Công ty chứng khoán Kenanga Việt Nam (KVS) rơi vào tình trạng tê liệt, mọi hoạt động kinh doanh ngưng trệ, thua lỗ kéo dài từ 2013 đến nay. Nguyên nhân là do những tranh chấp về chức vụ chủ tịch HĐQT.

Theo giấy phép điều chỉnh giấy phép thành lập và hoạt động số 73/GPĐC-UBCK, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cấp cho CTCK Kenanga Việt Nam (KVS) ngày 13/2/2012, thì người đại diện theo pháp luật là ông Cao Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT KVS.

Mọi rắc rối phát sinh khi giữa hai nhóm cổ đông lớn trong nước và nhóm cổ đông Malaysia có những bất đồng. Đỉnh điểm, cuộc họp HĐTQ của KVS vào ngày 25/3/2013 có nội dung bầu chủ tịch HĐQT mới thay thế ông Cao Văn Sơn theo đề xuất từ phía Malaysia.

Tại cuộc họp ông Sơn đã cho rằng, ông hai thành viên là ông Nguyễn Việt Hải và bà Nguyễn Thị Thanh hiện không còn là cổ đông của KVS. Do không đồng ý với nội dung này nên ông Cao Văn Sơn và bà Cao Khánh Phượng (thành viên HĐQT) đã bỏ cuộc họp để phản đối.

Tuy nhiên, HĐQT KVS vẫn thông qua Nghị quyết 01/2013 ngày 25/3/2013 dù không có chữ ký của ông Cao Văn Sơn và bà Cao Khánh Phượng, với nội dung bãi nhiệm chức chủ tịch KVS đối với ông Cao Văn Sơn và bổ nhiệm ông Wee Kim Hong giữ chức Chủ tịch HĐQT. Từ đây, mọi rắc rối, tranh chấp ngày càng kéo dài và trầm trọng.

{keywords}
Những tranh chấp, rắc rối khiến KVS rơi vào đình trệ, thua lỗ

Nghị quyết 01/2013 đã được Tập đoàn K&N Kenanga Holdings Berhad (Malaysia) - cổ đông lớn nhất của KVS - báo cáo lên UBCK đề nghị phê chuẩn ông Wee Kim Hong làm Chủ tịch HĐQT. 

Tuy nhiên, việc này không được chấp nhận và cho đến nay, theo giấy phép điều chỉnh giấy phép thành lập và hoạt động số 73/GPĐC-UBCK ông Sơn vẫn là Chủ tịch KVS theo công nhận của Ủy ban Chứng khoán. Cập nhật trên trang trang web của UBCK hiện vẫn ghi nhận ông Cao Văn Sơn là chủ tịch KVS.

Trao đổi vào chiều 13/8, ông Sơn cho biết, nghị quyết ngày 25/3/2013 là không hợp lệ và vi phạm Luật DN cũng như điều lệ Công ty. Cũng theo ông Sơn, điều lệ KVS quy định phải có chủ tịch triệu tập họp ĐHCĐ đề nghị thay đổi và phải có tài liệu đưa ra thảo luận trước.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, sau đó, trong cuộc họp ngày 19/4/2013 giữa 2 bên cùng với UBCK, cơ quan này đã kết luận đề nghị họp ĐHCĐ KVS để đưa ra quyết định về vấn đề chủ tịch. "Sau đó, chúng tôi đã nhiều lần triệu tập họp ĐHCĐ nhưng đại diện cổ đông ngoại đã không đến dự", ông Sơn cho biết.

Tới tháng 10/2014, phía Malaysia đã cử ông Wee Kim Hong đại diện tham dự ĐHCĐ do sợ bỏ họp liên tục sẽ mất quyền. Đại hội có đủ đại diện 100% vốn nhưng không có kết quả gì.

Ông Sơn nói: "Tình trạng công ty bây giờ khó khăn, KVS chỉ tập trung đi đòi nợ. Giờ đưa ra kế hoạch hoạt động gì mà phía họ không chấp nhận thì không làm được gì cả. Kết quả là cả năm 2013, 2014 và 6 tháng 2015 đều thua lỗ. Chi phí duy trì bộ máy vẫn phải đủ nhưng lại không triển khai được hoạt động kinh doanh. Chúng tôi có cố cũng không làm được, nhìn thấy cơ hội nhưng không được làm".

Trong khi đó, về phía nhóm cổ đông Malaysia, ông Wee Kim Hong được bầu làm Chủ tịch HĐQT qua cuộc họp ngày 25/3/2013 cũng có phản ứng. Ngày 24/4/2013 đã có văn bản gửi Tổng cục cảnh sát QLHC về TTATXH đề nghị hỗ trợ lấy lại con dấu hoặc hủy con dấu cũ, cấp con dấu mới cho công ty.

Về việc này, Cục CSQLHC về TTXH có văn bản trả lời: Công ty cổ phần chứng khoán Kenanga Việt Nam được thành lập theo giấy phép số 72/UBCK-GP ngày 3/12/2007 của UBCKNN, Giấy phép điều chỉnh số 73/UBCK_GP của UBCKNN cấp ngày 13/2/2012. Tại giấy phép điều chỉnh xác định ông Cao Văn Sơn là Chủ tịch HĐQT của Công ty chứng khoán Kenanga Việt Nam.

Hiện tại con dấu của Công ty được giao cho Phòng Hành chính bảo quản, đóng dấu tại trụ sở Công ty.  “Vì thế. Cục CSQLHC về TTXH thấy không có cơ sở pháp lý xem xét giải quyết vấn đề còn dấu của Công ty cổ phần chứng khoán Kenanga Việt Nam theo đề nghị của ông”, công văn trả lời.

Tuy nhiên, đến 15/4/2015, ông Wee Kim Hong tiếp tục có văn bản gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng – Bộ Công an với nội dung hỗ trợ lấy lại con dấu của Công ty.

Trao đổi vào chiều 11/8, ông Wee Kim Hong cho biết, hiện tại, ông không biết con dấu của Công ty hiện giờ ai giữ, từ khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông không được vào văn phòng Công ty. "Vì thế, văn bản thay đổi chức danh HĐQT KVS chúng tôi gửi đến UBCK không được chấp thuận vì không có dấu đỏ”, ông Wee Kim Hong nói.

Tranh chấp giữa hai nhóm cổ đông kéo dài ngoài việc gây ngưng trệ hoạt động đã nảy sinh những hệ lụy mới. Mới đây, liên quan đến việc đòi khoản tiền cả gốc và lãi khoảng 31 tỷ của Tổng công ty BĐS Đông Á tạm ứng của KVS cũng đã xảy ra những rắc rối và tai tiếng không đáng có.

Trả lời gần đây, ông Cao Tiến Đoan – Tổng giám đốc Tổng công ty BĐS Đông Á - đã xác nhận về việc KVS cho Đông Á tạm ứng khoản vốn 25 tỷ đồng và Đông Á cũng đã trả cho KVS hơn 10 tỷ đồng cả gốc và lãi.

Để đảm bảo cho việc hoàn vốn, theo yêu cầu, ngày 21/12/2011, ông Cao Tiến Đoan và bà Nguyễn Thị Diệp đã ký với ông Nguyễn Việt Hải – Quyền Giám đốc KVS thời điểm đó - Hợp đồng ủy quyền. Tuy nhiên, sau đó, ngày 30/8/2013, thông báo từ KVS do ông Cao Văn Sơn ký cho biết: Ông Nguyễn Việt Hải đã tự ý bỏ việc tại KVS và không làm thủ tục bàn giao… Để tránh tình trạng tài sản đảm bảo bị sử dụng vì những mục đích trục lợi cá nhân của ông Hải, KVS đã đề nghị phía Đông Á làm thủ tục công chứng ủy quyền lại tài sản đảm bảo từ tên ông Nguyễn Việt Hải sang cho KVS.

Tuy nhiên, theo ông Đoan, cho đến nay, việc thực hiện chuyển ủy quyền này từ ông Nguyễn Việt Hải sang KVS chưa thể thực hiện được. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến Đông Á phải tạm dừng thực hiện hợp đồng tạm ứng vốn để giải quyết các vướng mắc pháp lý.

Quá trình này đã kéo dài từ 2013 đến nay mà không có tiến triển. Đến ngày 19/5/2015, KVS đã nộp đơn khởi kiện tranh chấp hợp đồng tạm ứng vốn ra TAND TP.Thanh Hóa để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Vì thế, ông Đoan cho biết, đến thời điểm này, Tổng công ty Đông Á chưa thể xác nhận số liệu công nợ hay bất kỳ một vấn đề nào khác liên quan đến Hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư. Bởi vì vụ việc đã đưa ra tòa án, nên mọi tranh chấp liên quan đến hợp đồng trên sẽ chờ phán quyết cuối cùng của tòa án…

Cũng liên quan đến thủ tục xử lý khoản nợ này, ngày 24/6/2015, Tập đoàn K&N Kenanga Berhad - cổ đông lớn nhất của KVS - đã gửi thư cho Tổng công ty Đông Á có nội dung: “Ông Cao Văn Sơn đã bị bãi miễn chức Chủ tịch HĐQT và đại diện pháp luật của KVS trong cuộc họp HĐQT tổ chức ngày 25/3/2013 và ông Wee Kim Hong đã được HĐQT bổ nhiệm là Chủ tịch HĐQT và đại diện pháp luật mới. Tuy nhiên, ông Sơn đã cố tình không bàn giao con dấu. Như vậy, tài liệu, công văn… nào được ông Sơn ký và đóng dấu KVS sau ngày 25/3/2013 đều được thực hiện không thuộc thẩm quyền của ông Cao Văn Sơn…".

Với những diến biến trên, cho đến thời điểm này, mọi tranh chấp quanh chiếc ghế chủ tịch KVS vẫn chưa có hướng giải quyết rõ ràng và những hệ lụy, hậu quả của nó ngày càng ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp, gây thiệt hại uy tín và tài sản cho các bên. Ngoài ra, từ đây làm nảy sinh những tranh chấp mới làm cho tình hình càng trở nên phức tạp.

Nhóm PV