- Khảo sát thực tế tiền lương và thực trạng bữa ăn ca của người lao động trong các doanh nghiệp cho thấy, bữa ăn của công nhân rất mất vệ sinh và lương chưa đủ sống.
Ngành than 'đói' vốn, công nhân đói ăn
Phát hiện giòi trong cơm của công nhân
Cơm công nhân: Giá 15 ngàn đồng còn bị ăn bớt
Đây là kết quả khảo sát do Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) triển kha vài công bố kết quả ngày 9/11.
15% lao động sống dưới mức tối thiểu
Ông Đặng Quang Hợp, chuyên viên cao cấp của Viện Công nhân công đoàn, cho biết, cuộc khảo sát được thực hiện vào cuối tháng 6/2012 tại 60 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đại diện cho bốn vùng lương trong cả nước. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thực hiện 2.000 phiếu hỏi đối với người lao động, chủ yếu là đối tượng trực tiếp lao động sản xuất trên nhiều lĩnh vực (dệt may, da giày, xây dựng, giao thông vận tải, cơ khí, điện tử... ) để tìm hiểu về tiền lương, thu nhập thực tế của người lao động và chi phí cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của họ.
Theo ông Hợp, kết quả khảo sát cho thấy, tiền lương cơ bản của người lao động cao hơn mức lương tối thiểu theo vùng từ 39-53%. Trong đó, tiền lương thực nhận trung bình của người lao động thường cao hơn so với lương cơ bản từ 10-20%, đạt mức trung bình 2,86 triệu đồng/tháng. Cụ thể, tiền lương trung bình của vùng I là 3,312 triệu đồng; vùng II là 2,94 triệu đồng; vùng III là 2,75 triệu đồng; vùng IV là 2,45 triệu đồng.
Theo loại hình doanh nghiệp, DNNN có tiền lương trung bình là 3,56 triệu đồng; doanh nghiệp FDI hơn 2,67 triệu đồng; doanh nghiệp dân doanh 2,83 triệu đồng.
Tính về nhóm ngành nghề, lương cao nhất thuộc lĩnh vực giao thông, xây dựng với 3,53 triệu đồng/tháng; thấp nhất là da giày, chỉ 2,58 triệu đồng/tháng.
Tính về tổng thu nhập/tháng, cao nhất là DNNN đạt gần 4,5 triệu đồng; FDI hơn 3,7 triệu đồng; doanh nghiệp dân doanh gần 3,5 triệu đồng.
Khi được hỏi, liệu người lao động có hài lòng với công việc và thu nhập của mình không? Chỉ có 0,8% trả lời rất hài lòng, trong khi có tới 28,5% nói không hài lòng và hơn 57% nói tạm hài lòng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chi tiêu của một gia đình người lao động (gồm 3 người) khoảng 4,6 triệu đồng/tháng. Với mức chi tiêu này, tiền lương tối thiểu theo vùng mới chỉ đáp ứng từ 40-46% chi tiêu của người lao động. Cụ thể, mức sống tối thiểu để đảm bảo người lao động có thể tái sản xuất và tái sản xuất mở rộng sức lao động tính theo vùng: vùng I là 3,76 triệu đồng; vùng II là 3,51 triệu đồng; vùng III là 3,17 triệu đồng; vùng IV là 2,48 triệu đồng.
"Nếu so sánh với mức chi tiêu thực tế, vẫn còn khoảng 14,5% người lao động có mức chi tiêu ở dưới mức sống tối thiểu. Mức lương tối thiểu hiện tại mới chỉ đáp ứng được 49-56% mức sống tối thiểu của người lao động. Nếu so với các mức lương tối thiểu do Bộ LĐ-TB&XH đề xuất cũng chỉ đạt được 67%-75,7% (theo phương án một) hoặc 61,5-72,4% (phương án hai) mức sống tối thiểu" - ông Hợp cho biết.
Bữa ăn thiếu chất, mất vệ sinh
Ông Trần Ngọc Ánh - chuyên viên cáo cấp Viện Công nhân công đoàn cho hay, khảo sát thực trạng bữa ăn ca của tại 12 tỉnh, thành phố cho thấy, đa số các doanh nghiệp khảo sát hỗ trợ tiền ăn ca cho người lao động với mức bình quân mỗi suất ăn là 13.900 đồng/hoặc khoảng 368.000 đồng/tháng. Trong đó, có 25% số người lao động cho biết mức ăn giữa ca là 9.000 đồng; 46,5% hỗ trợ mức 13.000 đồng và 28,5% mức 20.000 đồng. Vùng I đạt mức cao nhất là 15.000 đồng trong khi vùng IV chỉ đạt 13.000 đồng/bữa.
"Có 10,4% người lao động được hỗ trợ một nửa tiền ăn ca với mức trung bình là 8.000 đồng. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp chỉ hỗ trợ 5.000 đồng, còn lại người phải tự đóng góp" - ông Ánh nói.
Về lượng bữa ăn giữa ca, người lao động trong doanh nghiệp FDI và công ty cổ phần phải ăn uống kham khổ so với người lao động làm việc trong các DNNN. Cụ thể, có tới 24,3% số người lao động ở công ty cổ phần và 37,5% người lao động ở doanh nghiệp FDI cho biết bữa ăn của họ thường thiếu thức ăn. Còn về bữa ăn giữa ca, có tới gần 15% người lao động cho rằng thức ăn không đảm bảo dinh dưỡng.
Xét về hình thức tổ chức bữa ăn, tại các doanh nghiệp thuê dịch vụ ngoài cung cấp bữa ăn, có 22% người lao động cho rằng thức ăn không đảm bảo. Về lượng gạo, tỷ lệ người lao động tại doanh nghiệp thuê ngoài cung cấp cho rằng không đảm bảo cũng cao gấp hai lần tại doanh nghiệp tự tổ chức nấu ăn. Khi được hỏi, đa phần người lao động cho rằng, nếu nấu ăn tại chỗ sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cao hơn hẳn so với hình thức thuê dịch vụ bên ngoài.
Đặc biệt, doanh nghiệp FDI bị phàn nàn về bữa ăn mất vệ sinh cao nhất, chiếm tới hơn 41%; công ty cổ phần là hơn 31%. Do đó, tuy số lượng người lao động khảo sát bị nhiễm độc chỉ chiếm khoảng 2,5% song hầu hết họ đều lo sợ nguy cơ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong thời gian tới.
Trong khi đó, theo đánh giá của Viện Dinh dưỡng, khẩu phần ăn của người lao động tại một số KCN mới chỉ đáp ứng được 89,7% nhu cầu về năng lượng. Bữa ăn của người lao động không chỉ thấp về chất lượng mà còn nghèo về giá trị dinh dưỡng. Trong thành phần bữa ăn chỉ có 12% lượng protein, 16% chất béo, còn lại là chất bột (gạo, ngô, khoai).
Còn số liệu của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, tại các KCN-KCX những năm gần đây, có từ 11-20 vụ ngộ độc/năm với trung bình 1.500 người mắc ngộ độc. Trong đó, các bếp ăn tập thể ở miền Nam chiếm 1/3 số vụ.
Nguyễn Hà