà hay gửi nhờ hàng xóm trông giúp.

M.T (tổng hợp)

Phạm Hằng