Nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Kiểm nghiệm từ thực tiễn cho thấy, chuyển đổi số mang lại rất nhiều lợi ích, rất khó có thể liệt kê ra, hơn nữa các lợi ích sẽ còn phát sinh theo thực tế sản xuất, khi đáp ứng các nhu cầu của đời sống. chuyển đổi số giúp nông dân, doanh làm ra nông sản chất lượng cao hơn, chi phí thấp nhất, hiệu quả kinh tế tốt hơn. Chẳng hạn, việc cấp, quản lý mã số vùng trồng phục vụ truy xuất nguồn gốc, giúp ngành nông nghiệp chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất nông sản. Từ đó, kiểm soát được chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, giúp người tiêu dùng tiếp cận được các dòng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao.
Tuy nhiên, do lĩnh vực quản lý rộng, lượng dữ liệu lớn, ngành Nông nghiệp xác định thứ tự ưu tiên khi xây dựng các cơ sở dữ liệu và triển khai tới bờ tới bến, tới nơi tới chốn, bởi không có dữ liệu thì không có chuyển đổi số, không thể quản lý nhà nước trên môi trường số.
Giữa tháng 5 vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến chuyên đề "Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp", nhằm đánh giá thực trạng, các điểm nghẽn về tình hình số hóa, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp; chỉ ra những giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ứng dụng số hóa nhanh và hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đánh giá chung, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn, như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương còn gặp không ít rào cản và thách thức, như tỷ trọng kinh tế số trong ngành nông nghiệp còn thấp nhiều so với mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2025 là 10%.
Đặc biệt, hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu khắt khe về truy suất nguồn gốc của các nước nhập khẩu.
Tại cuộc họp, các địa phương kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp; Bộ NN&PTNT sớm ban hành cấu trúc dữ liệu ngành nông nghiệp và cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp số tham gia thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp; xây dựng bản đồ số về vùng cây trồng để phục vụ việc quản lý thổ nhưỡng, đất đai.
Thêm vào đó, việc tiếp cận công nghệ số và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp là một trong những ngành có nhiều dữ liệu nhất, nhưng tỉ lệ thu thập còn ít; chuyển đổi số còn mới mẻ với cả người đứng đầu các địa phương và đặc biệt là người nông dân. Năng lực về công nghệ của đội ngũ nhân lực làm việc ở lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế; phần lớn hạ tầng kỹ thuật các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa đủ đáp ứng để chuyển đổi số.
Bởi vậy, để cải thiện, nâng cao hơn nữa tiến độ thực hiện chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức cho nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã, tổ hợp tác… hiểu đúng về vai trò của chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đến các thôn, làng, nhằm nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân.