Nhìn mãi trong đám người đến viện, chẳng có ai là con cháu của mình, nhiều người già còn chút minh mẫn trong trung tâm đã không giấu được những giọt nước mắt hờn tủi...

Trong lúc ngồi chờ để nói chuyện với người có trách nhiệm của trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Thiên Đức (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội), tôi bất chợt nghe được cuộc nói chuyện của một đôi bạn già. Đó là những câu đối thoại nhát gừng, không đầu không cuối, nhưng lại là điều đáng nghe và đáng suy ngẫm đối bất cứ ai đang có mẹ ...

“Chúng nó bận lắm”

Thấy chiếc ô tô đang từ từ chạy vào cổng, một cụ bà có mái tóc bạc phơ ngồi trên chiếc xe lăn vội vàng huých nhẹ cánh tay vào người một cụ ngồi cạnh: “Cụ xem có phải mấy đứa con nhà cụ đến thăm không?” “Không cụ ạ, chúng nó bận lắm. Hai tháng trước chúng nó cũng hẹn đến, nhưng rồi tôi đợi mãi cũng chả thấy chúng đâu” - bà cụ móm mém trả lời.

“Thế ra, cụ cũng giống tôi à?” - bà cụ có mái tóc bạc cố nén tiếng thở dài, khiến câu chuyện rơi vào im lặng.

Vài phút sau, nghe có tiếng ồn ào ở phòng gần đó, bà cụ có mái tóc bạc phơ lại lên tiếng: “Ở trung tâm này, không có mấy người được sướng như ông cụ Lộc ở phòng kia đâu cụ nhỉ?” - bà cụ vừa nói, vừa chỉ tay về phía phòng của người đàn ông đang mải mê câu chuyện với đám con cháu.

Thì ra cái sướng nhất của cụ Lộc mà bao nhiêu người già ở trung tâm này ao ước ấy là, mỗi tuần cụ Lộc đều có con cháu đến chơi. Bởi người già thường muốn gần con gần cháu, nhưng ở đây, những cụ được con cháu đến thăm mỗi tháng một lần đã là may mắn.

Có cụ, vào trung tâm đã 5, 7 năm nay mà chưa từng gặp lại con.

Ở viện dưỡng lão, không phải ai cũng may mắn có con cháu đến thăm vào mỗi dịp cuối tuần.

Phần lớn đó là những cụ có bệnh nặng, phải nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt vì bị liệt toàn thân, sống cuộc sống thực vật, hoặc những cụ bị lẫn, không còn biết mình là ai nên con cháu chỉ đưa cụ đến rồi đóng tiền vào tài khoản để trung tâm chăm sóc các cụ. Từ đó không còn thấy họ xuất hiện nữa.

“Ở nhà còn buồn hơn”


Sang gặp và tâm sự với cụ Lộc trong câu chuyện mà 2 người bạn già vừa nhắc đến, tôi mới hiểu, hóa ra, niềm hạnh phúc mà cụ có được trong sự ao ước của những người già khác trong trung tâm này cũng chưa hẳn là trọn vẹn.

Cụ Lộc có 4 người con, 2 trai, 2 gái. Ai cũng thành đạt và đều làm trong ngành ngân hàng, kho bạc. Bản thân cụ cũng từng là cán bộ trong ngành ngân hàng. Nay về hưu với mức lương hơn 5 triệu/tháng.

Tuy nhiên, khi đã bước sang tuổi 85 và không còn người bạn đời bên cạnh, cụ đã quyết định cho người giúp việc về quê rồi dùng số tiền lương hưu của mình cộng với tiền của cụ bà để lại đem đóng vào viện dưỡng lão Thiên Đức để sống những tháng ngày còn lại của cuộc đời.

Cụ bảo, đấy là quyết định của cụ. Cụ đã muốn vào viện dưỡng lão từ khá lâu rồi, nhưng phải đến khi cụ bà mất thì cụ mới quyết định chuyển vào đây.

Theo cụ Lộc, “ở viện dưỡng lão này, cái gì cũng tốt, phòng ốc sạch sẽ, y tá chăm sóc tận tình... chỉ có điều, nỗi buồn thì vẫn không vơi đi được bao nhiêu”.

Nói rồi, từ đôi mắt mờ đục của cụ, những giọt nước mắt bỗng dưng lăn dài trên gò má xương gầy.

Đưa tay lên để gạt vội những giọt nước mắt, cụ tâm sự tiếp bằng cái giọng tắc nghẹn: “Từ hồi bà ấy mất, tôi buồn lắm. Cả ngày chỉ ở nhà với ông giúp việc, nên tôi hết nằm lại ngồi. Con cái thì hôm nào cũng đi từ 6h sáng đến 6h tối. Về đến nhà, ăn xong bữa cơm, mỗi đứa lại mỗi việc, rảnh thì chúng nó dẫn nhau đi chơi, chứ ít khi nói chuyện với tôi".

“Khi tôi vào viện, hành trang tôi mang theo, ngoài những vật dụng cần thiết thì chỉ có tấm ảnh thờ của bà ấy để cảm thấy đỡ cô đơn. Các con cũng trang bị cho tôi cả điện thoại di động để nói chuyện cho tôi đỡ buồn. Nhưng mà cũng hiếm khi chúng nó gọi. Duy chỉ có cuối tuần là bao giờ cũng có đứa vào thăm tôi".

“Hôm nay, chúng nó cũng vào và hẹn đến 28 tết sẽ vào đón tôi, nhưng tôi cũng chỉ về nhà vài hôm, đến mùng 4 tết, tôi lại bảo các con đưa tôi vào đây, vì ở trung tâm cũng có nhiều cụ không về ăn tết. Ở nhà như vậy thì buồn lắm ...” - cụ Lộc trầm ngâm.

(còn tiếp)

Minh Minh