Với quyết định tăng giá sách giáo khoa lên 17% vừa được Bộ Tài chính đồng ý, báo Sài Gòn Giải Phóng nhận định "từ thay đổi đến lãng phí". Báo Tiền Phong ghi nhận chủ trương "không lấy tiền của phụ huynh thưởng cho giáo viên" - một văn bản hành chính có mục đích chấn chỉnh hiện tượng lạm thu ở trường học bị nhiều phụ huynh nghi ngờ khả năng thực thi". Báo Tuổi Trẻ phát hiện hiện tượng "biến tướng hệ đào tạo ngoài ngân sách" - một cách lách quy chế để thu hút sinh viên đào tạo với học phí cao. Phóng sự "con ra Bắc học đại học, mẹ vào Nam làm osin" trên báo Lao Động kể lại câu chuyện một gia đình nỗ lực vươn lên thoát nghèo bằng con đường giáo dục.
Từ thay đổi đến … lãng phí!
Theo thông tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng, năm học 2011-2012, một lần nữa SGK lại được Bộ Tài chính đồng ý cho tăng 17% so với trước. Hiện tại, một học sinh đi học phải sắm một bộ sách có giá từ 100.000 - 200.000 đồng tùy vào cấp học.
Không chỉ giá sách, giá các dụng cụ thiết bị dạy học, SGK cũng lặng lẽ tăng theo.
Bài báo so sánh: "SGK mới tăng giá đang trở thành áp lực cho nhiều người thì hàng chục triệu bản sách chỉ mới qua một lần sử dụng đang chờ… làm phế liệu. Trong khi cả nước đang hô hào thực hành tiết kiệm thì việc thải hàng loạt bản sách còn sử dụng được là quá lãng phí".
So sánh với các nước phát triển về sự ổn định của SGK, cách bảo quản và sử dụng sách cũ, bài báo kết luận: "Nước ta cần có những định hướng tích cực trong giáo dục, nhằm giảm đi phần nào áp lực cho phụ huynh và học sinh. Hạn chế đến mức tối đa việc sửa chữa và thay sách để tránh lãng phí".
Bức xúc với "câu giờ"
"Chấn chỉnh tình trạng lạm thu và giảm tải nội dung dạy học ở phổ thông" là hai nội dung được Bộ GD-ĐT quan tâm trong quá trình chuẩn bị năm học mới, theo ghi nhận của báo Tiền Phong.
Theo đó, trong một văn bản vừa ban hành, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa ra yêu cầu cụ thể với khoản thu phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh và "không dùng khoản thu này để hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường".
Tuy nhiên, phụ huynh có bất bình, thậm chí kiện tụng cũng chẳng ăn thua, trường vừa đổ lỗi cho cho phụ huynh, hợp thức hóa thu chi, còn cấp trên "câu giờ", cứ lẫn lữa mãi không kết luận. Bài báo cho biết thêm hiện tượng các cấp quản lý làm ngơ với sai phạm thu chi của các trường còn gây bức xúc cả với giáo viên, mà đối tượng bức xúc thường là các hiệu trưởng.
Biến tướng tuyển sinh ngoài ngân sách
Bộ GD-ĐT khẳng định năm 2011 không có hệ đào tạo theo nhu cầu xã hội. Thế nhưng trên thực tế vẫn có nhiều trường tìm cách lách quy định để tuyển sinh hệ này với những mức thu học phí khá cao, theo phát hiện của báo Tuổi Trẻ.
Các chiêu biến tướng gồm: công bố hai điểm chuẩn (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), chuyển hướng sang hình thức "đào tạo theo địa chỉ sử dụng" (như đào tạo cho địa phương, đào tạo cho các công ty, dù địa phương không trả tiền hoặc các công ty không chứng minh được nhu cầu sử dụng nhân lực) . Theo quy định thì việc đào tạo theo địa chỉ sử dụng chỉ áp dụng tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng cho đối tượng ở vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số...
Hai câu chuyện của con nhà nghèo
Báo Tuổi Trẻ đề cập trường hợp một phụ huynh không phải cán bộ viên chức nên con mình bị từ chối nhập học.
Cháu Nguyễn Hoàng Kim (3 tuổi) học tại Trường mẫu giáo thị trấn Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) không thuộc diện ưu tiên nên không được nhà trường nhận (trường chỉ ưu tiên nhận con cán bộ, giáo viên hoặc công nhân viên chức nhà nước).
Bà Hồ Thị Kim Bình, hiệu trưởng Trường mẫu giáo thị trấn Thủ Thừa giải thích rằng nhà trường chỉ làm theo kế hoạch tuyển sinh do Phòng GD-ĐT chỉ đạo. Ông Lâm Minh Tấn, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Thủ Thừa, cho biết phòng đang rà soát khả năng cơ sở vật chất của các trường mẫu giáo thị trấn, Trên cơ sở đó xem lại việc mở rộng nhận thêm các đối tượng. Nhưng theo ông Tấn, khả năng cũng không được nhiều vì hiện nay lớp mầm 3 tuổi đã quá tải.
|
Em Hiền cùng mẹ chuẩn bị giấy tờ cho ngày lên đường nhập học. |
Trương Thị Hiền thi đậu vào Học viện Tài chính với điểm số 27. Sau những nụ cười hạnh phúc của mẹ, Hiền biết vẫn có những giọt nước mắt lăn sâu vào đêm tối, bởi vài ngày nữa, khi Hiền ra thủ đô trọ học, thì cũng là lúc mẹ chia tay gia đình vào Nam làm osin (giúp việc nhà) để kiếm tiền cho con ăn học.
Nhà nuôi được 3 con heo đẻ, mẹ Hiền bán 2 con được 4,5 triệu đồng cho con đi thi hai trường. Giờ con ra nhập học, còn một con nữa cũng phải bán nốt. Trong hành trang chuẩn bị ra Hà Nội theo học, đáng chú ý nhất là một đôi dép caosu hơi cũ đã được đánh rửa sạch sẽ. Hiền cho biết đôi dép này đã đi được 3 năm cấp THPT rồi, dù hơi cũ nhưng có lẽ còn đi được một vài năm nữa.
- Diệu Thanh - Minh Tuyết (tổng hợp)