Các trường học của Trung Quốc, từ mầm non tới trung học, ngày càng nghĩ ra những cách làm sáng tạo hơn để kiếm thêm tiền.

Các vị phụ huynh phải chi hàng ngàn nhân dân tệ mỗi tháng cho những lớp học làm giàu, lệ phí đồng phục, chi phí sưởi ấm, thậm chí là chi phí cho cả những đơn đặt hàng sữa.

Trong khi những khoản này đều là tự nguyện thì một số trường hợp sẽ phải nhận những hành vi trả đũa, trù dập nếu không đóng tiền, ví như phải ngồi cuối lớp hay có nguy cơ nhận điểm kém trong các bài thi.

Để đảm bảo học sinh không bị lạnh trong suốt mùa đông, một số hiệu trưởng thậm chí còn yêu cầu các phụ huynh nộp ‘chi phí sưởi ấm’ khoảng 200 nhân dân tệ mỗi tháng để đặt lò sưởi trong những phòng học không có hệ thống điều hòa – lái xe Zhang Zhihong, 46 tuổi chia sẻ. “Con gái tôi phải mặc 2 chiếc áo khoác dày tới trường vì tôi không thể đóng thêm tiền để mua cho con gái một chỗ ngồi gần lò sưởi” – vị phụ huynh này nói.

Các trường học có thể nhận được khoảng 50.000 nhân dân tệ từ mỗi học sinh nếu các ông bố bà mẹ muốn có một chỗ ngồi ‘đẹp’ cho đứa con duy nhất của mình.

Giáo viên cũng thường nhận được những món quà như đồ trang sức đắt tiền hoặc hàng hiệu trong dịp Năm mới. Để một học sinh có được chỗ ngồi ở phía trên lớp học, giáo viên ở những thành phố nhỏ hơn được cho là đã nhận những bao lì xì vài trăm nhân dân tệ từ mỗi phụ huynh.

Các nhà chức trách đã nhắm mắt làm ngơ trước những ‘khoản thanh toán dưới gầm bàn’ này vì nó được cho là sẽ giúp hỗ trợ chi phí hành chính của các trường cũng như hỗ trợ mức lương khiêm tốn của các giáo viên.

Chính phủ Trung Quốc hứa hẹn về một nền giáo dục miễn phí cho trẻ từ 6 tới 15 tuổi, song ngân quỹ mà chính phủ chi cho các trường thường không đủ.

Vì thế, ‘lệ phí tài trợ’ mà các bậc phụ huynh chi trả để đăng ký cho con mình vào trường tiểu học hoặc trung học tốt chính là nguồn thu chính của các trường học.

Tuy nhiên, vấn nạn này đã trở nên nghiêm trọng trong vài năm gần đây đến mức một bộ phận phụ huynh đã phải lên tiếng.

Tuần trước, tờ Bắc Kinh buổi sáng đã cho đăng tải một bài viết sau khi một số phụ huynh khiếu nại về việc một trường học thu của học sinh tới 1.750 tệ cho 10 buổi học dài 8 tiếng vào các ngày cuối tuần.

Cùng ngày, tờ Tân Hoa Xã cũng đăng tải một bài bình luận về vấn đề này, nhấn mạnh rằng những hành vi này là trái với các quy định của Bộ Giáo dục Trung Quốc trong việc cấm thu thêm học phí của học sinh trong những ngày nghỉ.

Các bậc phụ huynh đã phản ánh với Straits Times rằng, họ còn phải nộp 200 tệ mỗi tháng cho các bữa ăn trưa – nhiều hơn gấp 2 lần so với giá trị thực, và 500 tệ mỗi năm cho 3 bộ đồng phục chất lượng kém.

Hầu hết các ông bố bà mẹ đều cắn răng chịu đựng những khoản chi phí nhỏ hơn này. Thậm chí, họ sẵn sàng chi trả cho các lớp học ngoại khóa như ‘Olympia Toán học’. Khóa học này dạy cho trẻ 4 tuổi cách giải quyết những vấn đề khó khăn, trong đó, có các thuật toán, có lẽ là để cung cấp cho trẻ cơ hội tốt hơn khi chúng đăng kí vào những trường học tốp đầu.

Tuy vậy, một lái xe ở Bắc Kinh Mu Shuhua đã băn khoăn trước ‘thời thơ ấu bị đánh cắp’ của cậu con trai mới 5 tuổi.

“Thằng bé thích học nhưng vào tuần trước, nó đã thở dài và nói: ‘Con là một đứa trẻ không có cuối tuần’” – anh kể.

Anh nói rằng mình không có sự lựa chọn nào khác và vẫn tiếp tục đưa con trai tới các lớp học làm giàu vào cuối tuần và những buổi học thêm. “Tôi sợ rằng con trai mình sẽ không theo kịp những đứa trẻ khác nếu không tham gia những lớp học này”.

Thư ký 32 tuổi Liu Yun cũng có cùng quan điểm này

“Tôi chỉ có một đứa con duy nhất, vì thế nếu phải trả nhiều tiền hơn để con bé ít gặp rắc rối hơn ở trường thì tôi vẫn sẽ trả ngay cả khi tôi phát điên lên vì bị lợi dụng”.

  • Nguyễn Thảo (Theo ANN)