Chàng thủ khoa 26kg
Tôi gặp Chau Giàu vào một buổi chiều thứ 6, cậu bạn nhỏ bé, nặng vỏn vẹn 26kg chào tôi bằng một nụ cười thân thiện "hết nấc". Giàu kể hôm nay là ngày đầu tiên cậu đi làm, đi làm khác với khi còn đi học lắm, nhưng cậu rất vui vì đã tìm được công việc phù hợp, hơn nữa lại làm cùng công ty với cậu bạn thời Đại học nên mỗi ngày cậu bạn đều ghé qua chở Giàu đi làm cùng. "Không có bạn chở đi, em cũng không biết làm sao" - Giàu nói mà vẫn cười mãi.
Chau Giàu bị bại liệt nên không thể đi lại, chỉ nặng 26kg
Chau Giàu là người dân tộc Khmer quê ở Tri Tôn, An Giang, nơi có rất đông người dân tộc như cậu sinh sống. Đa số những người bà con, hàng xóm của Giàu đều sống bằng nghề làm nông, hoặc làm thuê làm mướn. Mỗi gia đình thường có vài ba công ruộng, dựa vào đó mà sống, chủ yếu lấy công làm lời. Nhà ai dư dả hơn thì sẽ có thêm cặp bò, mỗi năm cặp bò sẽ đẻ bê con, bán thêm bê con để có đồng ra đồng vào. Gia đình Giàu cũng thế, cha cậu vẫn hàng ngày vẫn làm ruộng, người anh cả đi làm thuê, cậu còn một người em gái hiện đang học lớp 8. Trong khu xóm của Giàu chỉ có vài người vào được đại học, "đại học" đối với những người dân quê vẫn còn là một cái gì đó "xa xỉ" lắm. Vậy mà Giàu vào đại học trước sự ngỡ ngàng của bà con thôn xóm, bởi chẳng ai tin được thằng nhóc bị bại liệt, chỉ nặng vài chục ký lại có thể đậu đại học, chẳng những thế lại còn đậu thủ khoa ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học An Giang.
Giàu kể, vào năm 2015 là lúc cậu thi tốt nghiệp cấp 3, lúc đó cậu chỉ tính đăng ký thi tốt nghiệp, vì nghĩ với sức khoẻ kém như thế này, nếu có đậu thì cậu cũng chẳng thể đi hết 4 năm đại học. "Vào ngày cuối cùng ba mới kêu em đăng ký thi đi, tới đâu hay tới đó, em mới lấy hết can đảm đăng ký" – Giàu nói tiếp.
Bản thân Giàu đã rất cố gắng vượt rào cản về sức khoẻ để đến với giảng đường đại học
Sau khi thi có kết quả cậu mới biết mình đậu đại học. Lẽ ra đậu đại học phải là niềm vui lớn, nhưng với Giàu lúc đó là sự hoang mang vô cùng. Vì cậu bị teo cơ toàn thân, chỉ có bàn tay là còn sử dụng được, dù cũng rất yếu ớt. Từ năm lớp 7 mọi sinh hoạt của Giàu đều nhờ vào mẹ. Lúc đó hàng xóm xung quanh cũng bàn tán, lời ra tiếng vào. "Mọi người nói em không học nổi 4 năm đâu, học uổng tiền" - Giàu kể.
Trường Đại học An Giang toạ lạc tại thành phố Long Xuyên, cách Tri Tôn gần 60km, chỉ mất khoảng 2 giờ đi xe máy. Nhưng đối với mẹ và Giàu thì đây là một quãng đường đi đầy thử thách, vì mẹ cậu không biết chạy xe máy, bà chưa từng rời xa vùng quê nghèo mình đang sinh sống và bà sử dụng tiếng việt cũng chỉ bập bõm. Chau Giàu và mẹ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng suy đi nghĩ lại, cha mẹ cậu thương cho đứa con gầy ròm nhưng học giỏi, thương có cái nghèo cứ bám riết lấy cuộc đời của những người nông dân, thương cho cái ước mơ "đại học" của cả một gia đình người dân tộc. Vì thương, nên mẹ cậu quyết định khăn gói lên đường cùng Giàu đi học.
Mẹ cùng Giàu lên đường học đại học, hỗ trợ cậu hết mức trong đời sống.
Những người bạn làm "đôi chân" cho Giàu suốt 4 năm
Mới đó là 4 năm đã trôi qua, cầm tấm bằng Đại học trên tay Giàu và mẹ vẫn còn rưng rưng như ngày nhận bằng tốt nghiệp. Giàu nói, nếu chỉ có một mình cậu, cậu sẽ không bao giờ cầm được tấm bằng này. Thời gian qua cậu đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người, phòng ký túc xá hiện tại Giàu và mẹ được nhà trường cho ở miễn phí suốt 4 năm học, cậu chỉ phải trả tiền điện nước sinh hoạt.
"Mẹ em có làm tạp vụ tại ký túc xá nhưng lương cũng ít, ba em làm ruộng chỉ đủ để lo cho em em ăn học. May là em có nguồn học bổng xổ số kiến thiết và quỹ tiếp sức tài năng An Giang, không thì sẽ khó khăn lắm" - Giàu cười nói. Tôi bèn hỏi, vậy cậu đi học mỗi ngày như thế nào vì mẹ không biết lái xe, cậu cũng đâu thể di chuyển được. Giàu mới nói bạn bè trong lớp sẽ đến ký túc xá chở cậu đi và cõng cậu đến lớp học.
"Suốt 4 năm như vậy à?" - Tôi hỏi.
"Dạ! Ngày nào đi học cũng vậy" – Giàu nói tiếp. "Bởi vậy em cảm kích các bạn lắm, khi còn ở quê cũng có bạn ngày nào cũng đưa, cõng em đi học. Số phận lấy đi của em nhiều thứ, nhưng cũng cho em nhiều may mắn đó là gặp những người bạn tốt, bạn bè em đều là những người rất tử tế".
Giàu được bạn bè bế, cõng do đôi chân không thể đi lại
Ngay cả trong lễ tốt nghiệp đại học, cậu cũng được bạn bè giúp đỡ để lên sân khấu nhận bằng
Giàu luôn nói mình may mắn nhiều thứ, một trong những thứ đó là việc Giàu chọn đúng ngành nghề. Những năm cấp 3, Giàu chưa một lần đụng đến máy vi tính. Khi vào đại học, cách mở nguồn chiếc máy bàn cậu cũng không biết làm. Lúc đó cậu chỉ nghĩ với thân thể không lành lặn này, cậu phải tìm một công việc không đòi hỏi việc đi lại hay ngoại hình quá nhiều. Cậu đến với ngành công nghệ thông tin như thế.
Một lát sau, mẹ Giàu đưa cho tôi xem tấm bằng tốt nghiệp của con trai, bà ít nói vì không sõi tiếng Việt nhưng ánh mắt bà chứa chan niềm tự hào. Tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi với số điểm 3,54. Bà còn nói Giàu được 9,5 điểm luận văn tốt nghiệp và là thủ khoa đầu ra của ngành Công nghệ thông tin Giàu đang theo học. Có khi tôi hỏi vài câu bà không hiểu hết nên chỉ cười, nhưng cứ nói đến con trai mình là bà thích lắm.
Khoảnh khắc Giàu nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học
Gia đình và bạn bè rất hạnh phúc ngày Giàu tốt nghiệp sau chặng đường đầy khó khăn
Nhiều giảng viên cũng vui mừng khi cậu học trò đã hoàn thành tốt chương trình học tập
Hiện tại Giàu đang thử việc cho một công ty công nghệ tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Trước đó, Giàu đã đậu phỏng vấn ở một công ty nước ngoài tại TP.HCM, nhưng vì quãng đường xa nên Giang đã chọn ở lại quê nhà để lập nghiệp. "Em có nói với mẹ về việc đi làm ở Sài Gòn, nhưng đến Long Xuyên đã là một thử thách quá lớn rồi, giờ đi Sài Gòn nữa em sợ mẹ vất vả quá" - Giàu kể.
- "Còn ước mơ của Giàu thì sao?" – Tôi hỏi tiếp
- "Bây giờ em muốn tập trung vào công việc mới, nhưng em vẫn còn ấp dủ dự định… khởi nghiệp, em đang cố gắng hoàn thiện chương trình Hệ thống quản lý hoá đơn điện tử bằng Blockchain, hy vọng sau khi xong có thể tìm được nhà đầu tư và quảng bá phần mềm đến các công ty, xí nghiệp" – Giàu nói
Giàu hiện muốn tập trung nhiều hơn cho công việc của mình
Cậu chàng trước mặt tôi nói hăng say về công việc, về phần mềm và những đam mê đối với công nghệ, cậu còn nói mai này khi thành công cậu sẽ kêu gọi mọi người cùng thành lập một quỹ học bổng cho các học sinh khó khăn, khuyết tật như cậu. "Chúng ta không có quyền lựa chọn biến cố xảy ra cho cuộc đời mình, nhưng chúng ta có quyền lựa chọn cách đối phó với biến cố!" - Chau Giàu nói với tôi đầy quả quyết, đó cũng là châm ngôn sống của cậu bao nhiêu năm qua.
Chau Giàu làm tôi nhớ đến anh chàng người Úc có tên Nick Vujicic. Họ đều là những người chứng minh cho câu nói "Giá trị của con người không nằm ở vẻ bề ngoài, mà nằm ở những gì họ làm được". Tôi muốn viết câu chuyện của Chau Giàu thành một câu chuyện cổ tích đẹp. Nhưng câu chuyện cổ tích thời 4.0 này không có ông bụt, bà tiên, cũng không có những phép mầu. Chỉ có một người mẹ quê thương con vô bờ bến, có những người bạn cùng lớp vừa nhiệt tình lại tử tế, có những người lạ, quen tính tình rất bao dung và tất nhiên không thể thiếu nhân vật chính, một chàng trai trẻ có trái tim đầy nghị lực.