- Công an Hải Dương khẳng định sau khi tiến hành kiểm tra làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể sẽ tiến hành xử lý nghiêm. ai làm sai phải tự bỏ tiền túi đền bù cho người dân.
Tự bỏ tiền túi đền bù!
Trả lời báo VietNamNet về việc Công an Hải Dương lấy nguồn tiền ở đâu để đền bù cho người dân trong vụ 'bạch tuộc thối', đại tá Cao Ngọc Lan, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương cho biết, sau khi làm việc với các chủ hàng, Công an Hải Dương đã tiến hành đền bù 650 triệu đồng.
Số tiền này được đại diện Công an Hải Dương mượn của một số người quen đang sinh sống tại TP.HCM.
"Lúc vào giải quyết vụ việc, tôi không mang theo tiền. Khi người dân chấp thuận phương án đền bù với số tiền là 650 triệu, tôi đã chạy vạy để vay tiền người quen, nhằm giải quyết khó khăn cho người dân Cần Giờ" - đại tá Lan cho biết.
CA Hải Dương làm việc với đại diện lô hàng - Ảnh: Tuổi Trẻ
Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo công an Hải Dương khẳng định: Hiện Công an tỉnh Hải Dương đang tiến hành xem xét để có phương án xử lý kỷ luật đối với lãnh đạo, cán bộ Phòng cảnh sát Môi trường thiếu trách nhiệm trong vụ bắt giữ 2 tấn bạch tuộc và để lô hàng này bị hư hại.
Theo đó, lãnh đạo Phòng cảnh sát Môi trường cũng như các cán bộ tham gia vụ bắt giữ lô hàng này phải chịu trách nhiệm.
Lãnh đạo này cũng cho biết, sau khi làm rõ được trách nhiệm của từng cá nhân thì cán bộ nào làm sai đến đâu sẽ bị xử lý đến đấy.
Ai làm sai phải tự bỏ tiền túi đền bù cho người dân
Cần làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan
Trong khi đó, trao đổi với VietNamNet, Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Trưởng văn phòng Hồng Bách và cộng sự khẳng định việc CA tỉnh Hải Dương sử dụng nguồn kinh phí của mình để chi trả tiền bồi thường là đúng quy định của pháp luật và cần thiết, giúp nhanh chóng giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người bị hại.
"Việc trích và sử dụng kinh phí này đã được pháp luật quy định rất cụ thể và Công an tỉnh Hải Dương cần phải tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định đó. Mặt khác, Công an Hải Dương cũng cần nhanh chóng làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan và xử lý theo đúng quy định của pháp luật" - ông Bách cho biết.
Luật sư Bách diễn giải, việc bồi thường Nhà nước là hoạt động mang tính đột xuất, không thể dự liệu trước được mức kinh phí phát sinh nên không thể sắp xếp trong dự toán của cơ quan có trách nhiệm bồi thường một khoản kinh phí cụ thể để chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trong khi đó, việc bồi thường cho người bị thiệt hại là yêu cầu cấp thiết, theo nguyên tắc "kịp thời, công khai, đúng pháp luật", theo đúng thời hạn luật định, để giảm bớt thiệt hại cho người bị thiệt hại, cũng như cho ngân sách Nhà nước.
Lô hàng hơn 2 tấn bạch tuộc đã chảy nước, bốc mùi hôi thối vẫn đang được lưu giữ tại bãi xe (ảnh Dân trí)
"Nguồn kinh phí bồi thường sẽ được chi từ ngân sách Nhà nước, cụ thể là kinh phí trong dự toán chi quản lý hành chính của Công an tỉnh Hải Dương. Sau khi đã chi trả cho người bị thiệt hại, Công an tỉnh Hải Dương phải tổng hợp, báo cáo cơ quan tài chính có thẩm quyền bổ sung kinh phí, để hoàn trả kinh phí đã ứng trả cho người bị thiệt hại. Trong trường hợp, Công an tỉnh Hải Dương không còn đủ dự toán để ứng trả cho người bị thiệt hại thì phải lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí, để chi trả cho người bị thiệt hại" - ông Bách cho biết.
Trả lời vấn đề số tiền tiến hành bồi thường cho người dân sẽ được truy thu thế nào, luật sư Bách cho rằng: người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.
Trong trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 3 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật TNBTNN.
Về trình tự, thủ tục hoàn trả ngân sách Nhà nước của người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại, ông Bách cho biết trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày đã thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả để xác định trách nhiệm hoàn trả, mức hoàn trả đối với người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại.
Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan khác nhau gây ra thiệt hại thì Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả phải có sự tham gia của đại diện các cơ quan liên quan để xác định trách nhiệm hoàn trả, mức hoàn trả đối với từng người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đã thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, người có thẩm quyền quy định tại Điều 59 của Luật TNBTNN phải ban hành quyết định hoàn trả. Quyết định hoàn trả phải được gửi đến người có nghĩa vụ hoàn trả, cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Hoàng Sang