Ngày 8/11, Hãng thông tấn Tân Hoa Xã trình làng bản tin "đầu tiên trên thế giới được dẫn bằng MC phát triển bằng công nghệ AI". MC này được giới thiệu là một "người đàn ông ảo có giọng nói, gương mặt, cử chỉ như người thật". MC ảo còn "tự học những chuyển động, cử chỉ từ các chương trình trước đó".
Tuy nhiên, theo Tạp chí MIT Technology Review, đây chỉ là một "con rối đọc lời thoại, không hơn không kém", hoàn toàn không có một chút trí thông minh nào.
Trò bịp núp bóng AI
Cụ thể, tạp chí trực thuộc Viện Công nghệ Massachusetts MIT nhận định công ty Sogu, đơn vị tạo ra MC ảo này đã sử dụng thuật toán hình ảnh một phóng viên thực, thêm lời thoại để tạo ra bản tin. Nói tóm gọn, đây không khác mấy việc dùng deepfake giả mạo người khác từng bị lên án.
Nếu thông tin MIT đưa ra là chính xác, kiểu lập lờ đánh lận con đen này không phải xảy ra lần đầu.
Sophia - "Robot công dân đầu tiên trên thế giới" cũng bị giới chuyên môn lên án là trò bịp của Hanson Robotics, đơn vị phát triển có trụ sở tại Hong Kong.
"MC AI đầu tiên trên thế giới" của Trung Quốc được đánh giá chỉ là trò giả mạo. Ảnh: TNW. |
"Đây là trò lừa gạt...Nó hoàn toàn nhảm nhí", Yann LeCun, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu AI của Facebook, được đánh giá là chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nhận xét về Sophia trên Twitter.
Đối với các nhà khoa học, việc chủ đề trí tuệ nhân tạo đang ngày càng được quan tâm và cách mà Hanson Robotics, Sogu làm khiến nhân loại hiểu nhầm về khả năng của AI khiến họ vô cùng tức giận.
Ngay cả chính Ben Goertzel, một trong những người tạo ra Sophia phải thừa nhận chưa thể có chuyện AI đạt tới cấp độ như con người lúc này.
Đánh đổi tự do để phát triển AI
Trung Quốc từ lâu không giấu giếm tham vọng dẫn đầu thế giới trong công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Để tạo ra nền tảng cho tham vọng, người Trung Quốc cho rằng họ cần có các “chuẩn mực đạo đức” cho công nghệ này.
Chủ tịch Pony Ma của Tencent và người đồng sáng lập Baidu Robin Li đã lên tiếng kêu gọi thành lập các quy tắc đạo đức, trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với các khủng hoảng tự do vì sự giám sát của công nghệ AI.
Hai tỷ phú giàu nhất Trung Quốc cho rằng các lĩnh vực nhạy cảm như xe tự hành, chỉnh sửa gene và bảo mật dữ liệu cá nhân cũng cần có chuẩn mực được đưa ra rõ ràng.
Pony Ma thành lập Tencent năm 1998 khi ông 27 tuổi. Công ty giờ đã là gã khổng lồ về mạng xã hội và giải trí, đứng sau thành công các ứng dụng như WeChat, tựa game Honor of Kings cùng một số ứng dụng âm nhạc hàng đầu Trung Quốc.
Đề nghị của Robin Li, ông chủ Baidu lại dấy lên một số tranh cãi khi cho rằng người Trung Quốc sẵn sàng cho đi dữ liệu cá nhân của họ. Baidu hiện là công cụ tìm kiếm đứng thứ 4 trên thế giới, đầu tư nhiều vào lĩnh vực xe tự hành và điện toán đám mây.
Trung Quốc được cho là có thế mạnh phát triển AI nhờ người dân không đặt nặng quyền riêng tư. Ảnh: Fortune. |
Vấn đề lớn của quốc gia tỷ dân chính là trình độ của người sử dụng công nghệ. Người Trung Quốc thích nghi và làm quen công nghệ mới nhanh hơn so với phương Tây, do không quá lo ngại về các quyền riêng tư cũng như dữ liệu cá nhân.
Hệ quả không tránh khỏi chính là nhiều ứng dụng AI nhanh chóng nở rộ, phục vụ vào những vấn đề gây tranh cãi. Đơn cử như nhận diện gương mặt, giờ đây công nghệ này chủ yếu được dùng để giám sát người đi bộ sai luật dưới lòng đường hoặc sinh viên trộm giấy vệ sinh trong trường học.
Việc Trung Quốc sử dụng AI trong giám sát đã gặp phải nhiều chỉ trích quốc tế. Các báo cáo về việc sử dụng AI để hỗ trợ giám sát và thu thập dữ liệu di truyền ở khu vực Tân Cương đã gây ra những lo ngại về quyền riêng tư và nhân quyền.
Tất cả cho mục tiêu dẫn đầu
Baidu và Tencent cùng kêu gọi chính phủ Trung Quốc điều chỉnh các công nghệ mới trong phiên họp hàng năm của các cơ quan tư vấn lập pháp, chính trị vào Chủ nhật (17/3).
Hồi tháng 1, Hiệp hội Trí tuệ nhân tạo Trung Quốc đã thành lập một ủy ban soạn thảo các hướng dẫn về "đạo đức cho AI". Nhóm được lãnh đạo bởi Chen Xiaoping, người đã phát triển robot hình người đầu tiên của Trung Quốc Jia Jia.
Ngoài ra, cả Li và Ma đều kêu gọi hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực này, bởi cho rằng nó sẽ giúp mang “Trí tuệ Trung Quốc vào các nghiên cứu đạo đức AI toàn cầu”.
Trung Quốc cũng muốn sẽ trở thành cường quốc dẫn đầu trong việc thiết lập xu hướng AI quốc tế. Vào tháng 10/2018, Baidu là công ty Trung Quốc đầu tiên tham gia Đối tác về AI (Partnership on AI), tập đoàn có trụ sở tại Mỹ chuyên nghiên cứu và thực nghiệm AI.
Jia Jia - robot hình người đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Với các công ty công nghệ phương Tây, những yêu cầu về kỹ lưỡng trong thuật toán có thể gây ra sự thiên vị của AI đối với con người, cũng như việc sử dụng công nghệ này trong lĩnh vực quân sự vẫn luôn khiến họ đau đầu.
Google buộc phải hủy bỏ các thỏa thuận với Lầu Năm Góc, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ sau nhiều khiếu nại nổ ra. Amazon thì bị chỉ trích vì tìm cách bán phần mềm nhận dạng khuôn mặt cho các cơ quan chính phủ.
Trong khi Microsoft kêu gọi quy định công khai về công nghệ nhận dạng khuôn mặt, nhiều công ty Trung Quốc lại che giấu những vấn đề tiềm ẩn mà AI có thể mang lại.
Vậy phải chăng, có quá sớm để nói về "Đạo đức cho AI" lúc này khi ngay trong lòng quốc gia tỷ dân, vẫn còn có những dối trá về viễn cảnh trí tuệ nhân tạo như "MC thời sự dùng AI đầu tiên trên thế giới"?