- Nêu ví dụ việc cán bộ quản lý thị trường phải dùng miệng để thử phân bón giả bằng miệng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay đến nay vẫn còn thiếu công cụ kiểm tra chất lượng nhiều loại hàng hóa, thực phẩm.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng chiều 17/11, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nêu bức xúc, liệu Bộ trưởng "có dám cam kết đến hết 2015 sẽ quét sạch" hàng giả, hàng nhập lậu, cần bao nhiêu nhân lực, cần chính sách gì?

Hạn chế có trách nhiệm của Bộ

Bộ trưởng trần tình rằng lực lượng chức năng (thị trường, hải quan, biên phòng, công an, thuế...) đã hết sức cố gắng nhưng kết quả còn hạn chế. Trong báo cáo kiểm điểm cá nhân gửi các đại biểu trước khi bỏ phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm về hạn chế này.

Ông cho biết, mặc dù ngành, cũng như lực lượng quản lý thị trường đều có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả chưa cao, tỷ lệ số vụ việc gian lận, hàng giả năm sau đều cao hơn năm trước. Bộ trưởng đề nghị các vị tư lệnh ngành công an, quốc phòng chia sẻ thêm.

{keywords}
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng

Theo ông, nguyên nhân do dung lượng thị trường ngày càng phát triển mạnh, độ mở của nền kinh lớn, giao thương hàng hóa ngày càng tăng. Trong khi đó, những phần tử làm ăn không đứng đắn, chính đáng trong và ngoài nước lợi dụng đưa hàng hóa kém chất lượng vào tiêu thụ; công tác đấu tranh còn yếu và thiếu phương tiện, công cụ, trang thiết bị kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng, thậm chí để đánh giá chất lượng phân bón giả, cán bộ quản lý phải thử bằng miệng...

Về cán bộ, Bộ trưởng cho hay dù luôn nhắc nhở kiểm tra, trong đội ngũ vẫn có thể có tiêu cực, làm không hết trách nhiệm, bao che sai phạm. Dù cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với địa phương nhưng vẫn có chỗ có nơi chưa đều, chưa nhất quán. Trong khi đó, lực lượng quản lý thị trường trực thuộc sở, UBND tỉnh thành, do địa phương quyết định nên sự vào cuộc của địa phương là quan trọng.

Về cam kết để giảm tình trạng trên, Bộ trưởng tin tưởng Ban chỉ đạo 389 về chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng hoạt động ngày một hiệu quả hơn cũng như có sự tham gia của nhiều bộ, ngành.

"Tôi chỉ dám nói rằng sẽ hết sức cố gắng. Và chúng ta không có lý do gì để không tin rằng tình trạng trên sẽ không được cải thiện".

ĐB Nguyễn Thị Khá tiếp tục chất vấn lại. Bộ trưởng Công thương phân trần trong việc tham mưu cơ chế chính sách các cơ quan liên quan cho Chính phủ, QH, TƯ có hạn chế, trong đó có trách nhiệm của Bộ.

{keywords}
ĐB Nguyễn Thị Khá

"Chúng ta thiếu công cụ kiểm tra chất lượng không chỉ phân bón vô cơ mà nhiều loại hàng hóa khác, thực phẩm, hàng hóa có liên quan sức khỏe đời sống nhân dân. Đã có kiến nghị trong bối cảnh ngân sách khó khăn nhiều mục tiêu ngân sách cấp bách hơn thì việc thêm thiết bị phải từng bước" - Bộ trưởng giãi bày.

Về xử lý nơi để xảy ra buôn lậu, Bộ trưởng cho hay, riêng về quản lý thị trường, 2012-2013 đã có 25 trường hợp bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo 16 và cách chức, buộc thôi việc 4 trường hợp.

Công nghiệp ô tô èo uột vì đâu?

ĐB Trần Ngọc Vinh đặt câu hỏi: "Công nghiệp ô tô của ta èo uột, nội địa hóa thì chỉ là những linh kiện đơn giản, giá bán ô tô thì cao nhất thế giới, vậy chiến lược mới cho ngành công nghiệp này là gì để không thất bại như chiến lược cũ, trong khi các nước xung quanh cạnh tranh khốc liệt?"

{keywords}
ĐB Trần Ngọc Vinh

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa đặt câu hỏi về các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường. Các nhà bán lẻ VN phản ứng thế nào, sản xuất trong nước có bị ảnh hưởng không, hàng hóa VN có thua trên sân nhà không?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay tỉ lệ nội địa hóa 5-10% ở ô tô chỉ là phần cứng, chưa đạt mục tiêu, giá đắt do cơ chế chính sách khác ngoài sản xuất. Chiến lược mới đặt mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa, đặc biệt là động cơ, lựa chọn dòng xe chở khách làm chiến lược, ô tô con thì là dòng xe thông dụng, nhiều người mua được, công nghệ không quá phức tạp.

Về phân phối bán lẻ, Bộ trưởng cho hay, trước khi làm thành viên WTO, VN đã nhận thức lĩnh vực này là nhạy cảm nên mở cửa có lộ trình, tạo điều kiện về thời gian cho DN trong nước vươn lên chiếm lĩnh thị trường. Lộ trình khi ký WTO là khá dài và phải đến 2019 mới được lập DN 100% vốn nước ngoài và có 9 mặt hàng không được các nhà bán lẻ tiêu thụ ở hệ thống của họ như thuốc lá, gạo, văn hóa phẩm...

"Tổng kết lại 900 cơ sở bán lẻ hiện đại thì chỉ 70 của nước ngoài, còn lại của trong nước, tỉ trọng tiêu thụ hàng hóa của DN nước ngoài chỉ 3,4% thôi" - Bộ trưởng thông tin.

Linh Thư  - Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng