Tin bài liên quan:
Tàu phòng vệ bờ biển Trung Quốc gần đây đã chặn tàu tiếp tế của Philippines ở vùng tranh chấp Biển Đông. Ảnh: Straitstimes
Ngày 18/3, Trung Quốc và ASEAN đã gặp gỡ tại Singapore để xem xét việc tham vấn
về Bộ quy tắc ứng xử (COC) cùng với các cuộc đàm phán thực thi Tuyên bố ứng xử
(DOC) ở Biển Đông.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh khu vực ngày càng lo lắng trước sự quả quyết của
Trung Quốc khi theo đuổi các tuyên bố chủ quyền hàng hải. Chỉ một tuần trước đó,
Manila và Bắc Kinh lại xảy ra tranh cãi ngoại giao sau khi các tàu phòng vệ bờ
biển Trung Quốc chặn tàu tiếp tế của Philippines ở khu vực tranh chấp Biển Đông.
Ở phương diện rộng hơn, Trung Quốc đang không ngừng gia tăng các khả năng hàng
hải: sáp nhập các cơ quan hàng hải thành một lực lượng thống nhất (phòng vệ bờ
biển); đơn phương tuyên bố thành lập Vùng xác định Phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông
gồm cả quần đảo tranh chấp với Nhật
Tất cả động thái trên của Trung Quốc đã khiến Biển Đông trở thành vạc dầu châu
Á. Hình ảnh các thuỷ thủ Trung Quốc với khẩu hiệu Giấc mơ Trung Quốc, giấc mơ
của một đội quân mạnh mẽ trên boong tàu Liêu Ninh lại càng khiến căng thẳng
trong khu vực gia tăng về những ý đồ và chiến lược của Trung Quốc trong khu vực.
Thời điểm Trung Quốc - ASEAN thảo luận diễn ra trùng khớp với tình hình căng
thẳng ở Đông Âu xung quanh số phận của Crưm. Bán đảo này đã tổ chức trưng cầu
dân ý về việc gia nhập Nga. Những căn cứ quân sự của Ukraina tại Crưm nhanh
chóng bị áp đảo bởi lực lượng ủng hộ Nga.
Rõ ràng, Nga có lợi thế hơn ở Crưm. Họ thành công trong việc thúc đẩy các lợi
ích của mình thông qua việc kết hợp giữa sự quả quyết với việc chỉ trích châu Âu
và Mỹ. Hậu quả của chiến lược này với quan hệ giữa châu Âu và người Nga cũng như
sự ổn định tại Đông Âu vẫn chưa rõ ràng. Nhưng dù sao, cuộc khủng hoảng tại
Ukraina cũng đã cho thấy vũ lực đang thắng thế ngoại giao.
Điểm chung
Động thái của Nga, phản ứng của phương Tây hiện đang được Bắc Kinh và Đông Nam Á
theo dõi sát sao. Liệu vấn đề Crưm sẽ có ảnh hưởng tại Đông Nam Á trong bối cảnh
tranh chấp lãnh thổ hay không? Câu trả lời không thể rõ ràng. Nhưng dù sao, Crưm
và vấn đề Biển Đông vẫn có một số điểm chung. Nổi bật nhất là sự phức tạp trong
việc quản lý - tiến tới giải quyết - các tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là khi
câu chuyện liên quan đến một cường quốc đang trỗi dậy.
Điểm thứ hai, cả hai trường hợp đều nhấn mạnh đến tính cần thiết nhưng hiệu quả lại hạn chế của ngoại giao.
Đối mặt với một Trung Quốc phức tạp và mâu thuẫn, các quốc gia Đông Nam Á có thể cảm nhận được sự cấp bách từ diễn biến ở Crưm. Với ASEAN và các thành viên, câu hỏi cốt yếu đặt ra là liệu họ có thể thành công trong việc thuyết phục Trung Quốc về lợi ích lâu dài của ngoại giao hơn là sử dụng vũ lực.
Ngoại giao là quan trọng. Nó là kênh để các bên bất đồng hay khác biệt có thể giải thích rõ ràng lập trường, nhận thức về các lợi ích của họ, trao đổi, đàm phán và cuối cùng là tạo ra một con đường tháo gỡ căng thẳng, hướng tới ổn định vì lợi ích chung trong tương lai.
Tuy nhiên, nó cũng có hạn chế khi phụ thuộc vào cơ cấu và chức năng quyền lực trong hàng loạt công ước, hiệp ước có thể tạo điều kiện hay hạn chế thương thảo.
Trong trường hợp của Crưm và Biển Đông, thuận lợi đàm phán là thực tế các bên
liên quan kết nối với nhau thông qua hàng loạt lợi ích mạnh mẽ về kinh tế, chính
trị và thể chế. Còn tin xấu đó là mạng lưới lợi ích khá mong manh khi lịch sử
trở thành sự tự tôn, cảm xúc và lập luận. Đó là chưa kể những khác biệt nội bộ
trong EU và ASEAN có thể che mờ tầm nhìn chung mà các thành viên tìm cách thúc
đẩy, làm suy yếu vị thế đàm phán và hạn chế những chọn lựa ngoại giao sẵn có.
Vòng tham vấn tại Singapore về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông không có tiến bộ
nào đáng kể. Nó cũng không gây ngạc nhiên với nhiều chuyên gia khi lập luận rằng,
Trung Quốc sẽ không từ bỏ yêu sách chủ quyền của họ, cũng sẽ không thúc đẩy tiến
trình COC một cách nhanh chóng khi nghĩ nó sẽ tổn hại đến lợi ích quốc gia.
Crưm ở xa Biển Đông, và hai trường hợp chắc chắn rất khác nhau ở nhiều khía cạnh.
Nhưng động thái táo bạo của Nga cho thấy, vận dụng luật pháp quốc tế để kiềm chế
quyết tâm của một cường quốc không phải luôn luôn hiệu quả. Dù sự kiện ở Crưm
khiến các nhà ngoại giao Trung Quốc và ASEAN rút ra bài học thế nào tới nay vẫn
chưa rõ.
Chỉ biết rằng sự ra đời Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông là rất cấp thiết. Thành
công của bộ quy tắc ấy sẽ thể hiện tuyên bố trỗi dậy hoà bình của Trung Quốc
cũng như khả năng ngoại giao của ASEAN. Nỗ lực của cả hai bên nhằm tạo ra sự ổn
định và an ninh cũng sẽ là tin tức đáng hoan nghênh với một cộng đồng quốc tế
đang đối mặt với nhiều thách thức.
Thái An (theo Diplomat)