- Danh tính, nhiệm vụ, lương và các khoản thu nhập của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước phải được công khai, minh bạch. Đây là một trong những nội dung luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi vừa được trình Quốc hội sáng nay.
>> Sửa không khéo, luật chống tham nhũng như hổ không răng
Công khai đóng góp của dân
Một trong những điểm mới trong dự thảo luật là công khai, minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, từ ngày 1-30/4 hàng năm, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm công khai việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý, vốn và tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, vốn và tài sản của doanh nghiệp đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết, các khoản đầu tư ngoài ngành, vốn vay ưu đãi, việc lập và sử dụng các quỹ của doanh nghiệp
Danh tính, nhiệm vụ, lương và các khoản thu nhập của người trong hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó giám đốc, kiểm soát viên, kế toán trưởng cũng sẽ được công khai.
Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh: Dự thảo luật sửa đổi đã bỏ các quy định về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng |
Về công khai, minh bạch, điều 16
dự luật sửa đổi quy định: Việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để đầu
tư xây dựng công trình, lập quỹ trong phạm vi địa phương phải lấy ý kiến nhân
dân và được HĐND cùng cấp xem xét, quyết định.
Đồng thời, việc huy động, sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân quy định nói
trên phải được công khai để nhân dân giám sát và phải chịu sự thanh tra, kiểm
tra, giám sát theo quy định của pháp luật. Nội dung phải công khai bao gồm mục
đích huy động, mức đóng góp, việc sử dụng, kết quả sử dụng và báo cáo quyết
toán.
Việc huy động, sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân vì mục đích từ thiện,
nhân đạo cũng phải được công khai.
Chưa sửa được quy định về người đứng đầu
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ
Huỳnh Phong Tranh, dự thảo luật sửa đổi đã bỏ các quy định về Ban Chỉ đạo phòng,
chống tham nhũng.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Rất khó tránh việc che giấu tham nhũng |
Theo đó, việc thành lập Ban chỉ
đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư làm Trưởng ban theo đúng tinh thần và nội dung Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo
của Trung ương Đảng với toàn bộ hệ thống chính trị. Hoạt động của Ban chỉ đạo phòng,
chống tham nhũng sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng.
Bên cạnh những đổi mới như trên, dự thảo luật vẫn chưa khắc phục được một số tồn tại, hạn chế, chẳng hạn xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.
Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, ngay trong lần sửa đổi này, dự án luật đưa ra những quy định còn chung, chưa rõ, có thể dẫn đến triệt tiêu hiệu quả của nhau.
Đó là “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp quản lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự” và “thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng”.
Theo ông Hiện, việc thực hiện các quy định này dường như là một nghịch lý. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước càng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện được càng nhiều hành vi tham nhũng xảy ra trong nội bộ cơ quan, tổ chức mình thì người đó lại càng phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý cán bộ vì đã để xảy ra nhiều hành vi tham nhũng.
Do đó, việc bao che, che giấu hành vi tham nhũng rất khó tránh khỏi. Những vấn đề trên đây cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, quy định rõ và cụ thể hơn để tháo gỡ những khó khăn, bất cập, hiệu quả thấp như hiện nay.
Dự án luật sẽ được thảo luận tại
tổ vào ngày 2/11. QH sẽ dành cả ngày 9/11 để thảo luận tại hội trường.
Nội dung này sẽ được truyền hình trực tiếp.
Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng