Lời giới thiệu:

Lưu Vĩ Lân là một nhà báo, nhà văn tài năng. Ông là người luôn thao thức về lịch sử, về định mệnh của đất nước. Ông tâm đắc về cách chúc Tết bằng các câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thời điểm giao thừa, hay truyền thống Tết trồng cây mà Cụ đề ra. Ông chia sẻ rằng: “Phải yêu thiên nhiên, yêu Tổ quốc, yêu hồn phách Việt và thấm đẫm cái tinh túy của dân tộc mới có những cách nghinh xuân như vậy. Bao nhiêu là bậc thức giả với suy tư và cảm thụ tuyệt đẹp, vừa hồn hậu, vừa hào sảng, vừa đương đại đã tạo dựng lên tinh thần Việt trong suốt dòng lịch sử. Tại sao chúng ta không suy gẫm và thừa hưởng?”. 

------

Lúc này đây chúng ta đang vui. Giao thừa! Trong cái thời khắc ấy, người phươngTây thường khui sâm - banh nổ trào, họ tụ tập, họ reo mừng, họ tung hoa giấy đầy trời… Còn chúng ta, trong cái thời khắc của mình, chúng ta cũng vui, nhưng là một niềm vui trầm ngâm: nhang khói bên bàn thờ gia tiên, hương án cúng trời lập lòe trước mỗi căn nhà, tiếng chuông chùa ngân nga, những bóng người chậm rãi đi hái lộc. Ngay cả thời còn đốt pháo đón Giao thừa thì dường như người Việt cũng không sôi động hơn trong tiếng pháo ran trời. Có vẻ như, tiếng pháo lại làm cho họ trầm ngâm hơn!

Hiểu được điều này không khó, bởi người Việt là một dân tộc cổ kính, nên niềm vui của họ cũng ướp đẫm hương thời gian. Đây là một dân tộc lâu đời nên cấu thành một cộng đồng vững chãi, cộng thêm một truyền thống nghiêm trang, lễ giáo, khắc kỷ… nên nhiều lúc nhìn vào thấy đời sống mang màu sắc thâm trầm, nếp sống tĩnh tại, phong thái khoan thai chậm chạm, câu hát, điệu hò sâu lắng, hoài cảm…, dễ tạo cảm giác buồn. Chả trách người nước ngoài thường nhận xét: âm nhạc Việt sao cứ mang âm hưởng buồn buồn. Thật ra, xét cho hết mọi nhẽ ta nhận ra cái chất buồn buồn đó lại là một loại niềm vui được hong khô, như những búp trà, đen, sần sùi… tưởng chừng khô héo, nhưng chỉ cần được thả vào ấm, nhờ nước truyền vào một nguồn nhiệt lượng nóng bỏng, là lập tức xanh tươi trở mình sống dậy tỏa ngát hương, như kéo cả trời đất choàng tỉnh, tươi nguyên, ngây ngất. Trà là một loại thiên nhiên được hong khô để lưu giữ.

Cũng giống như việc đóng gói, ướp hương để “bảo quản” thiên nhiên trong từng búp trà khô, người Việt dường như còn đóng gói, ướp hương để lưu giữ niềm vui.

Không cần quá tinh ý cũng dễ nhận ra một nét chung: hầu hết mọi tâm hồn Việt đều bần thần ngây ngất trước một mảng tường rêu xanh bên một mái ngói cổ xiêu vẹo; một cảnh chùa thâm trầm buồn đến thảng thốt nhưng lại làm cho những tâm hồn ấy hân hoan, rộn rã… Dường như, người Việt muốn chiết từ những cổ vật để lấy một thứ tinh dầu của thời gian, rồi họ đem ướp chất hương thời gian nay vào mọi thứ mình yêu mến kể cả niềm vui, để tạo ra một khí vị riêng, nên niềm vui của họ cũng có cái khí vị riêng, nó đượm màu cổ kính, nó thâm trầm, tĩnh tại và say nồng.

Một dân tộc cổ kính, một niềm vui cổ kính. Đó là gia tài của chúng ta. Nhưng quy luật của đời cho thấy, mọi sự cổ kính đều để đợi ngày phục sinh, bởi để đủ sức sống, để sống đủ lâu mà trở thành cổ kính mọi sinh thể phải thay da, đổi thịt mà sống lại nhiều lần. Đời xưa cũng thế mà đời nay cũng thế.

Nhìn qua đảo quốc Singapore thịnh vượng chúng ta thấy, thời ông Lý Quang Diệu - vị lãnh tụ lập quốc của đất nước này - đã tạo ra một xã hội nghiêm túc, khắc kỷ (cấm nhai kẹo xing-gum, áp dụng hình phạt đánh đòn trẻ hư hỏng…), nhưng đến năm 2004 này, khi mà Thủ tướng Goh Chok Tong - vị kế nhiệm ông Lý - chuẩn bị bàn giao xã hội này lại cho một thế hệ lãnh đạo trẻ hơn (có thể là Phó Thủ tướng Lý Hiển Long con trai đầu của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu), thì những nhà lãnh đạo mới này hiểu rằng họ phải làm trẻ lại niềm vui của xã hội Singapore. 

Ông bộ trưởng thương mại xứ này là George Yeo mới đây nhấn mạnh: “Ở Singapore, vui là một công việc nghiêm chỉnh”( “In Singapore, fun is serious business”). Rõ ràng chữ “vui” ở đây dùng theo đúng nghĩa đen chứ chưa cần hàm ý gì sâu xa cả, bởi lẽ, yêu cầu về một xã hội vui này xuất phát từ những nhận thức chiến lược sâu xa: nếu chỉ cần cù nhấn mạnh vào nền kinh tế sản xuất thì Singapore không thể cạnh tranh nổi với các nền kinh tế sản xuất khổng lồ như Trung Quốc chẳng hạn, nên để tồn tại họ phải nhanh chóng chuyển mình thành một xã hội nghiêng về dịch vụ và trí tuệ. Dịch vụ tức nhiên là du lịch, là môi giới, là làm ăn, là ngân hàng… mà để những con người liên quan đến dịch vụ như thế chịu đến sống và làm việc với ta thì xã hội chúng ta phải vui vẻ, an toàn, khả ái, tiện lợi. Mặt khác để phát huy trí tuệ, sáng tạo, ý tưởng mới…thì cũng cần một xã hội vui, cởi mở, khoan dung.

Ở các xã hội sáng tạo hiện đại ngày nay đều có một đòi hỏi như thế: vui và hào hứng. Thậm chí, một nhà chiến lược đã khái quát: ”Ngày nay, cái tội lớn nhất trong đời sống là trở thành nhàm chán” (“The worst sin is to be boring”). Cho nên, người ta đấu tranh cam go, lobby đủ kiểu, rồi reo hò hết mức để giành cho được quyền đăng cai Thế Vận Hội chẳng hạn. Đó là gì, đó là một cuộc chơi lớn, một niềm vui lớn! Rồi người ta đua nhau nghĩ ra đủ kiểu bắn pháo hoa cầu kỳ cho các dịp lễ, người ta tranh nhau mua các đội bóng ngoại hạng, người ta bầu ra các loại vua bếp, vua rượu… Đó là gì, đó là lạc thú của cuộc sống, đó là niềm vui!

Xem thế, quả là may mắn khi chúng ta vừa được thừa hưởng một gia tài của niềm vui cổ kính và sâu lắng, vừa là một xã hội trẻ dễ dàng hội nhập và sẵn sàng “chơi hết ga!”, “xả láng… sáng về sớm!”(nói theo khẩu ngữ Nam Bộ), sẵn sàng vui hết mình và đầy sáng tạo. Như vậy, chúng ta vừa có một tài sản cổ kính lâu đời vừa có một dòng máu nóng đầy nhiệt lượng đủ sức để thổi bùng niềm vui cổ điển phục sinh thành “fun” và biến nó trở thành một công việc nghiêm chỉnh “serious business”.

Như một nhúm trà gói ghém cả thiên nhiên chỉ chờ được truyền nhiệt lượng để phục sinh, để nở bùng thành một chén trà xanh ngát thơm, trái tim của chúng ta cũng vậy, nó gói ghém mấy ngàn năm lịch sử của niềm vui tao nhã, giờ đây nó cần những dòng máu nóng mới để phục sinh, để trẻ trở lại, để…, chẳng hạn , “tao nhã hóa nhạc rock” và tại sao không, “rock hóa sự tao nhã”. Cứ thế, trái tim trầm mặc ấy sẽ vui trở lại, sẽ trẻ trở lại, không chỉ một lần trong phút giao thừa này, mà nhiều lần trong một ngày, nhiều ngày trong một đời, nhiều đời trong dòng thời gian lưu cửu bất tận này.

-Lưu Vĩ Lân-