Chủ động tiếp cận doanh nghiệp
Chia sẻ cảm nhận về những chuyện động của ngành công nghiệp hỗ trợ trong năm 2019, và dự cảm những thách thức cần được khơi thông để rộng đường cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ với phóng viên VietnamNet: thách thức lớn nhất vẫn là từ chính sách đến hành động thực tiễn.
Nhìn vào dự thảo nghị quyết liên quan tới ngành công nghiệp hỗ trợ, một loạt chính sách hành động cần phải thực thi mà nếu chúng ta không thực thi quyết liệt thì thậm chí sửa một luật có thể phải đợi 3 - 5 năm.
Nhưng khi có chính sách rồi, thì việc thực thi chính sách là thách thức lớn nhất hiện nay. Có chính sách mà không thực thi được thì nó quay lại vòng luẩn quẩn. Chính sách không tốt, thực thi không tốt thì sẽ nhờn luật, mà khi đã nhờn luật thì lúc cơ quan soạn thảo luật có tham vấn cộng đồng doanh nghiệp họ sẽ không tham gia góp ý nữa đâu.
Công nghiệp hỗ trợ năm 2020: Muốn có cải cách thì phải hành động. Ảnh minh họa |
Năm mới, năm 2020 muốn có cải cách thì phải hành động, ngay từ khâu xây dựng chính sách, hoàn thiện một cách nhanh nhất chính sách và thực thi một cách đầy đủ nhất chính sách cho doanh nghiệp.
Cần loại bỏ ngay tư duy doanh nghiệp cần gì thì doanh nghiệp tìm đến hỏi tôi. Tại sao không chủ động làm việc đó với cộng đồng doanh nghiệp? Vì sao khi ban hành nghị định có liên quan lại không chủ động gửi một email đến doanh nghiệp nói rõ chính phủ ban hành nghị định như vậy, rằng hiện nay chúng ta đang có một gói hỗ trợ nhưng doanh nghiệp muốn tiếp cần cần phải đạt tiêu chí nào, làm hồ sơ cần chuẩn bị gì, làm ở đâu… Nên chủ động tìm đến doanh nghiệp khi chúng ta có đầy đủ tên tuổi của 730.000 doanh nghiệp trong toàn quốc.
Doanh nghiệp mà đọc văn bản 20 trang hệ thống 30 nghị định, 5 luật tôi tin họ lúng túng, không biết mình đang ở đâu
Muốn gì thì muốn cần phải hành động thiết thực, chủ động tiếp cận doanh nghiệp.
Chính sách phải rất cụ thể, rõ ràng và sát thực tiễn
Trước đây các sáng kiến chủ yếu đến từ cộng đồng các doanh nghiệp đến từ nước ngoài đặc biệt là quỹ của Nhật. Khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam họ đặt nhà máy hoạt động thì họ phát sinh một nhu cầu đó là cần các linh kiện, phụ kiện, đầu vào để lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh ở Việt Nam. Với lý do khó nhập hoặc giá thành đắt đỏ khi nhập các link kiện đó từ nhật bản hoặc từ các nước chính quốc sang nước thứ ba. Và khái niệm doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát sinh từ, ta tạm gọi là cuộc di cư của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Điểm nổi bật hiện nay là chính phủ bắt đầu quan tâm, thể hiện ở quyết định về công nghiệp hỗ trợ sau đó là chương trình hành động và bây giờ đang dự thảo một nghị quyết, chuyên đề của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cho thấy có những thay đổi rõ ràng về hành động, chính sách.
Trên thực tế, tôi thấy các thay đổi chưa đúng với kỳ vọng nếu như anh chị nghe thông tin, khi chúng ta tiếp xúc với JICA với cộng đồng doanh nghiệp Nhật thì họ vẫn than rằng họ rất cần doanh nghiệp Việt Nam cung cấp linh kiện, phụ kiện cho họ.
Chúng ta không thể phủ nhận, vẫn còn khoảng cách xa giữa thực tế so với mục tiêu chúng ta đặt ra, so với chính sách, so với mong muốn của các nhà đầu tư. Đó là áp lực của chúng ta.
Khó tiếp cận vốn
Về việc doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng, đây không chỉ khó với các doanh ngiệp công nghiệp hỗ trợ mà đây là khó khăn chung. Quỹ phát triển khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp dường như chưa thực hiện được. Có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng khi thiết kế ra những chính sách như vậy, cái thiếu sót nhất là thiếu những quy định rõ ràng chưa phù hợp với doanh nghiệp.
Chúng ta nói rằng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ít vì dự án mở rộng theo luật thuế buộc phải thành lập doanh nghiệp mới để thực hiện dự án đó. Quy định đó không phù hợp thực tế bởi doanh nghiệp có thể thực hiện nhiều dự án khác nhau và các dự án có thể được mở rộng linh hoạt. Đấy là những điểm nghẽn của chính sách.
Doanh nghiệp họ đâu có thời gian đển nghiên cứu như chúng ta chuyên nghiên cứu. Doanh nghiệp họ muốn cái gì phải dễ nhìn thấy nhất, họ phải thấy mình trong đó. Khi họ không thấy mình trong đó, phải nhờ đến hiệp hội, nhờ đến luật sư mới thấy mình trong đó thì sẽ rất khó. Bởi vậy, chính sách phải thay đổi kịp thời, phải rõ ràng phù hợp, đúng với nhu cầu doanh nghiệp cần.
Thu Nga