Đã nhiều năm qua, người đi trên đường QL8A không còn lạ với cảnh những quầy hàng chim với đủ các loại được bày bán công khai bên cạnh đường.
Cứ đến độ tháng 8 trở đi, sau khi mùa gặt xong và chuẩn bị đến mùa mưa lũ thì cũng là lúc là bắt đầu mùa tận diệt chim trời. Và năm nay cũng vậy, chim trời lại bị sát hại một cách triệt để.
Trong những chiếc lán tạm bợ được dựng lên để bày bán chim, người mua có thể tha hồ lựa chọn loại thịt chim nào mình ưa thích. Thôi thì đủ các loại, từ cò, vạc, chim cuốc, gà nước, chim cu, bồ nông…
Theo một chủ bán chim, năm nay dân bẫy chim được mùa hơn mọi năm nên giá cả cũng phải chăng. Loại nhỏ thì từ 10-15 nghìn/con, loại to, thịt ngon hơn như loài gà nước thì 60 nghìn/con.
Những chú chim khi được “thượng đế” đồng ý thì sẽ được người chủ vặt lông ngay khi còn sống. Sau khi bộ lông bị vặt sạch, những chú chim trở nên trùi trũi, co ro run lên từng hồi trong cái lạnh mùa mưa lũ.
Hoặc có những chú chim bị kết liễu nhanh hơn khi “thượng đế” yêu cầu chủ hàng thui rơm luôn. Ngọn lửa bốc lên, những cánh chim yếu ớt vùng vẫy để cố thoát thân. Chỉ sau mấy giây, những chú chim đã trở nên vàng ươm.
Bên dưới hàng chim cao là một cũi gỗ với các bề làm bằng lưới sắt. Hàng chục con chim nhát (một loại chim mà dân nhậu rất thích) tranh nhau đâm đầu vào mắt lưới. Chẳng thể chui lọt, trên đầu các “chú” chim, máu liên tục ứa ra.
Những loại chim cao như cò, vạc, cói, sau khi dính bẫy thì “được” con người dùng chính lông nhổ trên thân ra, khâu hai mắt của chúng lại.
“Làm thế để nó không nhìn thấy nữa chứ loại này hay mổ mắt người lắm”, chủ quán chim ở thị trấn Đức Thọ nói.
Những hình ảnh tàn sát chim trời do PV VietNamNet ghi lại:
Hàng chim ở thị trấn Đức Thọ tấp nập người mua, kẻ bán. Đối với người dân nơi đây, dường như thịt chim đã trở thành một loại thức ăn chứ không còn là đặc sản nữa. |
Những chú chim cói đồng này được chủ hàng buộc túm 5 con một. Giá bán mỗi chùm chim thế này là 50 nghìn đồng. |
Trên những cánh đồng ở các xã Đức Yên, Đức Bùi… những ngày này ngập tràn những chiếc bẫy chim. Những chiếc cọc tre được đóng dọc theo bờ ruộng, những mảnh lưới có mắt lưới nhỏ được giăng theo hàng cọc. Đến tối, người thợ chim, được sự trợ giúp của công nghệ “thiết bị phát ra tiếng chim” là đủ điều kiện để có thể bắt. |
Hàng bày bán có cả những chú chim đã được vặt lông sẵn. |
Đối với các loại chim chân cao như cò, cói, vạc, trước khi được bày bán, người chủ hàng sẽ dùng lông trên thân chim khâu mắt chúng lại vì sợ chẳng may các loài chim này mổ vào mắt người mua khi lựa chọn. |
|
Những giọt máu ứa ra từ mắt chim khi bị người chủ hàng khâu mắt, mỏ rồi treo ngược lên. |
Chủ quán cho biết, trung bình mỗi ngày họ bán được hàng trăm con chim. |
Vặt lông chim cho khách mang về |
Một chú chim vẫy vùng cố lao vào mắt lưới sắt để mong thoát nhưng chỉ mỗi cái mỏ lọt ra ngoài, đầu bị va vào thành lưới, máu rỉ. |
|
Lựa chọn thoải mái dưới sự “thuyết minh” của chủ hàng chim…. |
- Duy Tuấn