Danh sách 1: Top 10 Công ty sản xuất dược phẩm uy tín năm 2021
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2021, tháng 11/2021 |
Danh sách 2: Top 10 Công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm; trang thiết bị, vật tư y tế Việt Nam uy tín năm 2021
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2021, tháng 11/2021 |
Danh sách 3: Top 5 Công ty Đông dược Việt Nam uy tín năm 2021
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2021, tháng 11/2021 |
Tác động của đại dịch đối với hoạt động của ngành Dược
Đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã cho thấy tầm quan trọng hàng đầu của việc chăm sóc sức khỏe và ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe theo những cách chưa từng có trong tiền lệ. Một mặt, nó nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành dược phẩm và các loại thuốc cải tiến trong việc đảm bảo an toàn và an ninh toàn cầu. Mặt khác, nó cũng bộc lộ những lỗ hổng trong nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trước tác động của đại dịch, ngành dược cũng gặp những khó khăn nhất định khi đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu và vận chuyển tăng cao, sự thay đổi thói quen, nhu cầu sử dụng thuốc cùng với đó là các quy định phòng chống dịch bệnh siết chặt của Chính phủ, người dân hạn chế đến các cơ sở điều trị bệnh đã làm cho thị trường Dược phẩm bị trì trệ nặng nề. Bên cạnh những tác động tiêu cực, đại dịch cũng mở ra cơ hội lớn thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành Dược tái cấu trúc hoạt động và chuỗi cung ứng, số hóa các quy trình, tăng cường công tác quản trị rủi ro, chuẩn bị sẵn sàng cho thời kỳ bình thường tiếp theo.
Hình 1: Tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành Dược
Nguồn: Vietnam Report tổng hợp |
Sự tiến bộ trong công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19: Một trong những tiến bộ của ngành dược phẩm trong đại dịch chính là công nghệ nano trong sản xuất vắc-xin mRNA Covid-19. Đây là một kỹ thuật mới đã được hai hãng Moderna và BiONTech phát triển thành công, mRNA mã hóa cho một protein được tìm thấy trên bề mặt của vi-rút buộc các tế bào của cơ thể sản xuất ra protein đó, từ đó thúc đẩy phản ứng của hệ thống miễn dịch và giúp cơ thể chống lại vi-rút Covid-19. Hiện nay, có 5 loại vắc-xin phòng Covid-19 đang được nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam, trong đó 2 loại vắc-xin do chính Việt Nam nghiên cứu phát triển đã bước đầu cho kết quả khả quan.
Sự tăng tốc của các thủ tục cấp phép thuốc: Do nhu cầu cấp thiết, một số nhà phát triển vắc-xin đã nén quá trình lâm sàng cho SARS-CoV-2 bằng cách chạy đồng thời các giai đoạn thử nghiệm và quá trình nộp hồ sơ đến các cơ quan y tế được tiến hành cùng lúc với quá trình thử nghiệm lâm sàng đã giúp cho vắc-xin Covid-19 được tăng tốc quy trình cấp phép trong chưa đầy một năm so với thời gian trước đây phải cần đến 10 năm. Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 26/11/2021, trên thế giới có 326 loại vắc-xin đang được nghiên cứu, trong đó 132 loại vắc-xin đang được thử nghiệm lâm sàng bằng các công nghệ khác nhau, có 24 loại vắc-xin đã được phê duyệt sử dụng ở các nước, trong đó có 8 loại được WHO cấp phép. Có hơn 25 phương pháp điều trị đã và đang được tiếp cận. Đến thời điểm này, Việt Nam có 9 loại vắc-xin Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp và Chính phủ cũng đang thúc đẩy việc tăng tốc sản xuất vắc-xin Covid-19 trong nước. Bên cạnh đó, quy trình phê duyệt nhiều loại thuốc khác cũng đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với trước đây. Theo thống kê từ cơ quan chức năng và SSI, số lượng phê duyệt thuốc đã tăng lên từ 171 trường hợp trong 8 tháng năm 2020 lên 335 trường hợp trong 8 tháng năm 2021 và thời gian phê duyệt trung bình đối với một số loại thuốc đã giảm từ 22 tháng xuống 18 tháng.
Tăng cường sự hợp tác giữa các hãng dược phẩm trên toàn cầu: Đại dịch cho thấy ngành dược phẩm có thể vừa cạnh tranh vừa hợp tác như thế nào. Covid-19 tấn công, đe dọa toàn nhân loại, nhưng cũng cho thấy những nỗ lực toàn cầu, đoàn kết và sẻ chia để đẩy lùi đại dịch. Nhiều hãng dược đã cùng nhau hợp tác để sản xuất vắc-xin, mặc dù trước đó có thể là đối thủ của nhau. Bên cạnh vắc-xin Covid-19 được nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng trong nước như Nano Covax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, vắc-xin do Công ty Shionogi (Nhật Bản) phát triển, Bộ Y tế đang hướng dẫn các đơn vị trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19 từ các quốc gia khác như Cuba, Ấn Độ… và có thư gửi WHO giới thiệu các đơn vị của Việt Nam tham gia chương trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ mRNA của WHO.
Đẩy mạnh số hóa trong ngành dược phẩm: Ngành công nghiệp dược phẩm đã áp dụng cách kỹ thuật số hóa trước khi đại dịch xảy ra, và Covid-19 đã tạo cú hích mạnh mẽ hơn cho tiến trình số hóa của ngành. Các công ty dược phẩm hàng đầu đang trang bị cho nhân viên của họ các công cụ kỹ thuật số giúp họ tiếp tục làm việc từ các địa điểm xa. Các công cụ kỹ thuật số cũng giúp các công ty truy cập dữ liệu đã phân loại theo yêu cầu mà không ảnh hưởng đến việc vi phạm tính bảo mật. Số hóa cũng giúp các chính phủ theo dõi các đợt tiêm chủng, dữ liệu chăm sóc sức khỏe cộng đồng và quản lý các cơ sở y tế quốc gia một cách hiệu quả như việc triển khai ứng dụng PC Covid.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report gần đây với các doanh nghiệp Dược về tác động của Covid-19 đến ngành Dược trong năm 2021 cho thấy 57,14% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh xấu đi một chút; 14,29% doanh nghiệp đánh giá không bị ảnh hưởng và chỉ có 7,14% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh tốt hơn một chút. Trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư, khi mà nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội, có nhiều doanh nghiệp vẫn đạt công suất từ 100%-120%, thậm chí gần 140%, nhưng có những doanh nghiệp lại có kết quả kinh doanh thụt lùi, do phải đóng cửa, tạm ngưng sản xuất và công suất chỉ đạt từ 60%-80%.
Hình 2: Tác động của đại dịch Covid-19 đến doanh nghiệp Dược trong năm 2021
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp Dược, tháng 11/2021 |
Bức tranh kinh doanh của ngành Dược 9 tháng đầu năm 2021 cũng có sự phân hóa rất rõ nét với hơn 20 doanh nghiệp Dược niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính, có khoảng 50% doanh nghiệp có sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2020.
Động lực và tiềm năng tăng trưởng của ngành Dược trong năm 2022
Việc nghiên cứu và đánh giá các yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến ngành và hoạt động của doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp khai thác được lợi thế tiềm năng, giảm thiểu rủi ro và đưa ra chiến lược quản trị phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Khảo sát của Vietnam Report trên thang Li-kert 5 điểm với các doanh nghiệp Dược chỉ ra tác nhân bên ngoài ảnh hưởng nhiều nhất tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong năm tới là: (i) Khả năng kiểm soát dịch bệnh; (ii) Biến động nguyên vật liệu đầu vào; (iii) Cạnh tranh thị phần giữa các doanh nghiệp; (iv) Các quy định, chính sách quản lý chất lượng về giá và quản lý trong ngành Dược; (v) Tâm lý người tiêu dùng; (vi) Khả năng hồi phục của nền kinh tế; (vii) Các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết; (viii) Hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) trong ngành. Trong các yếu tố này, có những yếu tố tạo động lực thúc đẩy, nhưng cũng có những yếu tố tạo rào cản, thách thức cho sự tăng trưởng của ngành Dược trong thời gian tới.
Đánh giá về yếu tố nội tại, tốc độ ứng phó và sự thích ứng là yếu tố ảnh hưởng nhất đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đặc biệt trong thời kỳ có nhiều biến động, tiếp theo là Công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm; Tiềm lực tài chính của doanh nghiệp; Khả năng quản lý rủi ro trong doanh nghiệp; Sự tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình vận hành; Hoạt động Marketing của Doanh nghiệp; Chất lượng nguồn nhân lực; Văn hóa doanh nghiệp.
Hình 3: Đánh giá yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và các doanh nghiệp Dược, tháng 11/2021 |
Kết quả đánh giá của chuyên gia và doanh nghiệp dược cho thấy khả năng kiểm soát dịch bệnh vẫn là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh dược trong năm tới. Mặc dù dịch bệnh hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện thêm những chủng mới nhưng với việc Chính phủ thúc đẩy hoàn thành bao phủ vắc-xin vào cuối năm 2021, bổ sung gói kích thích kinh tế mới, chuyển chiến lược từ Zero Covid sang “sống chung an toàn với dịch” theo Nghị quyết 128/NQ-CP sẽ giúp cho nền kinh tế nói chung và ngành dược nói riêng phục hồi và tạo đà tăng trưởng trong năm 2022.
Biến động giá nguyên vật liệu đầu vào: Nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu hiện chiếm tỷ trọng khoảng 80-90% nhu cầu ở Việt Nam. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất dược phẩm, giá thành tăng cao so với cùng kỳ, nhất là thời điểm dịch bùng phát mạnh tại hai đất nước cung cấp chính nguồn nguyên liệu dược là Trung Quốc và Ấn Độ. Theo FE Healthcare, giá hoạt chất dược phẩm (API) sản xuất các loại thuốc Paracetamol, Azithromycin, Doxycycline v.v đều tăng, như giá của một API sản xuất Paracetamol đã tăng trên 140% trong một năm qua. Điều này đã gây áp lực lớn lên biên lợi nhuận hoạt động của các công ty dược phẩm.
Hiện nay, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đã giảm giá xuất khẩu API so với những tháng đầu năm. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh sản xuất API thông qua hai chương trình khuyến khích liên kết sản xuất vào tháng 11 năm 2020 và phê duyệt một chương trình khác vào đầu năm 2021 để thúc đẩy sản xuất API trong nước, góp phần tăng nguồn cung và giảm giá thành nguyên liệu dược, từ đó lợi nhuận của các doanh nghiệp dược Việt Nam có thể được cải thiện tốt hơn trong năm tới.
Tâm lý có tác động rất lớn đến hành vi của người tiêu dùng, khi có niềm tin vào sản phẩm, dịch vụ của một công ty, họ sẽ nhanh chóng đưa ra quyết định mua hàng, và có thể mua nhiều lần về sau. Người tiêu dùng hiện nay thường ưu tiên lựa chọn thuốc ngoại và quen sử dụng các sản phẩm cũ theo hướng dẫn của bác sĩ, ngại thay đổi sang các sản phẩm mới. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, người dân cũng có tâm lý “phòng bệnh hơn chữa bệnh” và lo sợ đến những nơi đông người như bệnh viện nếu vấn đề sức khỏe không thật sự cấp bách, điều này tác động tiêu cực đến doanh thu kênh ETC (kênh bán thuốc qua bệnh viện, bác sĩ) trong khi kênh này chiếm khoảng 70% thị phần của cả thị trường thuốc. Trước khi có dịch bệnh, kênh ETC là động lực tăng trưởng chính của ngành dược, đạt mức tăng trưởng 10% trong năm 2019, nhưng đến năm 2020 chỉ đạt 5%, động lực tăng trưởng của kênh này trong thời gian tới vẫn phụ thuộc vào biến số khả năng kiểm soát dịch bệnh. Người tiêu dùng cũng đã tăng lựa chọn kênh OTC (bán thuốc không cần kê đơn, chủ yếu ở các tiệm thuốc tư nhân), và động lực tăng trưởng của kênh OTC sẽ đến từ các sản phẩm như vitamin và sản phẩm hỗ trợ tăng sức đề kháng.
Ngoài ra, động lực tăng trưởng cho thị trường dược phẩm còn đến từ cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam đang có tốc độ già hóa nhanh, người dân ngày càng quan tâm đến chăm sóc sức khỏe những biến cố về ô nhiễm môi trường, thiên tai và dịch bệnh, dẫn đến mức chi tiêu cho y tế cũng gia tăng. BMI Research dự báo về độ lớn thị trường Dược phẩm của Việt Nam sẽ đạt 7,7 tỉ USD vào năm 2021 và 16,1 tỉ USD năm 2026, với tỉ lệ tăng trưởng kép lên tới 11% tính theo đồng Việt Nam và sẽ tiếp tục nằm trong nhóm 20 quốc gia có mức tăng trưởng mạnh và ổn định nhất thế giới.
Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký kết và làn sóng mua lại và sáp nhập (M&A) trong thời gian qua, theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report sẽ là động lực tăng trưởng của ngành Dược trong thời gian tới khi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược phẩm mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển mạng lưới phân phối, tiếp cận thêm vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn như EU-GMP, Japan-GMP và nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Nhiều công ty dược lớn nhất tại Việt Nam đã được mua bởi các cổ đông lớn nước ngoài và một số công ty nhỏ khác đang tìm đối tác, nhà đầu tư có thế mạnh tài chính, công nghệ.
Trước những cơ hội và thách thức của ngành dược, các chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report đánh giá triển vọng tăng trưởng của ngành Dược trong năm 2022 sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn so với năm 2021. Nếu như kết quả khảo sát về triển vọng của ngành Dược trong năm 2021 được đánh giá là khó có những đột phá, phân hóa giữa các doanh nghiệp, thì kết quả khảo sát gần đây của Vietnam Report về triển vọng năm 2022 đã nổi bật hơn về triển vọng tích cực hơn so với năm 2021, với 62,50% chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá tăng trưởng sẽ khả quan, tốt hơn một chút, 12,50% lựa chọn tăng trưởng mạnh, tốt hơn nhiều và chỉ có 6,25% đánh giá tăng trưởng sẽ thấp hơn một chút so với năm 2021.
Hình 4: Triển vọng tăng trưởng của ngành Dược trong năm 2022
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và các doanh nghiệp Dược, tháng 10/2020 và 11/2021 |
Top 6 xu hướng của ngành Dược trong thời kỳ bình thường tiếp theo
Ngành công nghiệp dược phẩm đã phải đối mặt với nhiều thách thức và thay đổi trong hai năm qua. Đại dịch coronavirus lan rộng và các đợt giãn cách xã hội đã khiến cho người tiêu dùng thay đổi thói quen và các tổ chức phải xem xét lại cách tiếp cận kinh doanh của mình để đảm bảo tình trạng thiếu hụt và hạn chế nguồn cung được khắc phục. Những tiến bộ về thuốc, khoa học công nghệ và sự hợp tác giữa các tổ chức đã khuyến khích các công ty áp dụng các phương pháp đổi mới. Kết quả khảo sát các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành Dược phẩm của Vietnam Report đã chỉ ra các xu hướng chủ đạo với ngành Dược phẩm trong năm tới.
Phân khúc sản phẩm dẫn đầu tăng trưởng của ngành Dược
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng các phương pháp điều trị khác nhau cho Covid-19 và tác động gián tiếp của đại dịch sẽ làm tăng nhu cầu sản phẩm thuốc điều trị một số bệnh như rối loạn chất, sức khỏe tâm thần v.v. Ngoài ra, các dòng sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, vitamin tổng hợp, thực phẩm chức năng sẽ tiếp tục tăng nhu cầu trong năm tới.
Bên cạnh vắc-xin, thiết bị phòng chống dịch, các sản phẩm hỗ trợ điều trị và phòng chống Covid-19, lĩnh vực tăng trưởng hàng đầu trên thị trường dược phẩm là ung thư học và miễn dịch học. Mặc dù, đại dịch đã làm chậm lại quá trình nghiên cứu và phát triển trong nhiều lĩnh vực ngoài vắc-xin, bao gồm cả ung thư học, nhưng điều này đang bắt đầu trở lại và ung thư vẫn sẽ là lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) hàng đầu về mặt đầu tư, cùng với sự tập trung vào nghiên cứu khả năng miễn dịch. Theo tổ chức IQVIA, khoa ung thư có thể sẽ bổ sung thêm khoảng 100 phương pháp điều trị mới và dự kiến sẽ chiếm tỷ lệ tăng trưởng kép CAGR từ 9% đến 12% trong vòng 5 năm tới, và tăng chi tiêu toàn cầu gần 100 tỷ đô la lên 273 tỷ đô la. Đối với miễn dịch học, tăng trưởng sẽ đạt khoảng 10% CAGR và chi tiêu sẽ đạt khoảng 175 tỷ đô la vào năm 2025.
Gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe
Với sự xuất hiện của biến thể virus mới, năm 2022 có thể sẽ tiếp tục nhận những ảnh hưởng đáng kể từ Covid-19 tác động đến giá cả và việc sử dụng các dịch vụ. Trong báo cáo hàng năm của mình, công ty dịch vụ chăm sóc sức khỏe Vizient đã dự đoán tổng chi tiêu cho dược phẩm sẽ tăng 3,1% vào năm 2022. Thuốc điều trị ung thư sẽ chiếm khoảng 25% mức tăng, với việc tiếp tục chi cho liệu pháp dược phẩm liên quan đến Covid-19. Giá dược phẩm đặc biệt sẽ tăng với tốc độ 4,68% vào năm 2022, do khả năng chấp thuận các liệu pháp mới cũng như tăng giá đối với thuốc đặc trị được sử dụng để điều trị các bệnh tự miễn dịch.
Bên cạnh đó, Vizient cũng ước tính rằng với những xác nhận gần đây từ các hướng dẫn và tổ chức quản lý bệnh tiểu đường, chi phí của các tác nhân gây bệnh tiểu đường có ảnh hưởng sẽ tăng 2,63% trong năm tới. Những loại thuốc tiểu đường mới này đang có được những chỉ định đa dạng ngoài việc quản lý đường huyết, chẳng hạn như để ngăn ngừa các biến cố tim mạch và các biến chứng bệnh khác.
Tiếp tục đẩy mạnh marketing kỹ thuật số (Digital Marketing)
Dưới tác động lây lan nhanh chóng của virus Covid-19, các công ty dược phẩm trên khắp thế giới đã phải hủy bỏ nhiều sự kiện trưng bày các sản phẩm, dịch vụ mới với khách hàng và các nhà đầu tư. Thay vì trực tiếp thăm hỏi khách hàng, nhiều doanh nghiệp chuyển sang bán hàng qua điện thoại, Zalo…và tổ chức sự kiện theo hình thức truyền phát như webinar, livestream hội thảo, đào tạo, talkshow, v.v lên Facebook, Youtube đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng và tiếp tục trở thành một trong những xu hướng mới trong tiếp thị dược phẩm trong thời điểm hiện tại. Doanh nghiệp dược đã thay đổi cách tiếp cận khách hàng. Các chương trình hỗ trợ khách hàng được xây dựng trọng tâm theo dịch, ổn định giá bán, triển khai nhiều đợt tích điểm khuyến mại, tặng hàng; các công cụ marketing được thiết kế phù hợp với kịch bản bán hàng online, giúp trình dược viên chủ động trong công việc.
Marketing kỹ thuật số là một điểm yếu đối với nhiều tổ chức dược phẩm từ trước năm 2020. Nhưng vào năm 2021, các doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe không thể thiếu sự hiện diện trực tuyến mạnh mẽ. Do đó, marketing kỹ thuật số sẽ trở thành một trong những xu hướng tiếp thị quan trọng nhất của ngành dược phẩm trong những năm tới.
Tăng cường công nghệ cao trong nghiên cứu và phát triển
Sự chuyển đổi kỹ thuật số của ngành công nghiệp dược phẩm sẽ tiếp tục diễn ra hàng năm, với những đổi mới công nghệ được thiết lập để tác động đến sự phát triển của thuốc và chuỗi cung ứng. Trong tương lai sẽ có thêm nhiều công ty đầu tư vào kỹ thuật số để giúp họ thu thập dữ liệu và thông tin chi tiết, lấy đó làm cơ sở để thực hiện các chiến lược kinh doanh, đồng thời phục vụ cho quá trình nghiên cứu và phát triển. Thông tin chuyên sâu về kỹ thuật số sẽ giúp các tổ chức cải thiện khả năng tiếp cận và hỗ trợ bệnh nhân, giúp xác định các loại thuốc thích hợp trong các điều kiện cụ thể, rút ngắn thời gian của quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm ra thị trường hiệu quả hơn.
Công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể xử lý dữ liệu lịch sử, đối thủ cạnh tranh và bên thứ ba, đồng thời học hỏi và thích ứng trong thời gian thực. Công nghệ AI đang giúp các nhà sản xuất giảm thiểu thời gian chết và lãng phí sản phẩm, cũng như cải thiện hậu cần về lưu trữ và phân phối sản phẩm an toàn. Điều này sẽ làm cho chi phí và quy trình hiệu quả và hợp lý hơn, giúp đưa thuốc ra thị trường sớm hơn và cải thiện kết quả của bệnh nhân. Trong những năm tới, số lượng ngày càng tăng các nhà nghiên cứu dược phẩm sẽ sử dụng AI và Máy học (ML) để tăng tốc độ phát triển các phương pháp điều trị mới. AI là trung tâm của việc tạo ra và phân phối vắc-xin, nó sẽ tái xác định tương lai của R&D trong khoa học đời sống. AI toàn cầu trong thị trường chăm sóc sức khỏe dự kiến sẽ đạt 31,3 tỷ USD vào năm 2025.
Tăng trưởng trong việc áp dụng thuốc tương tự sinh học
Thuốc tương tự sinh học (biosimilar) là thuốc có cấu trúc và chức năng tương tự với một thuốc sinh học. Không giống các loại thuốc khác, thuốc sinh học được sản xuất từ các vật thể sống như nấm men, vi khuẩn hay các tế bào động vật.
Sự phổ biến của các loại biosimilars đã ngày càng phát triển kể từ năm 2018 và thị phần đã tăng lên đáng kể. Tương tự sinh học là một loại thuốc sinh học có độ tương đồng cao và tương đương về mặt lâm sàng với thuốc sinh học hiện có. Biosimilars hiện đang được sử dụng nhiều hơn bao giờ hết, đặc biệt là do giá cả giảm khiến những loại thuốc này có giá cả phải chăng hơn. Để cải thiện kết quả của bệnh nhân, điều quan trọng là các loại thuốc tương tự sinh học phải tiếp cận thị trường trên khắp thế giới để làm cho thuốc có giá cả phải chăng và dễ tiếp cận hơn.
Cải tiến quy trình thử nghiệm lâm sàng và lấy bệnh nhân làm trung tâm
Các thử nghiệm lâm sàng chiếm thời gian đáng kể trong quá trình phát triển thuốc. Nhiều bệnh nhân thường xuyên bỏ dở trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Các công ty dược phẩm cũng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng những người bệnh phù hợp cho một nhóm, nhất là khi dịch bệnh bùng phát. Vấn đề này đặt ra cho công ty dược phẩm phải cải tiến quy trình thử nghiệm lâm sàng của họ và có những dự đoán về các công nghệ tốt hơn đang được triển khai để theo dõi nhanh các thử nghiệm lâm sàng về các loại thuốc mới tốt hơn.
Nhiều công ty sử dụng AI, và công nghệ tiên tiến khác để khuyến khích bệnh nhân tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng. Các thử nghiệm sẽ trở nên toàn cầu hơn bằng việc sử dụng hội nghị truyền hình, các ứng dụng di động và nhân viên dược phẩm sẽ kết nối ảo với bệnh nhân.
Một trong những thay đổi lớn nhất mà đại dịch mang lại trong ngành dược phẩm là nhu cầu chăm sóc sức khỏe lấy bệnh nhân làm trung tâm. Giờ đây, các chuyên gia y tế hiểu rằng không có phương pháp điều trị duy nhất nào có thể áp dụng cho những người mắc cùng một căn bệnh. Ví dụ như việc điều trị cho những bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ hơn của Covid-19 rất khác so với những bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, khi dịch vụ chăm sóc bệnh nhân lấy bệnh nhân làm trung tâm được cá nhân hóa trở thành tiêu chuẩn, các cá nhân sẽ ngày càng kiểm soát được dữ liệu sức khỏe và hạnh phúc của họ, cho phép họ đưa ra các lựa chọn về lối sống, chăm sóc sức khỏe và điều trị đầy đủ thông tin hơn.
Bài học kinh nghiệm từ đại dịch và Top 7 giải pháp của doanh nghiệp dược trong thời kỳ bình thường tiếp theo
Đại dịch Covid-19 mang lại những tác động và sự tiến bộ công nghệ khoa học mạnh mẽ, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho doanh nghiệp, các tổ chức, và quốc gia trên thế giới. Sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng đầu cuối là những thành phần quan trọng trong ngành dược phẩm. Trong thế giới cạnh tranh ngày nay, thành công được xác định bằng cách quản lý chi phí hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng tối ưu nhất để giữ cho chi phí phục vụ và mức tồn kho thấp nhất trong khi vẫn duy trì mức độ dịch vụ cao nhất. Ngoài ra, quản lý chất lượng sản phẩm, tuân thủ các khuôn khổ quy định liên quan và sự an toàn của sản phẩm, tài sản và con người là những trách nhiệm bổ sung mà các hãng dược phẩm cần đáp ứng.
Một số công ty dược đầu ngành tại Việt Nam đã hướng tới tự chủ động trong nguồn nguyên liệu đầu vào từ việc xây dựng cơ sở cung cấp nguyên liệu trong nước. Doanh nghiệp đã dự báo về khả năng các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất và phân phối có thể bị gián đoạn nếu các khu vực, các nhà máy bị phong tỏa trong trường hợp có ca nhiễm Covid-19, từ đó tăng sản lượng sản phẩm, tăng mạnh hàng tồn kho. Do công tác dự báo và chuẩn bị sớm nên doanh nghiệp luôn có hàng sẵn trong kho để phân phối, cung ứng cho các nhà thuốc.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report về top 6 giải pháp mà các doanh nghiệp dược đã áp dụng trong đợt bùng phát đại dịch trong năm 2021: (i) Triển khai làm việc từ xa, áp dụng công nghệ vào quản lý; (ii) Tăng dự trữ hàng hóa và nguyên vật liệu thiết yếu; (iii) Tăng cường các hoạt động quảng cáo sử dụng công nghệ số; (iv) Tăng cường tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh; (v) Mở rộng chuỗi cung ứng và tìm kiếm thị trường mới; (vi) Cơ cấu lại mặt hàng chiến lược của công ty, đẩy mạnh các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.
Hình 5: Top 6 giải pháp ứng phó trong đại dịch của doanh nghiệp dược
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp ngành Dược, tháng 11/2021 |
Trải qua những lần bùng phát dịch đã cho thấy doanh nghiệp dược phẩm muốn thành công trong thời kỳ đầy biến động, thay đổi liên tục này cần phải tăng cường các hoạt động quản lý rủi ro, tự động hóa chuỗi cung ứng, duy trì làm việc từ xa, áp dụng công nghệ trong quản lý và vận hành để thích ứng với sự thay đổi khó lường của dịch bệnh. Việc triển khai tự động hóa trong chuỗi cung ứng của ngành dược phẩm sẽ giúp cung cấp thuốc và vật tư y tế tiết kiệm chi phí, không trục trặc nhất là trong bối cảnh Covid-19 lây lan rộng với tốc độ nhanh đã đặt ra nhu cầu cung cấp thuốc, cung cấp oxy và vắc-xin nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Câu hỏi đặt ra đối với các doanh nghiệp dược phẩm là cần xây dựng những biện pháp nào để ứng phó với những thách thức và tạo ra giá trị mới, bền vững cho thời kỳ bình thường tiếp theo? Kết quả khảo sát gần đây của Vietnam Report với các doanh nghiệp dược đã chỉ ra top 7 giải pháp trọng tâm của các doanh nghiệp dược trong thời kỳ bình thường mới tiếp theo, cụ thể: (i) Đầu tư nghiên cứu thuốc mới và mở rộng dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế; (ii) Tăng cường ứng dụng công nghệ, tự động hóa trong sản xuất và kinh doanh; (iii) Tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, chuỗi cung ứng; (iv) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (v) Thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; (vi) Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thuốc, thiết bị y tế: (vii) Phát triển, mở rộng kênh OTC (bán hàng trực tiếp qua các nhà thuốc).
Hình 6: Top 7 giải pháp của doanh nghiệp bán lẻ trong thời kỳ bình thường tiếp theo
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp ngành Dược, tháng 11/2021 |
Một trong những giải pháp mà các chuyên gia và doanh nghiệp đặc biệt chú trọng hơn so với các năm trước đó là vấn để thực hiện chiến lược phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy 3 yếu tố chính thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp Dược đó chính là (1) việc triển khai chiến lược phát triển bền vững có thể nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp với 60% lựa chọn; 53,33% doanh nghiệp cho rằng do (2) Chính phủ ban hành các quy định liên quan đến xây dựng ngành dược phát triển bền vững, hiện đại đòi hỏi doanh nghiệp phải có hành động thích ứng. Mặt khác, (3) doanh nghiệp có thể chủ động xác định các rủi ro và cơ hội bằng cách thực hiện chiến lược phát triển bền vững, được 46,67% lựa chọn.
Đánh giá uy tín truyền thông của doanh nghiệp dược
Kết quả phân tích Media coding của Vietnam Report chỉ ra những chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông với ngành Dược trong giai đoạn 11/2020-10/2021: Sản phẩm; Tài chính/Kết quả kinh doanh; Hình ảnh/ Pr/ Scandals; Cổ phiếu; Trách nhiệm xã hội. Bức tranh về ngành dược trong năm vừa qua đã được phản ánh rõ nét qua lăng kính truyền thông. Với việc các công ty đẩy mạnh hoạt động quảng cáo sản phẩm qua kênh kỹ thuật số, lượng tin về sản phẩm từ vị trí số 3 trong giai đoạn nghiên cứu 11/2019-10/2020 đã vươn lên vị trí số 1 trong giai đoạn 11/2020-10/2021. Bên cạnh nhóm chủ đề Tài chính/Kết quả kinh doanh, Cổ phiếu, nhóm chủ đề Hình ảnh, Trách nhiệm xã hội tiếp tục trong nhóm 5 chủ đề thu hút truyền thông nhất, cho thấy sự đồng hành cùng Chính phủ, chung tay đẩy lùi dịch bệnh, tiếp tục hỗ trợ người dân, cộng đồng và các y bác sĩ tuyến đầu tham gia chống dịch.
Hình 7: Top 5 chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp ngành Dược, từ tháng 11/2019 đến tháng 10/2021 |
Tỷ lệ tin theo tháng: Tháng 8 là thời gian cao điểm thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành trên cả nước và cũng là tháng có tỷ lệ thông tin cao nhất trong giai đoạn nghiên cứu. Chủ đề xuất hiện nhiều và tăng cao trong tháng 8 là Sản phẩm với các tin về sản phẩm phòng chống dịch, vắc-xin, tăng cường sức đề kháng và Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nhóm chủ đề về Cổ phiếu ngành dược cũng nổi sóng trong thời gian này với câu chuyện về nhập vắc-xin và các thương vụ mua bán, sáp nhập.
Hình 8: Tỷ lệ tin theo tháng
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp ngành Dược, từ tháng 11/2019 đến tháng 10/2021 |
Xét về lượng tin tích cực – tiêu cực theo tháng: Xét theo giai đoạn từ tháng 10/2019 đến tháng đến tháng 10/2021, tỷ lệ tin tiêu cực đang có xu hướng kiểm soát tốt hơn, dưới 10%.
Hình 9: Tỷ lệ tin tích cực – tiêu cực theo tháng
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp ngành Dược, từ tháng 11/2019 đến tháng 10/2021 |
Về chất lượng thông tin, một doanh nghiệp được đánh giá là "an toàn" khi đạt tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực so với tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10%, tuy nhiên ngưỡng "tốt nhất" là trên 20%. Trong số các doanh nghiệp dược nghiên cứu có 47,69% doanh nghiệp đạt được mức trên 10%, và 44,62% doanh nghiệp đạt ngưỡng trên 20%, tỷ lệ này có sự cải thiện so với năm ngoái, khi có 44% doanh nghiệp đạt được mức 10%, và 40,7% doanh nghiệp đạt ngưỡng trên 20%.
Vietnam Report