Công cụ hỗ trợ chỉ được trang bị cho những cơ quan chức năng, đơn vị được cấp phép, thế nhưng thời gian qua, nhiều đối tượng đã sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ để gây án, khiến người dân không khỏi lo âu.

Cần mua là có

Hiện nay việc buôn bán công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ ở lề đường, cửa hàng hay chợ dân sinh đã giảm, thay vào đó, những đối tượng này đã chuyển sang một thị trường rộng lớn, bán được nhiều chủng loại, nhưng lại ít bị các cơ quan chức năng “sờ gáy”. Đó chính là thị trường Internet.

{keywords}

Công cụ hỗ trợ, vũ khí nguy hiểm được rao bán trên các website, mạng xã hội và các trang rao vặt. Ảnh: QUANG KHOA

Chỉ cần gõ 2 từ khóa công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ vào Google là hàng loạt trang web xuất hiện, như trên mạng xã hội có trang “Bán kiếm Nhật”, trang web cá nhân có trang “trên18 Mr.Nam”, ngoài ra còn có khá nhiều đường link dẫn đến những trang rao vặt khác. Những trang này trưng bày vô số mẫu mã để khách hàng chọn lựa, như dao găm, dao bấm, dao xếp, ba trắc, ba ton, bình xịt hơi cay, dùi cui điện… Ngoài ra, còn có những loại vũ khí thô sơ được nhái theo phim, truyện. Như phim Xmen nhái theo bộ móng vuốt kim loại sắc bén của người sói, nhái theo truyện Naruto có phi tiêu kunai. Những loại vũ khí thô sơ được nhái này, chỉ cần nhìn sơ qua cũng đủ làm cho người xem ớn lạnh, bởi mức độ sát thương đã được thể hiện qua những bộ phim có loại vũ khí này “biểu diễn”. Những loại vũ khí thô sơ này cũng không hề rẻ, giá dao động từ 500.000 đến 1,5 triệu đồng.

Còn trên trang “Bán kiếm Nhật” mô tả mức độ sắc bén của vũ khí bằng đoạn video cũng không khỏi làm cho người xem khiếp đảm. Một thanh niên dùng thanh kiếm nhật chém đứt lìa một thùng sơn bằng sắt, còn một video khác chứng tỏ độ sắc bén bằng cách chém đứt đôi một cái đùi heo lớn, thanh kiếm này được rao với giá 4,5 triệu đồng.

Từ trang web Mr.Nam, tôi liên hệ theo số điện thoại 01206730… và nói ý định muốn mua một cây ba ton của Mỹ, sau một lúc trao đổi, người chủ trang web này hướng dẫn rất chi tiết về cách mua hàng. Đối với những khách hàng ở tỉnh xa, miền núi thì sau khi nhận được tiền qua tài khoản “Bảo Kim” (kênh bảo hiểm khi mua hàng qua mạng) sẽ chuyển hàng qua chuyển phát nhanh đến địa chỉ người nhận. Còn khách hàng ở những TP lớn TPHCM, Hà Nội, hàng sẽ được giao theo kiểu “tiền trao cháo múc”, chỉ cần gửi một tin nhắn ghi rõ mã số sản phẩm, tên người nhận, số điện thoại và địa chỉ, thì chỉ trong khoảng từ 45 phút đến 1 giờ sẽ có nhân viên đến giao hàng tận tay. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đến tận shop để xem hàng trước, chủ shop trả lời: “Rất tiếc là không thể được, vì đây là những mặt hàng nhạy cảm không thể kinh doanh được tại Việt Nam, nếu muốn mua, cứ xem hình ảnh trên trang web, nếu hàng được giao không giống với hình ảnh thì không nhận hàng”.

Không chỉ trên Internet, hiện nay việc buôn bán vũ khí thô sơ vẫn còn rải rác trên các lề đường. Chỉ một đoạn đường ngắn khoảng hơn 100m trên đường 3 Tháng 2, đoạn qua Lê Đại Hành, đã có hơn 10 điểm bán dao xếp, dao bấm, bao tay gấu xen lẫn kính mát, kính lúp, đồng xu cổ... được bày bán công khai. Dao bấm có hai loại, loại 150.000 đồng/cái, dài khoảng 15cm, làm bằng thép sáng loáng.

Theo người bán, loại dao này là của lính Mỹ ngày trước, chứ hoàn toàn không phải xuất xứ Trung Quốc. Ngoài ra, còn có loại dao bấm lớn, dài khoảng 20cm, có giá từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng/cái. Khi hỏi về loại dao này, những người bán đều rất ngần ngại cho xem. Nếu muốn xem thì nhất định phải mua, ở đây không bày bán công khai nhưng nếu khách hàng muốn mua thì lúc nào cũng có.

Bao tay gấu, dao xếp xen lẫn với những mặt hàng khác được bày bán công khai trên đường 3 Tháng 2. Ảnh: QUANG KHOA

{keywords}

Đủ loại súng hơi

Theo địa chỉ trang web tren18.net, chúng tôi liên hệ theo số điện thoại 0916991… để mua hàng, điện thoại nhiều cuộc nhưng chủ thuê bao vẫn không trả lời, khoảng 30 phút sau số thuê bao này nhắn tin lại, và thế là cuộc mua bán chỉ thông qua tin nhắn:

- Anh cần gì thì nhắn tin, em không thể nghe điện thoại được.

- Tôi đã tham khảo qua trang web của anh, muốn mua súng Airsoft M92F Japan cho ông anh của tôi, ổng đang làm quản lý rẫy cao su ở Bình Phước, sống giữa rừng nên mua để phòng thân, có cách nào để tôi có giấy phép sử dụng không?

- Hàng này mua bình thường, không cần giấy phép.

- Tôi chưa biết sử dụng, lúc tôi mua anh có hướng dẫn không?

- Hàng này rất dễ sử dụng, nhận hàng, cầm trên tay anh sẽ biết sử dụng ngay.

Đặc điểm của bên bán hàng là sau khi nhận tin nhắn tới 20 phút mới trả lời lại.

Sáng hôm sau tôi lại tiếp tục nhắn tin: “Tôi ở gần công viên Lê Thị Riêng, bao lâu thì tôi mới nhận được hàng, anh bán công khai trên mạng vậy chắc là có giấy phép?”. Bên bán trả lời: “Không giấy phép, anh muốn mua loại nào?”. “Loại tối hôm qua tôi nhắn tin cho anh đó”. “Loại này vừa hết, anh lấy M1911 giá 5,5 triệu đồng, hoặc Glock 17 giá 4,9 triệu đồng. 2 con này nhỏ gọn dễ sử dụng. Con M1911 là thông dụng nhất”. “Bao lâu thì tôi lấy súng được?”. “Giao trong hôm nay, em tới công viên Lê Thị Riêng rồi điện cho anh”.

Chỉ lướt qua gian hàng bán súng trên trang web này cũng đủ làm người xem chóng mặt về chủng loại, như súng ngắn có M&P R8, giá 14 triệu đồng, súng bắn bi sắt Daisy 15XT, giá 8,5 triệu đồng, Súng Airsoft PPKS, giá 6,5 triệu đồng… Súng dài có các loại như: súng hơi bắn tỉa, giá 4,5 triệu đồng, đặc biệt súng điện Airsoft M4A1 được giới thiệu nổi bật. Súng M4A1 sử dụng hệ thống điện (pin), có cơ chế Blowback (tức là khi bắn sẽ đẩy lùi về sau như súng thật), băng đạn chứa 300 viên (đạn 6mm), chiều dài gần 1m, nặng 5.3kg, sử dụng pin 1.100MAh 9.6V, sạc pin 220V, lực bắn mạnh chuẩn: 370 fps - 390 fps. Ngoài ra, để giới thiệu về khẩu súng này, chủ web cho người xem một đoạn video biểu diễn công suất của súng.

Bất chấp những quy định cấm, những trang web buôn bán công khai, thách thức sự có mặt của cơ quan chức năng. Trong thời gian tới, để hạn chế việc buôn bán những mặt hàng cấm gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, các cơ quan chức năng cần kiểm soát kỹ ở những cửa khẩu, vì những mặt hàng này chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời những trang web chuyên buôn bán những mặt hàng cấm để áp dụng những hành vi xử phạt thích đáng, qua đó góp phần hạn chế những thứ vũ khí nguy hiểm đến tay những người nguy hiểm.

Theo Điều 13, chương 4, Nghị định 02/CP/1995 quy định hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh được quy định rõ ràng và cụ thể: “Mọi tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh vi phạm các quy định về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh thì đều bị xử lý tịch thu hàng hóa của vụ vi phạm và tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành”. Vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng và phương tiện kỹ thuật quân sự là những mặt hàng nằm trong danh mục cấm kinh doanh.

Tại Điều 10, Mục 2, Chương 1, Nghị định185/2013/NĐ-CP, cũng quy định cụ thể về hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 100 triệu đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị dưới 1 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng. 

(Theo SGGP Online)