- Dự án Nâng cấp đô thị và dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè là 2 cái tên có mặt trong “sổ đen” của Trung tâm chống ngập nhiều nhất.


Theo thống kê, tính đến đầu năm 2012 trên địa bàn thành phố còn 57 vị trí ảnh hưởng do thi công dự án. Đã xử lý được 50/57 vị trí, phát sinh 25 vị trí. Hiện nay còn lại 32 vị trí. Nhiều đơn vị thi công thiếu biện pháp dẫn dòng, gây bít dòng chảy, cửa xả, làm sụp tuyến cống hiện hữu nhưng thay thế bằng tuyến cống có tiết diện nhỏ.

Công trình chống ngập… gây ngập

Theo Trung tâm chống ngập, từ đầu năm 2012 đến nay, các tuyến đường nằm trong lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm như: Hòa Bình, Bàu Cát, Đồng Đen …thường xuyên bị ngập nước mỗi khi có mưa. Đặc biệt là đường Hòa Bình đoạn từ đường Lạc Long Quân đến kênh Tân Hóa.

Ở tuyến đường này, thời gian ngập kéo dài từ 10-15 giờ, ảnh hưởng đời sống người dân trong khu vực 3 quận gồm: quận 11, Tân Bình và Tân Phú. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định do việc thi công dự án thành phần 4 “Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm” do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị làm chủ đầu tư.

Cảnh thường thấy ở TP.HCM mỗi khi mưa lớn, triều cường.

Tại đây, đơn vị thi công gói thầu xây lắp số 1, 2 và 3 đã lấp kênh, thay thế bằng cống hộp có kích thước từ 2m x 2,5 x 3,0 đến 4 x 2,5 x 3m. Trong khi đó, tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm có nhiệm vụ thoát nước cho lưu vực khoảng 1.446 ha nhưng đơn vị thi công chỉ dẫn dòng thi công bằng cống tròn D1200mm không đảm bảo thoát nước.

Trung tâm chống ngập đã chủ trì họp với đại diện chủ đầu tư, đơn vị thi công và các đơn vị liên quan để thảo luận phương án tăng cường dẫn dòng thi công cho kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Sau đó, thống nhất giao Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị tổng hợp phương án để xử lý đảm bảo thoát nước cho khu vực. Nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Tình trạng tương tự đã xảy ở khu vực nút giao thông cầu vượt Gò Dưa, phường Tam Bình và phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, nơi thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa lớn.

Nguyên nhân được xác định là do đơn vị thi công cống hộp thay thế rạch Cầu Miếu thuộc dự án nút giao thông Gò Dưa dẫn dòng bằng cống D600mm không đảm bảo thoát nước

“Ngó lơ” cả Thành ủy, Ủy ban ?

Theo Trung tâm chống ngập, tình trạng thi công các dự án thoát nước lớn đã chặn dòng thi công, dẫn dòng thi công không đảm bảo, bơm bùn đất vào hệ thống thoát nước hiện hữu làm tắc nghẽn dòng chảy gây ngập trong khu dự án và các khu vực lân cận.

“Từ mùa mưa năm 2010 đến nay, Thường trực Thành ủy đã có 02 văn bản chỉ đạo khắc phục; Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố đã có 14 văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Trung tâm Chống ngập đã phối hợp với Thanh tra chuyên ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc xử lý nhưng tiến độ khắc phục còn chậm” - báo cáo mới nhất của Trung tâm chống ngập nêu rõ.

Trong những ngày ngập kinh hoàng đầu tháng 10 vừa rồi, nhóm PV VietNamNet có mặt trên đường Kinh Dương Vương chứng kiến cảnh người dân bì bõm lội nước, dắt xe máy vì ngập hàng tiếng đồng hồ.
Sáng sớm đã phải đợi nước rút.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đơn vị thi công thuộc Dự án Nâng cấp đô thị đã bít cống Nguyễn Văn Luông làm tuyến cống Kinh Dương Vương không thoát về được cửa xả cầu ông Buông.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Dự án Vệ sinh Nhiêu Lộc Thị Nghè. Tại giao lộ với Trần Quang Khải đơn vị thi công đã làm sụp vách, đỉnh cống vòm. Tại giao lộ Trần Quốc Toản, đơn vị thi công đã thay 02 đoạn cống dọc D500 (trên lề Trần Quốc Toản) bằng 01 đoạn cống D400 (dưới đường Hai Bà Trưng) nối vào tuyến cống D2000, làm giảm nhiều tiết diện dòng chảy nên gây ngập khi mưa lớn.

Ngoài các dự án lớn của thành phố gây ảnh hưởng đến công tác chống ngập, mới đây, còn có sự “tham gia” của đơn vị thi công Dự án khu nhà ở thấp tầng đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7.

Theo đó, đơn vị thi công đã bơm bùn đất vào trong lòng cống, lấp 2 hầm ga thoát nước, khi đào móng công trình đã làm hở hông cống tại đoạn gần cầu số 2. Cho đến khi cơ quan chức năng lên tiếng, đơn vị này mới bắt đầu xử lý.

Minh Dũng

>> Phố Sài Gòn thành 'sông', vì đâu nên nỗi?