- Có
muôn vàn lý do để công chức rủ nhau đi nhậu, nào tiếp đối tác, sinh nhật, khao
tăng lương, mừng thăng chức, chia tay sếp chuẩn bị đi công tác xa... hay đơn
giản chỉ là "hứng lên thì đi". Một tuần dăm bảy chầu, nhậu được một số công chức
dùng thay cơm trưa!
Nhậu là một cách ăn trưa thôi!
Với cái lý "không nhậu khó làm việc được với đối tác", tuần có bảy ngày thì có
đến năm ngày D. Tiến, một công chức ở Cầu Giấy, "ăn trưa" ở quán nhậu. Nhanh thì
2-3 tiếng, gặp được bạn chí cốt thì lai rai từ trưa đến chiều.
Sở dĩ Tiến thường tụ tập bạn bè nhậu trưa vì công việc ở cơ quan không nhiều,
cũng chả có việc gì gấp gáp nên "hôm nay hay ngày mai giải quyết cũng như nhau".
Với lại Tiến đang được cơ quan cử đi học nâng cao ở một trường chính trị, có lỡ
nhậu say không về cơ quan làm việc, có người tìm thì vẫn còn lý do bào chữa là
"bận đi học đột xuất".
Coi việc đi nhậu trưa như cơm bữa, nhiều lần vác bộ dạng "phê phê" đến lớp học
nên bạn bè ai cũng biết anh chàng này "bợm nhậu". Có lần lỡ chén mà vẫn phải vào
lớp dự buổi học chiều, không kiểm soát được hành vi của mình, cô giáo đang giảng
bài mà anh cứ đứng lên hạnh họe, hỏi hết câu này đến câu khác.
Cả lớp ở dưới ôm bụng cười còn giảng viên thì cứ đứng trên bục giảng thao thao phân tích cho anh đủ điều vì không biết anh này "đang phê".
|
Nhậu cũng là một cách ăn trưa? Ảnh minh họa |
Chuyện công chức nhậu trưa "lẹm" vào giờ làm việc buổi chiều không phải hiếm. N.
Việt, một cán bộ cấp trung ương, tiết lộ chuyện đi nhậu buổi trưa ở cơ quan anh
là chuyện hết sức bình thường.
"Nhậu cũng là một cách ăn trưa thôi. Thay vì ăn cơm, ăn phở thì người ta làm cốc
bia, chén rượu.
Có rất nhiều lý do để anh em kéo nhau ra quán nhậu. Nào ăn sinh nhật, khao tăng
lương, mừng thăng chức, đón người mới, chia tay người cũ, tiễn sếp chuẩn bị đi
công tác xa hay đơn giản là hứng lên thì í ới nhau đi.
Có rất nhiều kiểu nhậu, nhậu chính thống là cả cơ quan đi với nhau khi có vụ
liên hoan, ăn mừng ngày lễ nào đó hoặc tiếp đối tác quan trọng. Nhậu không chính
thống là anh em hứng lên thì í ới nhau ra quán nhậu, xong rồi lại về cơ quan làm
việc bình thường", anh Việt nói.
"Thường thì nhậu xong lại về cơ quan làm việc, có lỡ uống say quá thì ngủ gục
tại cơ quan. Nếu không về cơ quan thì đi tăng 2, tăng 3. Tăng 2 thường là hát
karaoke, lúc có tay vịn lúc không. Tăng 3 thì thường dạt vào nhà nghỉ tìm gái",
anh Việt nói.
Anh Việt cũng cho biết, anh thường xuyên được bạn bè, đồng nghiệp rủ đi nhậu
trưa và thường là anh không từ chối vì nể, vì ngại. Anh cũng nhiều lần ngồi nhậu
từ trưa đến chiều vào những ngày "cơ quan hết việc" hoặc tiễn sếp chuẩn bị đi
công tác xa.
Nhàn rỗi sinh chè chén
Sẽ chẳng có thời gian dành cho nhậu nhẹt nếu công việc bù đầu, tối mắt tối mũi.
Anh Việt cho biết, sở dĩ anh có thời gian đi nhậu trưa cũng bởi vì công việc ở
cơ quan "không gấp", làm hôm nay hay ngày mai thì cũng như nhau.
Anh Việt chia sẻ: "Nhậu say rồi thì tắt máy về nhà ngủ. Công việc để sáng mai
giải quyết, chết ai đâu mà sợ. Giả nếu có việc gấp mà người ta gọi cho mình
không được thì tự khắc có người khác giải quyết. Ai hơi đâu mà dành thời gian đi
truy cứu mấy việc cỏn con này làm gì. Có biết thì cũng xí xóa cho nhau, vì ai
cũng thế cả.
Chỉ cần không gây chết người, không ảnh hưởng đến anh ninh quốc gia, không ảnh
hưởng đến bộ mặt cơ quan, không ảnh hưởng đến bộ mặt của sếp thì anh thích làm
gì thì làm, chả ai động đến anh. Có vỡ lở thì nội bộ xử lý với nhau chứ chả ai
bị đuổi việc".
Theo anh Việt, chính sự nhàn rỗi ở cơ quan là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chè
chén, bệnh ì ở công chức. "Hồi mới vào cơ quan tôi cũng tâm huyết lắm, học thâu
đêm suốt sáng. Giờ chả để làm gì vì chả ai quan tâm chất lượng công việc của
mình thế nào, làm việc hay dở cũng thế cả, càng giỏi càng chết vì càng phải làm
nhiều việc. Bảo sao chả đẻ ra rượu chè", anh Việt nói.
Anh Việt cho biết, đôi khi nhậu cũng là cách để nịnh nọt, lấy lòng cấp trên, một
số người sử dụng cuộc nhậu như một hình thức để đút lót. "Bình thường đi nhậu
mấy anh em với nhau thì "campuchia", còn khi có sếp đi cùng thì 1 người luôn
luôn chi để tỏ lòng thành với sếp", anh Việt nói.
Anh Việt kể thêm: "Có lần tôi cùng một đoàn chuyên gia nước ngoài lên làm việc
với một huyện trên Hà Giang. Vừa mới xuống xe đã được mời lên bàn nhậu, ăn trưa
cũng nhậu mà tối cũng nhậu, tất tần tật công việc đều giải quyết trên bàn nhậu.
Một bữa bí thư huyện mới mang chai rượu ngô ra giới thiệu với mấy vị chuyên gia
nước ngoài là rượu này được bà con nấu từ những bắp ngô chắc mẩy nhất và nước
suối tinh khiết nhất. Nghe đến đây vị chuyên gia nước ngoài mới bảo, chắc các
anh lấy hết ngô đi nấu rượu nên bà con mới không có ngô để ăn, mới đói kém.
Trước đó ông bí thư này có kể lể đủ thứ là đồng bào nơi đây còn đói kém lắm.
Đúng là chuyện hài". - Anh Việt kế luận
Phân tích về nguyên nhân vì sao công chức có đi nhậu trưa, PGS.TS Nguyễn Hữu Hải, Trưởng khoa Hành chính học, Học viện Hành chính nói trên báo Kiến thức: "Một trong những nguyên nhân để cán bộ, công chức có thể uống rượu, bia ngay trong ngày làm việc là do quỹ thời gian của họ quá dư dật. Với nhiều người thật sự mang đậm nét của một công chức chức nghiệp, kiểu "sáng cắp ô đi tối cắp về", việc hôm nay không làm thì có thể để đến ngày mai, ngày kia cũng chẳng sao.
Thêm nữa, cơ chế hiện nay đang "cực an toàn" cho cán bộ, công chức, nếu họ có vi phạm chưa đến mức độ nghiêm trọng thì thủ trưởng cơ quan cũng không thể cách chức, đuổi việc họ được.
Do đó, cái gốc của vấn đề là phải để công chức thấy
rằng họ không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định thì sẽ bị ảnh hưởng đến tiền
lương, thưởng, thậm chí là "về vườn"" - ông Hải kết luận.
La Hoàn
(Còn tiếp)
Bạn nghĩ gì về văn hóa "nhậu trưa" của một số công chức Việt Nam? |