Thảo luận dự thảo Luật Giám định tư pháp sáng 16/4, Thường vụ QH chưa thống nhất được mô hình tổ chức giám định tư pháp về pháp y cấp tỉnh.
Ngành công an muốn giữ biên chế giám định viên pháp y tại cấp tỉnh. Ảnh: Sức khoẻ & Đời sống
Đa số ý kiến trong Thường vụ ủng hộ phương án thống nhất đầu mối về ngành y tế.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho rằng nếu để pháp y trong Công an cấp tỉnh thì việc Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ pháp y là không thuận lợi.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng việc tập trung đầu tư cho một trung tâm pháp y chính quy, hiện đại là phương châm đúng đắn. Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tán thành quan điểm này và đề nghị quy định lộ trình chuyển giao nhiệm vụ ngay trong luật.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh thêm: Việc chuyển giao phải thực hiện song song với việc cải tổ hệ thống giám định pháp y cấp tỉnh.
"Việc này rất quan trọng, là khâu xác định bằng chứng và mở ra các hướng điều tra", ông Phước nói. "Song không thể tiếp tục cung cách túc tắc, ung dung kiểu hành chính của cán bộ pháp y ngành y tế như hiện nay, mà phải luyện tác phong nhanh nhẹn, chuyên nghiệp".
Ông Phước cũng cho rằng dù chủ trì là ngành y tế, cơ quan giám định pháp y vẫn phải củng cố quan hệ với các cơ quan điều tra và tố tụng, nghĩa là công an và viện kiểm sát.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng thực tiễn nhiều năm qua, đội ngũ giám định pháp y thuộc Công an cấp tỉnh (chủ yếu là pháp y tử thi) phục vụ hiệu quả cho hoạt động tố tụng và không có vướng mắc trong tổ chức thực hiện cũng như quản lý nhà nước.
Trung tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết ngành Công an muốn giữ biên chế giám định viên pháp y tại cấp tỉnh.
"Trưng cầu hay giám định pháp y đều tuân thủ theo Luật Tố tụng hình sự", ông Vương nói. "Ngoài ra, các giám định viên của ngành không bao giờ nề hà, chậm trễ trong công việc".
Theo khảo sát của UB Tư pháp, một trong những vướng mắc của giám định pháp y hiện nay là Bộ Y tế chưa ban hành các quy định về quy trình, quy chuẩn chuyên môn, dẫn đến thiếu thống nhất, giảm độ tin cậy trong giám định dẫn đến khiếu nại.
Do chưa thể thống nhất, Thường vụ QH đề nghị trình cả 2 phương án để Quốc hội thảo luận, cân nhắc trước khi biểu quyết. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu yêu cầu cơ quan thẩm tra bổ sung lý lẽ cụ thể cho mỗi phương án để Quốc hội nắm rõ và quyết định.
Chung Hoàng