Ngày 3/11, Sở Y tế TP.HCM đã công kết luận về nguyên nhân 2 cái chết của nạn nhân khi thẩm mỹ tại BV thẩm mỹ Kangnam (quận 3) và Emcas (quận 10).
Hội đồng chuyên môn kết luận, đối với sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam: nguyên nhân dẫn đến tử vong của bệnh nhân C.T.L (59 tuổi) sau phẫu thuật căng da mặt do sốc phản vệ (mức độ 3,4) liên quan đến sử dụng thuốc tê trong quá trình phẫu thuật. Bệnh viện đã chẩn đoán phù hợp với bệnh cảnh lâm sàng và các bước xử lý phù hợp theo phác đồ điều trị.
Sở vừa có kết luận về 2 vụ tai biến làm đẹp khiến 2 người tử vong ở 2 thẩm mỹ viện Kangnam và Emcas. Ảnh: Minh Anh
Đối với sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas, nguyên nhân dẫn đến tử vong của bệnh nhân V.N.A.T (33 tuổi) sau phẫu thuật đặt túi nâng ngự là do: Suy hô hấp do tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi ngạt dẫn đến ngừng tim. Bệnh nhân bị ối loạn nhịp tim nặng do block dẫn truyền ở trong tim trên người bệnh có nhịp xoang chậm trước mổ.
Trong ca này có sai sót do bác sĩ chưa khai thác hết tiền sử của người bệnh vì vậy chưa đánh giá hết nguy cơ. Chưa hết khi người bệnh có dấu hiệu bất thường về tim mạch, bệnh viện chưa hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân và chưa có quy trình theo dõi người bệnh sau phẫu thuật nên khó phát hiện khi người bệnh trở nặng để xử trí kịp thời. Về hồ sơ bệnh án ghi chép còn sơ sài, chưa thể hiện được chẩn đoán sơ bộ và hướng xử trí phù hợp.
Qua kết luận, Sở yêu cầu 2 bệnh viện thẩm mỹ tổ chức họp rút kinh nghiệm, phân tích sai sót để tránh sự cố tương tự. Đồng thời, cần xây dựng lại chức năng nhiệm vụ của từng vị trí hành nghề: bác sĩ trực, bác sĩ gây mê hồi sức, phẫu thuật viên, bác sĩ hồi sức cấp cứu, điều dưỡng chăm sóc người bệnh tại khoa, điều dưỡng phòng mổ. Khi có sự cố bệnh viện phải có báo động đỏ liên viện để kịp thời xử lý khi bệnh nhân rơi vào nguy kịch.
Xử lý bác sĩ dùng chứng chỉ hành nghề giả
Cùng ngày kết luận của Sở cũng bàn luận về trường hợp bác sĩ phẫu thuật của Bệnh viện Emcas có dấu hiệu làm giả quyết định bổ sung phạm vi chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế Đồng Nai cấp.
Hiện Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã tạm giữ chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Đinh Viết Hưng và đang thực hiện các thủ tục chuyển cơ quan điều tra. Vì vậy, Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện Emcas ngưng ngay hợp đồng và tiến hành rà soát chứng chỉ hành nghề đối với tất cả nhân viên đang hợp đồng tại bệnh viện, phối hợp với Thanh tra Sở Y tế để cung cấp thông tin, tài liệu khi có yêu cầu nhằm phục vụ cho công tác điều tra, xử lý.
Sở cũng đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ điều tra vụ bác sĩ giả chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ. Ảnh: Hoàng Lan
Trước đó bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã có văn bản trả lời, khẳng định giấy phép hành nghề thẩm mỹ này của bác sĩ Đinh Viết Hưng là hoàn toàn giả mạo. Sở này cũng không cấp bất kỳ một quyết định bổ sung nào cho bác sĩ Hưng.
Bác sĩ Đinh Viết Hưng là bác sĩ hợp tác chuyên môn với BV thẩm mỹ Emcas, sau khi xảy ra sự cố nâng ngực khiến một phụ nữ tử vong, chính Emcas thông tin bác sĩ này có chứng chỉ hành nghề. Sự việc đang được điều tra thì bác sĩ Hưng tiếp tục bị tố hút mỡ bụng cho phụ nữ mang thai 4 tuần.
Theo tra cứu trên hệ thống Sở Y tế TP.HCM, BS Đinh Viết Hưng có số chứng chỉ hành nghề 009047/HCM-CCHN, ngày cấp 24-5-2013, lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, công tác tại BV thẩm mỹ Kangnam (quận 3, TP.HCM).
Phan Nhơn