- Nhiều trường hợp giám định vụ việc còn từ chối, né tránh giám định tư pháp những vụ án liên quan đến tội phạm kinh tế, tội phạm có chức vụ quyền hạn và tội tham nhũng vì ngại đụng chạm.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Ban Nội chính TƯ cho biết tại phiên họp thứ tư Ban chỉ đạo thực hiện đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì sáng nay.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VOV |
Theo ông Tuấn, qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm kinh tế, tội phạm có chức vụ quyền hạn và tội tham nhũng cho thấy vẫn có nhiều trường hợp cơ quan, tổ chức hợp, cá nhân từ chối, né tránh giám định tư pháp. Lý do họ viện dẫn thường là không đủ người, không đủ chuyên môn, không đủ thời gian thực hiện hoặc chậm thực hiện giám định, hoặc kết luận giám định thiếu rõ ràng.
“Qua kiểm tra, giám sát việc khởi tố, điều tra, xử án các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp năm 2013 - 2014, Ban Nội chính TƯ nhận thấy giám định tư pháp đang là một vướng mắc của các cơ quan tiến hành tố tụng”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết có những vụ cơ quan tố tụng TƯ tách vụ án chuyển xuống cho cơ quan tố tụng địa phương thực hiện thì bị mắc ở khâu giám định. Nhiều cơ quan kêu nếu giám định thì không có kinh phí và tiến hành giám định sẽ kéo dài thời gian của vụ án.
“Có câu chuyện giám định viên hoặc tổ chức giám định né tránh, rất ngại vì đưa ra kết luật giám định rất đụng chạm. Vì vậy họ thường từ chối và viện đủ lí do. Chính vì vậy mà có những vụ thiếu kết quả giám định đành đình chỉ vụ án, không thể xử lí hơn được nữa. Có vụ án kéo dài do chờ kết quả giám định”, ông Tuấn kể.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VOV |
Ông Tuấn còn chỉ thêm một nguyên nhân nữa khiến cho nhiều nơi né tránh giám định tư pháp là do việc chi trả cho việc thực hiện giám định của cơ quan trưng cầu giám định còn chậm. Ví dụ như các hợp đồng ngoại mua tàu, mua ụ nổi, hợp đồng mua dây chuyền sản xuất có giá trị lớn hoặc đối tượng giám định có hàm lượng công nghệ cao… Chính vì vậy dẫn đến thời hạn giám định rất khó biết cụ thể thế nào vì phải sang nước ngoài để giám định và còn phải phụ thuộc vào cơ quan nước ngoài.
Thực tế vướng mắc như vậy nhưng luật Giám định tư pháp lại không quy định trách nhiệm của cơ quan giám định từ chối giám định, né tránh giám định hoặc kết luận giám định sai, không rõ ràng và cũng không có chế tài.
“Đề nghị Chính phủ sớm quy định rõ trách nhiệm và có chế tài xử lí nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám định tư pháp theo vụ việc nhưng từ chối, né tránh, chậm thực hiện giám định hoặc giám định không chính xác, thiếu rõ ràng”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng đề xuất thành lập Viện giám định pháp y tâm thần TƯ tại Biên Hòa, Đồng Nai. Thứ trưởng Tiến cho rằng việc thành lập viện này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác giám định tâm thần khu vực phía nam. Vì thực tế hiện nay việc giám tâm thần khu vực phía Nam phải chuyển ra Viện giám định pháp y tại Hà Nội mất thời gian, trong khi người ký cũng không giám ký vì không sát thực tế tại các địa phương. Theo ông Tiến, hiện nay mọi sự chuẩn bị về mặt bằng, nhân lực tại Biên Hòa đã đầy đủ nhưng chỉ vướng về mặt pháp lí.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết thêm luật Giám định tư pháp quy định chỉ có một Viện giám định pháp y tâm thần TƯ còn lại trung tâm giám định khu vực. Vì vậy nếu chuyển phân viện tại Biên Hòa thành viện trung ương thì vướng luật. Ông đề nghị Bộ Y tế xây dựng đề án cụ thể xem có cần thiết thêm Viện Pháp y tâm thần TƯ nữa không và nên thành lập viện này ở TP.HCM hay Đồng Nai.
Phương Nguyên