- Ngày 29/12/2017, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã chính thức công bố Top 10 công ty du lịch, lữ hành Việt Nam uy tín năm 2017.

Uy tín của các công ty du lịch, lữ hành được xây dựng dựa trên nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố tài chính, hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông và đánh giá của các chuyên gia trong ngành, cụ thể bao gồm: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, hiệu quả sử dụng vốn…); (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát chuyên gia trong ngành du lịch; Khảo sát online khách du lịch và Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 12/2017 về quy mô vốn, thị trường, lao động, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2017…

Danh sách Top 10 Công ty du lịch, lữ hành Việt Nam uy tín năm 2017

{keywords}
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty du lịch, lữ hành Việt Nam uy tín năm 2017, tháng 12/2017

Hình 1: Điểm quy đổi xếp hạng của Top 10 Công ty du lịch, lữ hành Việt Nam uy tín năm 2017

{keywords}
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty du lịch, lữ hành Việt Nam uy tín năm 2017, tháng 12/2017

Trong Top 10 Công ty du lịch, lữ hành Việt Nam uy tín năm 2017, Vietravel và Saigontourist là hai công ty được đánh giá cao nhất về cả năng lực tài chính, hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông, đánh giá của các chuyên gia trong ngành và trong phản hồi khảo sát online khách du lịch. Đây là hai doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực du lịch, lữ hành tại Việt Nam hiện nay và có sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu trong những năm vừa qua. Xét về tiêu chí truyền thông, Vietravel và Saigontourist là hai doanh nghiệp làm truyền thông “mạnh” nhất, có số nhóm chủ đề được đề cập đến đa dạng nhất và có tỷ lệ thông tin tích cực cao nhất. Về kết quả survey online khách du lịch theo tour, Vietravel là công ty có tỷ lệ lựa chọn đầu tiên cao nhất (gần 70% phản hồi), theo sát là Saigontourist (67,4% phản hồi).

Thực trạng và triển vọng tăng trưởng ngành du lịch Việt Nam 2017-2018

Du lịch Việt Nam đã phát triển ấn tượng trong thời gian qua, trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Hình ảnh về “Du lịch Việt Nam” bắt đầu được biết tới nhiều hơn trên thị trường du lịch khu vực và thế giới. Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá Việt Nam là một trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới trong vòng 10 năm tới, đứng thứ 6 thế giới và đứng đầu châu Á về triển vọng tăng trưởng du lịch.

Đặc biệt trong năm 2017, Việt Nam đã có sự cải thiện nhất định về năng lực cạnh tranh du lịch trên trường quốc tế, từ vị trí 75/141 quốc gia được đánh giá trong năm 2015 lên vị trí 67/136 quốc gia được đánh giá trong năm 2017 (theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của WEF). Các yếu tố nổi trội được đánh giá cao của ngành du lịch quốc gia là tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, sức cạnh tranh về giá…; đồng thời mức độ an ninh và an toàn của Việt Nam cũng góp phần làm cho nước ta trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn hơn. Cũng trong năm nay, Việt Nam đã đạt mốc kỷ lục mới khi lượng khách quốc tế đạt khoảng 13 triệu lượt, tăng 30% so với năm 2016. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch nội địa cũng tăng mạnh, ước đạt 74 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 500.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 7,5% vào GDP của Việt Nam. Những con số ấn tượng kể trên và những giải thưởng danh giá của các tổ chức uy tín trong khu vực và quốc tế dành cho du lịch Việt Nam thời gian qua đã khẳng định ngành Du lịch đang đứng trước cơ hội “ngàn vàng” để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hình 2: Lượng khách du lịch nội địa và lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2011-2017. (Đơn vị: nghìn lượt khách)

{keywords}
Nguồn: Số liệu của Tổng cục Du lịch

Khó khăn và rào cản tăng trưởng ngành trước bối cảnh hội nhập

Tiềm năng tăng trưởng lớn nhưng ngành du lịch nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản, thách thức trên tiến trình hội nhập:

Theo khảo sát doanh nghiệp của Vietnam Report, hơn 90% doanh nghiệp đánh giá hạn chế, khó khăn nhất của ngành du lịch hiện nay là các quy định, chính sách, hệ thống văn bản thiếu đồng bộ, chưa huy động được nguồn lực phát triển du lịch. Cơ cấu ngành Du lịch hiện nay chưa hợp lý và cần được tái cấu trúc lại. Cơ sở hạ tầng du lịch và các cơ sở dịch vụ du lịch đã được cải thiện nhưng còn nhiều hạn chế. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa đa dạng; chất lượng của sản phẩm và dịch vụ du lịch Việt Nam còn thấp, thiếu những sản phẩm du lịch đặc sắc mang bản sắc riêng của Việt Nam; dẫn tới kém sức cạnh tranh trên khu vực và quốc tế. Đây cũng là những nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam chưa khai thác được hết giá trị của đất nước.

Mặt khác, thông tin và hình ảnh về du lịch Việt Nam xuất hiện trên mạng truyền thông thế giới còn ít và mờ nhạt. Lý do của vấn đề này nằm ở ngân sách quảng bá hạn hẹp và không tập trung. Trong khi các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Malaysia chi hàng trăm triệu USD/năm cho công tác quảng bá thì ở Việt Nam, ngân sách dành cho việc quảng bá hình ảnh quốc gia mới dừng lại ở 2 triệu USD mỗi năm.

Bên cạnh đó, các công ty du lịch cũng chưa chú trọng trong công tác truyền thông nói chung và quảng bá ra thế giới nói riêng, đặc biệt là đầu tư vào công nghệ trực tuyến trong quảng bá du lịch. Kết quả mã hóa dữ liệu các công ty du lịch, lữ hành trên các đầu báo có ảnh hưởng trong khoảng thời gian 1 năm từ tháng 11/2016 đến tháng 11/2017 của Vietnam Report cho thấy, các công ty du lịch làm truyền thông chưa nhiều; độ phủ của các nhóm chủ đề không được rộng, 5 nhóm chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trên truyền thông của các công ty du lịch đã chiếm 85% dữ liệu mã hóa và các thông tin chỉ đơn thuần quảng cáo sản phẩm, dịch vụ công ty cung cấp (chiếm hơn 50% dữ liệu mã hóa), ít có các thông tin gây dựng hình ảnh, thông điệp tích cực về doanh nghiệp đến khách hàng mục tiêu và cộng đồng (chiếm 12%). Hai công ty có số nhóm chủ đề đa dạng nhất trên truyền thông là Vietravel và Saigontourist, với lượng chủ đề tương đương nhau là 9/24 nhóm chủ đề được đánh giá.

Hình 3: 5 nhóm chủ đề của công ty du lịch, lữ hành được nhắc đến nhiều nhất trên truyền thông. (Đơn vị: %)

{keywords}
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các công ty du lịch, lữ hành từ tháng 11/2016 đến tháng 11/2017

Ngoài ra, sự phối hợp liên ngành, liên vùng, địa phương còn kém hiệu quả, khiến cho quản lý tài nguyên thiếu thống nhất, triệt để; gây ra mâu thuẫn lợi ích trong khai thác tài nguyên dẫn tới nguy cơ môi trường du lịch tự nhiên bị tàn phá, suy thoái nhanh, môi trường nhân văn bị xâm hại.

Tất cả những điểm trên đều bắt nguồn từ nguyên nhân quan trọng: Việt Nam vẫn chưa có một chiến lược quốc gia cụ thể về xây dựng thương hiệu điểm đến mang tên “Du lịch Việt Nam” trên trường quốc tế. Du lịch Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mà nếu không biết nắm bắt, tận dụng, Việt Nam sẽ lỡ nhịp tăng trưởng. Cùng với công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, Đề án tái cơ cấu ngành Du lịch cũng cần được tập trung hoàn thiện sớm nhằm nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Xu hướng và khuyến nghị đối với ngành du lịch Việt Nam năm 2018

Thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.0, trong đó du lịch là một trong rất nhiều ngành chịu tác động trực tiếp. Với tỷ lệ người trẻ dưới 30 tuổi chiếm đa số tại Việt Nam, du lịch trong thời gian tới được dự đoán sẽ dựa trên kết nối trực tuyến, các dịch vụ sẽ được đăng ký chỉ bằng một cái “click chuột” hay “một chạm” trên điện thoại di động. Theo khảo sát online khách du lịch của Vietnam Report, hơn 90% khách hàng sẽ tìm kiếm đến thông tin về tour du lịch thông qua Internet và gần 85% khách hỏi người quen bạn bè. Truyền thông bằng miệng và qua các kênh online sẽ là hai kênh quảng bá du lịch hiệu quả nhất mà các doanh nghiệp nên tận đụng.

Hình 4: Những kênh tìm hiểu của khách hàng khi lựa chọn tour từ một công ty du lịch. (Đơn vị: %)

{keywords}
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát online khách du lịch, tháng 12/2017

Tuy nhiên, hiện nay, theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các công nghệ trực tuyến như đặt phòng, thanh toán trực tuyến, quản lý phản hồi… vẫn do các doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh và có ưu thế trội hơn hẳn doanh nghiệp nội. Để thích nghi với xu hướng này, các chuyên gia trong ngành khuyến nghị các doanh nghiệp Việt cần học hỏi công nghệ trực tuyến về du lịch của thế giới để có thể tham gia hội nhập vào mạng công nghệ thông tin du lịch toàn cầu.

Trong thời gian gần đây, nhu cầu và thói quen du lịch của người Việt Nam cũng có nhiều thay đổi. Người Việt Nam hiện nay đi du lịch chủ yếu vào các dịp hè và các dịp lễ đặc biệt, những ngày lễ truyền thống có đợt nghỉ dài như 30/4, 1/5 hay 2/9 hơn là đi vào các dịp cuối tuần. Đây cũng là những thời điểm các doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch cả trong và ngoài nước. Thống kê về dữ liệu truyền thông của các công ty du lịch, lữ hành cũng cho thấy các công ty có xu hướng làm truyền thông mạnh hơn vào 6 tháng cuối năm, đặc biệt từ tháng 6 đến tháng 10.

Hình 5: Tần suất xuất hiện trên truyền thông của các công ty du lịch, lữ hành trong thời gian nghiên cứu. (Đơn vị: %)

{keywords}
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các công ty du lịch, lữ hành từ tháng 11/2016 đến tháng 11/2017

Các chuyên gia tham gia khảo sát đợt này cho biết, với công nghệ 4.0, các doanh nghiệp có thể tận dụng để giới thiệu các sản phẩm của ngành du lịch một cách trực quan, sinh động đến với du khách tiềm năng, mở rộng thị trường. Do vậy, rất cần sự kết nối thông suốt từ Nhà nước đến doanh nghiệp để có sự nghiên cứu, đầu tư, áp dụng bài bản công nghệ vào hoạt động thực tiễn ngành. Ngoài ra, về phía doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động marketing, tận dụng các kênh truyền thông hiện đại để quảng bá thương hiệu Việt với du khách nước ngoài; đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch, lựa chọn sản phẩm và xây dựng chiến lược giá phù hợp sẽ là ba chiến lược doanh nghiệp ưu tiên trong năm 2018. Để hỗ trợ tốt nhất cho ngành du lịch, các doanh nghiệp nhận định “Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách ngành du lịch” và “Khuyến khích các hoạt động du lịch thông qua chính sách miễn thị thực dài hạn cho các thị trường trọng điểm” là hai biện pháp Chính phủ nên chú trọng trong thời gian tới.

Bảng xếp hạng Top 10 Công ty du lịch, lữ hành Việt Nam uy tín năm 2017 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông đã được Vietnam Report và các đối tác ứng dụng từ năm 2012, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản, Xây dựng, Ngân hàng, Bảo Hiểm, Chứng khoán, Dược, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ...

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các doanh nghiệp du lịch, lữ hành được đăng tải trên 6 kênh truyền thông có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 11/2016 đến tháng 11/2017. Tổng số có 453 bài báo, với tương ứng 987 coding unit (đơn vị mã hóa) được đánh giá theo ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường ... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

Vietnam Report