- Thời bao cấp, kiểu tóc phi dê (uốn xoăn) là mốt làm đẹp được phái nữ vô cùng ưa chuộng. Không có tiền ra tiệm, họ tự làm tóc ở nhà với những "công nghệ" tự chế không ít nguy hiểm.
Uốn tóc bằng “dây may so”
Anh Phan Duy Hào, nghệ nhân cắt tóc làng Kim Liên, kể: “Tôi được ông nội truyền nghề cắt tóc từ khá sớm và tay nghề thuộc dạng "cứng".
Tuy nhiên thời bao cấp có quy định, muốn hành nghề, các thợ phải qua trường lớp đào tạo và phải được ngành Quản lý ăn uống và phục vụ Hà Nội cấp chứng chỉ.
Vì vậy, tôi đã đăng kí học nghề. Tại khóa học, tôi còn được học thêm về hóa chất, cách làm xoăn…".
Nghệ nhân của làng cắt tóc Kim Liên - Phan Duy Hào, cháu nội nghệ nhân Phan Duy Hiền, người cắt tóc cho vua Bảo Đại. Ảnh: Diệu Bình |
Cũng theo anh Duy Hào, khi hòa bình lập lại, nghề cắt tóc, làm đầu được tập trung lại thành mô hình hợp tác xã. Hàng tháng, hợp tác xã tổ chức các cuộc thi sát hạch, nâng cao tay nghề để xếp cấp bậc các thợ.
Chỉ một thời gian ngắn, qua các kỳ sát hạch, anh được nâng lên thành thợ bậc 7 với mức lương 70 đồng một tháng, mức lương khá cao ở thời bấy giờ.
Chia sẻ về công nghệ làm tóc cho chị em phụ nữ, anh Hào kể: “Thời đó, thịnh hành nhất là kiểu tóc Trần Lệ Xuân và kiểu uốn xoăn, người ta hay gọi là tóc phi dê. Cô nào ở thành thị thì kiểu gì cũng có mái tóc phi dê xoăn tít mới hợp mốt".
Những kiểu tóc uốn phi dê được phụ nữ thời bấy giờ ưa chuộng. Ảnh tư liệu |
Anh Hào cho biết, muốn làm tóc, không phải khách đến là làm được ngay, nhiều người phải lấy số thứ tự, xếp hàng đợi 2 ngày mới đến lượt làm tóc.
Anh nói: "Để làm một mái tóc nữ, thợ thường mất khoảng 4 giờ đồng hồ. Ngày đó, thuốc làm tóc được quản lý rất chặt chẽ. Khách có nhu cầu làm tóc, thợ sẽ báo với quản lý. Quản lý sẽ lấy đủ lượng thuốc dùng cho một đầu, khoảng 1 bát thuốc. Thừa hoặc thiếu thuốc, người thợ phải tự lo".
Kể về kỉ niệm của mình khi uốn tóc cho khách, anh Hào chia sẻ: “Chúng tôi sợ nhất là mùi thuốc làm tóc từ amoniac, người ta hay ví là "khai hơn cả nước đái khỉ". Ngày đó, mới ngửi mùi thôi, tôi đã thấy cay xè mắt.
Có ngày đông khách, tôi phải làm đến đêm mới nghỉ. Hôm đó chủ yếu là làm tóc phi dê, tôi bị ngộ độc vì ngửi mùi thuốc làm tóc, mấy ngày liền không thể ăn uống…”.
Người đẹp Hà Thành với kiểu tóc từng làm mưa làm gió thời kì bao cấp. Ảnh tư liệu |
Anh tiếp tục chia sẻ: “Dụng cụ uốn tóc ngày đó chẳng khác “dây may so” trong ấm điện đun nước. Nó là những trục nhôm có răng cưa, sau khi bôi thuốc lên tóc, thợ cuốn tóc vào trục nhôm đó. Thợ càng siết chặt tóc càng được uốn đẹp.
Cuốn từng lọn tóc vào trục nhôm, thợ thòng những sợi dây điện có một đầu gắn kẹp mỏ vịt bằng nhôm lót lớp giấy mỏng, kẹp vào trục nhôm trên đầu khách, một đầu thì cắm vào ổ điện".
Nghệ nhân này cũng cho biết thêm, dụng cụ uốn tóc này rất nguy hiểm. Nếu không cẩn thận khách và thợ có thể bị điện giật bởi toàn bộ dụng cụ uốn làm bằng nhôm, không có lớp chống giật như hiện nay.
Ngoài ra, dụng cụ này cũng không có nút chỉnh số, buộc thợ tóc phải tự căn chỉnh. Cảm thấy độ nóng vừa đủ thợ nhanh chóng rút điện ra, nếu chậm một chút có thể khiến tóc bị cháy.
Giới làm tóc ngày đó vẫn truyền tai nhau sự cố của một vị khách nổi tiếng. Lần đó, NSND Lê Dung đến một cửa hàng quen uốn tóc trước khi lên đường đi lưu diễn.
Khi dùng máy uốn, do thợ để nhiệt độ cao làm tóc bà bị cháy. Chủ tiệm tóc xin lỗi rối rít và mua tóc giả cho bà đội trong thời gian chờ tóc mọc lại. Cũng may, NSND Lê Dung đã thông cảm, coi như một tai nạn nghề nghiệp của thợ làm tóc.
Trường hợp khác, anh Hào chia sẻ thêm là chuyện một cửa hàng ở phố Hàng Bạc, sau khi cuộn tóc cho khách bằng trục nhôm, thợ vừa cắm điện, khách hàng bị giật, phải đi cấp cứu.
Uốn tóc bằng… đũa cả, kéo gắp than
Theo trào lưu tóc phi dê bồng bềnh thời thượng, chị em phụ nữ nào cũng đều ao ước được làm mới mái tóc chân phương của mình, tuy nhiên không phải ai cũng có đủ điều kiện đến tiệm làm đẹp.
Vì thế nhiều người đã sử dụng phương pháp uốn tóc bằng đũa cả và kéo gắp than.
Anh Duy Hào tâm sự: “Trung bình một đầu uốn xoăn có giá khoảng 20 đồng, bằng nửa tháng lương của một người. Thời đó kinh tế khó khăn, nhiều gia đình ăn chưa đủ lấy đâu tiền uốn tóc.
Vì thế các chị em tự làm tóc tại nhà bằng phương pháp thủ công. Họ lấy 1 chiếc kẹp như cây kéo gắp than bây giờ. Cây kéo này có 1 bên nhỏ, 1 bên to, bên to có lõi sắt tròn".
Anh cho biết thêm, khi cần làm đẹp, họ hơ kéo vào than cháy rừng rực cho đỏ hồng rồi nhúng vào nước lạnh, sau đó cho lên tóc uốn xoăn. Người làm xoăn kiểu này rất mất thời gian và không cẩn thận sẽ dễ bị bỏng.
Nhưng muốn có được bộ tóc xoăn xoăn, búp tóc bồng bềnh nên nhiều chị em vẫn bất chấp để làm đẹp.
Một phương pháp nữa được phụ nữ thời đó áp dụng là dùng chiếc đũa cả hơ thật nóng rồi cuộn tóc vào thành lọn, nhưng phương pháp này ít hiệu quả hơn.
Một số chị em còn nghĩ ra cách sau khi gội đầu xong, tóc còn ẩm, họ tết các sợi tóc thật nhỏ, buộc lại để qua đêm. Sáng hôm sau cô gái gỡ tóc ra là có mái tóc xoăn, khác lạ....
Chuyện làm đẹp thời bao cấp lắm gian nan nhưng khi nhắc lại nhiều người phải tủm tỉm cười bởi đó là minh chứng cho một thời khó khăn nhưng không ít những ký ức đẹp.
Lễ cưới hoành tráng và đêm tân hôn dang dở của giai nhân xưa
Ông Nguyễn Hồng Phấn - nghệ nhân của làng nghề rèn sắt Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội) vẫn bùi ngùi khi nhớ lại đám "cưới chạy" của mình với giai nhân Hà thành một thời.
Chuyện chưa kể về vợ chồng tỷ phú hiến hơn 5000 lượng vàng
Từ số vốn 30 ngàn đồng Đông Dương được mẹ cho khi ra ở riêng, vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô đã trở thành thương gia giàu có nức tiếng đất Hà thành...
Diệu Bình