Việt Nam là quốc gia phong phú về dược liệu nhưng thời gian qua vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Tiềm năng phong phú

Năm 2017, lần đầu tiên một hội nghị quy mô toàn quốc được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng với sự tham gia của lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tìm giải pháp cho sự phát triển của ngành dược liệu Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, Việt Nam là quốc gia phong phú về nguồn dược liệu của khu vực và thế giới. Thống kê của Viện Dược liệu cho thấy, cả nước đã ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc, trong đó có nhiều loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu như: Sâm Ngọc Linh, ba kích, châu thụ, ngân đằng, thông đỏ…

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cha ông ta cũng đã phát hiện, tích lũy được kho tri thức khổng lồ về dược liệu và y học cổ truyền với gần 1.300 bài thuốc dân gian. Đây là điều kiện quan trọng để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp dược liệu và nền y học cổ truyền, phục vụ công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Theo WHO, đến 80% dân số ở các nước đang phát triển vẫn dựa vào thuốc thảo dược để chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ở các nước có nền công nghiệp phát triển, 1/4 số thuốc thống kê trong các đơn đều có chứa hoạt chất thảo mộc. Và ngày nay, việc tìm kiếm các hoạt chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao để làm thuốc là một xu thế rất được các nhà khoa học quan tâm.

{keywords}
Sâm Ngọc Linh của Việt Nam là một trong những dược liệu quý đang có nguy cơ bị tuyệt diệt

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Quản lý Dược-Bộ Y tế, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50-60 nghìn tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Theo đó, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam là rất lớn.

Trên nền tài nguyên phong phú, đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành dược liệu của Việt Nam, tuy nhiên thực tế thời gian qua chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Hiện cả nước mới có 226 cơ sở sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền, hơn 1.400 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng với nhu cầu khoảng 20.000 tấn/năm. Tuy nhiên, quy mô cũng như trình độ sản xuất còn manh mún, lạc hậu, thiếu tính liên kết, 80% nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Chất lượng các sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu trong nước còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, tình trạng “chảy máu” dược liệu thô đang có chiều hướng gia tăng, khiến cho nhiều loài bị cạn kiệt, tuyệt chủng.

Cần thay đổi

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra rằng, việc cần làm là tìm biện pháp tổ chức sản xuất gắn với chế biến, thay vì chỉ chế biến thô có hiệu quả thấp; tổ chức đầu ra, tiêu thụ sản phẩm dược liệu, bao gồm cả thị trường trong nước và xuất khẩu; tổ chức một số trung tâm sản xuất, chế biến dược liệu ở một số vùng, miền để sản xuất có quy mô lớn.

Thủ tướng cũng cho rằng, cần gắn sản xuất dược liệu với y học cổ truyền, những bài thuốc của các thầy thuốc Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn giữa y học hiện đại và y học cổ truyền.

Đối với vấn đề thể chế chính sách phát triển cây dược liệu, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ nghiên cứu đưa ra dự thảo các thể chế, chính sách, định hướng phát triển cây dược liệu. Bộ Y tế cũng cần lắng nghe ý kiến của Hiệp hội Dược liệu Việt Nam để nắm được thực trạng phát triển ngành dược liệu Việt Nam cùng những vấn đề đặt ra.

Các chuyên gia cũng đều thống nhất, để đưa dược liệu của Việt Nam thành thế mạnh, cần xây dựng nền công nghiệp chế biến dược liệu đủ mạnh để sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt; xây dựng thói quen “Người Việt dùng thuốc Việt”; có chính sách hợp lý nhằm thu hút các nhà đầu tư nuôi trồng, chế biến dược liệu.

{keywords}
Vùng trồng Actiso tại Sapa, Lào Cai theo tiêu chuẩn GACP-WHO

Song song đó cần xây dựng chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ một cách bền vững; bảo tồn và phát triển các loài dược liệu quý hiếm; xây dựng bộ tiêu chuẩn nhằm quản lý chất lượng dược liệu; ngăn chặn có hiệu quả nạn xuất lậu dược liệu quý hiếm ra nước ngoài và nhập lậu các loại dược liệu giả, dược liệu kém chất lượng vào trong nước.

Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, để có thể đưa dược liệu trở thành thế mạnh của ngành dược Việt Nam, chúng ta cần quy hoạch nhiều vùng trồng dược liệu quy mô lớn trên cơ sở khai thác các vùng có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thích hợp với sinh trưởng và phát triển của cây dược liệu; phù hợp với nguồn nhân lực có khả năng tiếp thu kỹ thuật mới; dựa vào lợi thế các vùng truyền thống của các cộng đồng miền núi của Việt Nam và các nghiên cứu của các nhà khoa học.

Để đảm bảo nguồn dược liệu chất lượng cao, cần đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt trồng trọt và thu hái (GACP). GACP bao gồm 2 nội dung chính là thực hành tốt trồng cây dược liệu (GAP) và thực hành tốt thu hái cây dược liệu hoang dã (GCP).

Hiện đã có 11 cây dược liệu được trồng theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” (GACP-WHO), bao gồm: Trinh nữ hoàng cung, Actiso, Bìm bìm biếc, Rau đắng đất, Đinh lăng, Diệp hạ châu đắng, cỏ Nhọ nồi, Tần dày lá, Dây thìa canh, chè dây và Kim tiền thảo.

T.Thư