Thông tin trà Việt Nam nhiễm chất độc da cam (dioxin) là tin đồn thất thiệt với
ý đồ xấu xa - đó là khẳng định của công ty Đài Loan kinh doanh trà xuất khẩu Lâm
Đồng.
TIN BÀI KHÁC:
Báo China Post đưa tin, Công ty Xí nghiệp thống nhất (Uni-President Enterprises Corporation) đã lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc trái phép liên quan đến nhãn hiệu trà King of Tea (Trà Lý Vương) nổi tiếng sau khi có tin nói công ty sử dụng trà nhiễm dioxin được trồng ở Lâm Đồng, Việt Nam.
Uni-President khẳng định không có bằng chứng nào chứng tỏ trà nhập khẩu ở VN nhiễm dioxin. (Ảnh: Focus Taiwan) |
Phát ngôn viên Tu Chung-cheng của Uni-President cho biết hãng đang xem xét khởi kiện những người tung tin đồn chống lại công ty.
Trong những ngày gần đây, tin đồn lan rộng trên mạng Internet nói rằng các công tố viên đang định đóng cửa nhà máy trà của Uni-President ở Longtan (Taoyuan), thậm chí còn định đưa tất cả các sảm phẩm King of Tea ra khỏi các kệ hàng. Tin đồn này đã ảnh hưởng tiêu cực đến Uni-President, khiến giá cổ phiếu của ông ty tụt giảm.
Phát ngôn viên Tu Chung-cheng cho biết, Uni-President chỉ có hai nhà máy, một ở Yangmei (Taoyuan) và một ở Xinshi (Tainan) chứ không có cơ sở nào tại Longtan để các công tố viên đóng cửa.
Ông Tu cũng nhấn mạnh, trước khi bắt đầu bất kỳ quy trình sản xuất nào, công ty đều tiến hành kiểm tra xem nguyên liệu nhập khẩu có an toàn không và có đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn quốc gia hay không. Ông nói thêm rằng, không có gì chứng tỏ trà nhập khẩu từ Việt Nam có vấn đề.
"Tôi nghĩ người dân tin tưởng vào các khuôn mẫu nhất định khi nhắc đến trà Việt Nam. Vì không có bằng chứng nào chứng tỏ trà Việt Nam có vấn đề, mọi người đừng nên đi đến kết luận quá vội vàng".
Trong những ngày qua, hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trà xuất khẩu Lâm Đồng đã khốn đốn vì tin đồn chè Việt Nam nhiễm dioxin lan truyền trên các trang mạng ở Đài Loan và Trung Quốc.
Chiều ngày 18/11, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Đoàn Trọng Phương khẳng định chè Lâm Đồng không trồng trên vùng đất nhiễm dioxin. Ông Phương cho biết, Hiệp hội sẽ thông báo và phối hợp với Hiệp hội Chè Đài Loan để phản bác tin đồn vốn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất chè Oolong xuất khẩu.
Hiện Lâm Đồng có hơn 20 doanh nghiệp sản xuất chè Oolong xuất khẩu, trong đó có 15 doanh nghiệp do người Đài Loan đầu tư.
Trước đó, theo CNA, Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Loan tại Việt Nam, ông Hoàng Chí Bằng, cho biết Chi hội Thương mại Đài Loan ở Lâm Đồng đã trích dẫn các báo cáo địa phương khẳng định trà Việt Nam không có chứa dioxin.
Thanh Hảo