Trong hai ngày 12-13/8, Hiệp hội Thép Việt Nam đã tổ chức hội thảo và triển lãm công nghiệp thép Việt Nam hướng tới chiến lược xanh. Hội thảo diễn ra với 4 phiên theo 4 chủ đề sau: Công nghiệp Thép Việt Nam hướng tới mục tiêu trung hòa carbon năm 2050; Kinh nghiệm, lộ trình trung hòa carbon của các quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam; Định hướng chuyển đổi công nghệ hướng tới trung hòa carbon trong sản xuất thép và cơ chế hợp tác; Lộ trình chuyển đổi xanh của công đồng doanh nghiệp.

Thông tin từ hội thảo cho biết, từ ngày 1/10, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ được Liên minh châu Âu (EU) thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp và thực hiện đầy đủ từ năm 2026. 

CBAM sẽ bắt đầu áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 1/10, với giai đoạn báo cáo đầu tiên cho các nhà nhập khẩu kết thúc vào ngày 31/1/2024. Bộ quy tắc và yêu cầu đối với việc báo cáo lượng phát thải theo CBAM sẽ được cụ thể hóa thêm trong Đạo luật triển khai và sẽ được Ủy ban thông qua sau khi tham khảo ý kiến của Ủy ban CBAM, bao gồm các chuyên gia từ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).

nganh thep.jpg
Hội thảo và Triển lãm 2023 “Ngành Thép Việt Nam hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh”.

Ông Hoàng Văn Tâm, phó Chánh văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh Bộ Công Thương nhấn mạnh: Các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu phải được lồng ghép trong mọi chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển ngành Công Thương nhằm đảm bảo sự thích ứng linh hoạt với các tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn do biến đổi khí hậu gây ra, đảm bảo cho sự phát triển, tăng trưởng ổn định của ngành.

Tại hội thảo, ông Tâm cũng đã giới thiệu về Chiến lược Tăng trưởng xanh của ngành Công Thương cũng như các hoạt động đang triển khai trong việc cập nhật, tạo dựng hành lang pháp lý cho việc thực hiện tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành Công Thương.

Tại hội thảo, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội thép nhận định việc chuyển đổi sản xuất thép từ "thép xám" sang "thép xanh" là xu thế không thể dừng lại và không nằm ngoài chủ trương phát triển ngành công nghiệp Việt Nam. 

Hội thảo lần này là cơ hội để các doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về xu hướng phát triển xanh của thế giới và trách nhiệm thực hiện sản xuất xanh nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý trong nước và thị trường quốc tế.

“Việc chuyển đổi sản xuất thép từ “thép xám” sang “thép xanh” là xu thế không thể dừng lại và không nằm ngoài chủ trương phát triển ngành Công nghiệp Việt Nam và hội thảo lần này là cơ hội để các doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về xu hướng phát triển xanh của thế giới và trách nhiệm thực hiện sản xuất xanh nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý trong nước và thị trường quốc tế” – ông Đa cho biết.

Tuy nhiên, ngành thép vẫn phải đang chịu trách nhiệm cho 7 - 9% tổng lượng phát thải quốc gia và 45% các quá trình công nghiệp (đã được xác định trong chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu). Chính vì vậy, công nghiệp thép Việt Nam cần hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh để đạt được mục tiêu phát thải carbon bằng "0" vào năm 2050. 

Đây thực sự là thách thức nhất lớn của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới, nhưng đồng thời cũng là cơ hội lớn để ngành thép đổi mới, hiện đại hóa để trở thành một ngành có trình độ công nghệ hiện đại tiến tiến và phát triển bền vững.

Ông Võ Tuấn Nhân -Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cấp cần quan tâm tạo điều kiện để Hiệp hội Thép Việt Nam cùng các doanh nghiệp sản xuất thép có đủ điều kiện để thực hiện chuyển đổi xanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về môi trường, khí hậu. 

Đề nghị các chuyên gia, các tổ chức quốc tế quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ ngành Thép Việt Nam chia sẻ các kinh nghiệm, công nghệ, kỹ thuật, hỗ trợ về tài chính, nguồn nhân lực và giải pháp quản trị để xây dựng và thực hiện lộ trình trung hòa các-bon của ngành thép và quốc gia.

Trần Duy Khánh, Hồ Thị Nhụy, Nguyễn Hồng Hạnh, Nguyễn Xuân Ngọc, Lê Diệu Thúy