- Con đường để các doanh nghiệp ngành giao thông thoát khỏi khó khăn chính là cổ phần hoá (CPH). Chương trình này đã và đang được Bộ GTVT triển khai với hàng loạt đơn vị thuộc ngành quản lý, nhưng tốc độ chậm như rùa.

Hiệu quả kinh doanh thấp

Theo báo cáo của Vụ Tài chinh (Bộ GTVT), trong số các tập đoàn và tổng công ty 91, ngoài hai “anh cả đỏ” Vinalines và Vinashin đang lâm vào tình cảnh thua lỗ nặng thì các doanh nghiệp còn lại cũng không thực sự sáng sủa.

Báo cáo cho thấy Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), trong năm 2012, do thị trường có nhiều diễn biến bất lợi, giá xăng dầu tăng cao so với kế hoạch nên hãng cũng gặp khó khăn. Vietnam Airlines chỉ đạt lợi nhuận 50,891 tỷ đồng doanh thu. Con số lợi nhuận sau thuế nếu so với với mức doanh thu của tổng công ty thì lãi quá ít.

Theo bà Đào Thanh Thảo, Vụ Phó Vụ Tài chính (Bộ GTVT), hiện tình hình thanh toán công nợ của Vietnam Airlins đang gặp khó, với số dư nợ lớn tập trung vào các khoản vay trung và dài hạn đổ vào mua tàu bay.

Ngoài ra, Vietnam Airlines tiếp nhận công ty CP hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) trong điều kiện tài chính của JPA rất khó khăn: lỗ lũy kế lớn trên 2.476 tỷ đồng, vốn sở hữu thực có của JPA bị âm; nợ quá hạn lớn; chưa kể khoản truy thu và phạt thuế số tiền 302 tỷ đồng.

{keywords}
Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DNNN ngành giao thông còn thấp.

Với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tình hình sản xuất kinh doanh được xem là “khá ổn định”, song mức độ tăng trưởng các năm thấp, hiệu quả kinh doanh không cao.Đối với các tổng công ty 90, khối hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ quản lý bay; cảng hàng không, tư vấn thiết kế; vận tải thủy nội địa và bảo đảm an toàn hàng hải nhìn chung hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, khối xây lắp kết quả kinh doanh còn hạn chế, ngoài việc phải cạnh tranh gay gắt để có việc làm, các DN này còn phải gánh nợ đọng lớn, kéo dài trong xây dựng cơ bản.

Việc thanh toán vốn chậm cũng làm cho các doanh nghiệp xây lắp gặp rất nhiều khó khăn do khi chưa thu được nợ, doanh nghiệp phải tự thanh toán lãi vay nợ ngân hàng. Trong đó, khó khăn nhất là Tổng công ty Xây dựng đường thủy với số lỗ lũy kế lớn.

Tương tự, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) lỗ tiềm ẩn trên 500 tỷ đồng; trong đó có 2 đơn vị trực thuộc (công ty 875 và công ty 892) hoạt động kinh doanh thua lỗ, mất hết vốn nhà nước, mỗi đơn vị nợ vay quá hạn khoảng 50 tỷ đồng...

CPH có cứu được doanh nghiệp?

Kế tiếp năm 2012, năm 2013, CPH đang được xem là cứu cánh đưa các doanh nghiệp ngành giao thông thoát khỏi khó khăn. Theo đó, 10 tổng công ty 90 và một tổng công ty 91 (Vinalines) được giao phải CPH trong năm 2013.

Tuy nhiên, theo bà Đào Thanh Thảo, việc CPH các doanh nghiệp giao thông cũng khốn khó.

Cụ thể, qua rà soát về tình hình kiểm kê xử lý các cơ sở nhà, đất, phương án sử dụng đất của 10 công ty mẹ - tổng công ty, có 136 cơ sở nhà đất phải phải thực hiện kiểm kê, trong đó có 21 cơ sở nhà đất doanh nghiệp chưa thực hiện kê khai... “Việc kiểm kê xử lý các cơ sở nhà đất bị chậm kéo theo tốc độ CPH ì ạch theo... ”, bà Thảo lo lắng.

Thêm vào đó, việc đối chiếu xác nhận 100% trên tổng số nợ phải thu, phải trả theo quy định đối với các công ty mẹ - tổng công ty khi thực hiện CPH cũng là trở ngại. Đây là cái khó mà một số đơn vị như Xây dựng công trình giao thông 5, Công nghiệp Ôtô Việt Nam... đang vấp phải khi mà khoản công nợ không thể đối chiếu được.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, CPH cần làm theo đúng lộ trình.Việc này phải được tiến hành đồng thời ở cả công ty mẹ và công ty con, nếu công ty con chưa xong thì CPH công ty mẹ trước rồi CPH công ty con sau.

Ông Thăng đánh giá việc Vietnam Airlines chủ động CPH là “một điển hình” và mong muốn các doanh nghiệp khác trong ngành noi theo. “Đây là đơn vị đặc thù, vốn lớn mà CPH thành công thì không đơn vị nào kêu ca do khó khăn cả”, ông Thăng nói.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Trưởng ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Bộ GTVT), tốc độ CPH doanh nghiệp giao thông chậm còn do 2 nguyên nhân: Các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, âm vốn chủ sở hữu, phải xử lý qua mua bán nợ; các quy định về đối chiếu công nợ, phê duyệt phương án sử dụng đất khi CPH doanh nghiệp nhà nước chưa phù hợp nhưng chậm sửa đổi. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành giao thông thấp.

Trong kế hoạch CPH, năm 2013, ngành giao thông tiếp tục thực hiện thủ tục phá sản cho 4 doanh nghiệp: Công ty xây dựng công trình 506 (Cienco5), Công ty Thương mại và Đầu tư GTVT (Vinamotor), các doanh nghiệp thuộc thuộc Vinashin và Vinalines. Triển khai các thủ tục bán hoặc phá sản đối với Công ty TNHH một thành viên Vận tải và Xây dựng.


Gia Văn