Nhận định lợi thế lớn của Hội Tin học Việt Nam là có lịch sử phát triển lâu đời, quy mô rộng khắp toàn quốc, quy tụ được các thành viên đa dạng đến từ doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, đào tạo, các chuyên gia và từ các cơ quan nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, Hội cần biến lợi thế thành những hành động cụ thể có tính thực tiễn nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong sự nghiệp thúc đẩy ngành CNTT-TT nước nhà.

Lấy dẫn chứng từ việc Câu lạc bộ các Khoa-Viện-Trường CNTT-TT được thành lập và ra mắt tháng 4 vừa qua là một chi hội trực thuộc Hội Tin học Việt Nam, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Đây cũng là một lợi thế mà khó có Hội hay Hiệp hội nào có được. Nguồn nhân lực về CNTT-TT Việt Nam có sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0 hay không một phần phụ thuộc và các hành động của các đồng chí. Các tỉnh vùng ĐBSCL và Câu lạc bộ Khoa-Viện-Trường CNTT-TT đã có kế hoạch bàn bạc cụ thể nào về việc tăng cường nguồn nhân lực công nghệ cao cho địa phương chưa?”.

Với hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT, Thứ trưởng đề nghị, trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức của CMCN 4.0, Hội Tin học Việt Nam thời gian tới cần xác định được hướng đi và trách nhiệm, qua đó tiếp tục mạnh dạn đổi mới phương thức tổ chức hội thảo.

“Sau các hội thảo, đề nghị Hội Tin học Việt Nam cần có những kiến nghị, đề xuất cụ thể, mạnh mẽ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT và các Bộ, ngành liên quan khác để hoàn thiện khung pháp lý nói chung cũng như triển khai các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực CNTT-TT. Bộ TT&TT sẽ luôn phối hợp và hỗ trợ Hội Tin học Việt Nam trong các hoạt động của mình, đồng thời trong thời gian tới sẽ có những hành động cụ thể, đổi mới và quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển ngành CNTT-TT”, Thứ trưởng nói.

Theo chương trình, ngoài phiên khai mạc, hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT năm nay có 2 phân ban chuyên đề về “Định hướng xây dựng chính quyền điện tử trong tình hình mới” và “Giải pháp ứng dụng CNTT thích ứng biến đổi khí hậu” diễn ra song song vào chiều ngày 29/8/2018.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT lần thứ XXII, Hội Tin học Việt Nam và Vụ CNTT - Bộ TT&TT đã công bố báo cáo đánh giá xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam - Vietnam ICT Index 2018 của 2 nhóm đối tượng: các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là lần thứ 13 báo cáo này được thực hiện.


Theo đó, ở khối ở nhóm 19 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công, Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng. Ba vị trí tiếp theo trong Top 5 lần lượt thuộc về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ TT&TT và Bộ VHTT&DL. Bộ GD&ĐT bị giảm 3 bậc, từ vị trí thứ 3 theo xếp hạng năm ngoái xuống vị trí thứ 6/19.

Trong nhóm 5 cơ quan thuộc Chính phủ không có dịch vụ công, dẫn đầu là Thông tấn xã Việt Nam, 2 vị trí tiếp theo thuộc về Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam. Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 và 5 trong bảng xếp hạng.

Với 63 địa phương, vị trí dẫn đầu bảng bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT vẫn thuộc về Đà Nẵng, với điểm số cách biệt so với các tỉnh, thành phố khác. Cùng với Đà Nẵng, có tên trong Top 10 tỉnh, thành phố được đánh giá cao về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT theo báo cáo mới công bố còn có: TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên – Huế, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Lào Cai, Hưng Yên và Hà Nam.