- Sống đến tuổi “gần đất xa trời” mà bà cụ Đặng Thị Hùng chưa ngày nào được người thân chăm nom, phụng dưỡng. Cụ đã 20 năm lủi thủi sống một mình trong gầm cầu thang bộ của khu tập thể Quỳnh Mai (Hà Nội) cũ kĩ với sự bao bọc của bà con láng giềng...
Số phận cô đơn
Đôi mắt kém nên cụ phải bám lấy bờ tường, lần từng bước yếu ớt ra đến kéo cánh cửa sắt bên trong, rồi lại cửa gỗ bên ngoài để mời chúng tôi vào.
Căn nhà nhỏ bừa bộn ngay cạnh cầu thang bộ nhưng chẳng mấy khi có vào nhà chơi hay dừng lại ngồi hỏi chuyện bà nên cụ Hùng khá dè dặt khi mở cửa cho khách lạ.
Cụ Hùng cô đơn trong "căn nhà" vỏn vẹn 4m2 dưới gầm cầu thang |
Gầm cầu thang này vẻn vẹn 4m2 chỉ đủ kê một chiếc giường nhỏ. Nhìn quanh quất trong nhà cụ có mỗi chiếc quạt con cóc từ lâu đã không sử dụng được gọi là “của đáng giá”. Dường như cụ sống tách biệt với cuộc sống xung quanh kể từ khi chuyện xuống đây.
Cửa phòng hướng ra lối đi khá lớn của khu tập thể nhưng chẳng bao giờ cụ mở cửa ngồi nhìn ra. Cửa đóng chặt suốt ngày, và cụ ngồi trên chiếc chăn cũ màu đất. Dù vào những ngày hè này, nhưng ánh sáng cũng không hắt tới được căn phòng của cụ, nó dường như tối tăm và trở nên nóng bức hơn.
Đồ đạc để bừa bộn lung tung dưới đất, quần áo treo vắt khắp nơi, nhưng cụ không cho ai động đến chúng.
Ngồi trên chiếc ghế đẩu, đồ vứt đi của hàng xóm ở hành lang, cụ Hùng mới chia sẻ cho chúng tôi câu được câu chăng về cuộc đời cô đơn, hiu quạnh của mình.
Cụ khò khè thở và thều thào nói: “Tôi tên là Đặng Thị Hùng, khoảng 80 tuổi, trước kia nhà tôi ở trên tầng 5 này này, tôi cũng chẳng nhớ tôi ở đây từ bao giờ. Từ ngày xuống đây tôi thấy buồn lắm”.
Cụ Hùng chỉ nhớ cụ là nhà cụ có ba người, bố mẹ mất lâu lắm rồi, và cụ không đi lấy chồng, không có một mụn con nào. Cụ có vài người cháu ở khu Đội Cấn, Khâm Thiên nhưng chẳng có ai đến thăm nom cụ cả. Chúng tôi gặng hỏi: “Quê cụ ở đâu”. Cụ chỉ nói: “Quê bố ở làng Tam Đa, quê mẹ ở Uông Bí, hay Ninh Bình gì đó…”.
Tỉ tê với bà cụ gần nửa ngày trời, chúng tôi biết tình cảnh éo le bị lừa hết tiền bạc, lừa nhà cửa của cụ. Rồi cái nhà trên tầng 5 đó, bị bán đi bán lại đến mấy đời chủ mà vẫn chẳng thấy đứa cháu nào bén bảng đến thăm.
Chị Nguyễn Thị Hường, chủ căn nhà liền kề nhanh nhảu góp chuyện: “Cụ Hùng ở đây đã được khoảng 20 năm rồi, trước kia tôi ở trên tầng 2 khu tập thể này, mới chuyện xuống đây được 2 tháng và làm hàng xóm, bầu bạn với cụ. Hoàn cảnh của cụ tội lắm. Nghe người già khu này kể rằng, trước kia cụ là con một của gia đình cũng khá giả. Sau khi bố mẹ mất, cụ cũng không lấy chồng, nên giờ cũng không có con cái, một mình sống trên căn nhà trên tầng 5”.
“Đời lắm cái khốn nạn, không biết thằng cháu nào của cụ, nó lừa cụ bán căn nhà đó đi. Từ ngày đó, cụ bơ vơ không nhà không cửa, không ai đón cụ đi cả. Thương tình, tổ dân phố dọn dẹp, sửa sang lại căn gầm cầu thang này cho cụ ở”, chị Hường tiếp lời.
Mất nhà, mất hết đồ đạc, giấy tờ, cụ Hùng trở thành người vô gia cư, chuyển xuống gầm cầu thang.
Ước mơ được trở về nhà
Chị Hường hàng xóm với cụ Hùng |
Nhìn chiếc quang gánh cũ kĩ và mấy chiếc thùng xốp xếp gọn bên lối đi lên cầu thang bộ, cụ Hùng nhớ lại: “Năm kia, tôi vẫn còn đi chợ bán rau, nhưng giờ thì hay mệt lắm. Ngồi ngay đầu chỗ đầu chợ, ra đó đông vui cũng có người trò chuyện đỡ buồn. Giờ người ta xây cái cửa hàng ở chỗ đó, người ta bảo tôi nghỉ bán, mỗi tháng biếu tôi 1 trăm nghìn…”.
Trước còn khỏe cụ còn tự làm mọi việc, nhưng hai năm nay cụ sống nhờ sự cưu mang của bà con láng giềng.
Nhà cụ chỉ có một chiếc bóng điện được mắc điện nhờ bà Hòa hàng xóm. Không gian trước hiên nhà cụ là chỗ để đồ đạc cũ còn dùng được người ta vứt đi, cụ giữ lại để làm dùng.
Chẳng có nhà vệ sinh và nhà tắm, mỗi lần tắm giặt, chị Hường hàng xóm lại tất tả xách nước ra trước hiên nhà giúp cụ.
Đến mỗi giờ cơm, cụ lại lóc cóc đi bộ ra đầu chợ Quỳnh Mai mua cơm bụi, mua nước uống. Thấy cụ già tội nghiệp, không ai chăm sóc, vợ chồng anh Nguyễn Xuân Bình, trông xe đầu ngõ thương tình dắt cụ vào nhà mời cụ ăn cơm, lúc nào cũng có sẵn một phích nước nóng cho cụ.
Đã tròn 2 năm, vợ chồng anh cưu mang cụ, mỗi ngày một bữa anh chị mang đến tận nhà biếu cụ. Cụ nghẹn ngào chia sẻ: “Vợ chồng anh Bình trông xe đầu ngõ tốt lắm. Mỗi ngày anh mang cho tôi một bát cơm, mà tôi chỉ dám nhận một bát cơm thôi, tôi ăn cũng không hết nữa. Tôi cũng ngại lắm, chẳng dám xin ai”.
Khi thì bữa trưa, khi thì bữa tối, có khi anh chị Bình bận quá, cụ cũng nhịn đói luôn, đóng kín cửa ai gọi cũng không mở.
Bà con hàng xóm rất lo lắng cho sức khỏe của cụ, chỉ sợ cụ 'đi' lúc nào mà không ai biết, vì ngày nào cụ cũng đóng cửa cả ngày lẫn đêm.
Chị Hường hàng xóm thổ lộ: “Đêm qua cụ không mở cửa, đến giờ cơm, tôi gọi nhưng cụ không ra. Trong đó vừa nóng bức, ẩm mốc, người khỏe cũng ốm chứ nói gì đến bà già”.
Bao lần tổ dân phố vận động cụ vào trại dưỡng lão, hay có ý đón cụ vào chùa Bồ Đề, nhưng cụ không đồng ý. Mỗi tháng người đại diện phường đến biếu cụ đầy đủ thuốc men và 150 nghìn để cụ mua cơm ăn.
Chị Vương Thị Sáu, vợ anh Bình nhớ lại ngày người trên phường đến vận động cụ vào trại: “Cụ nhất định không đi đâu hết, cụ bảo vào đó người ta bắt cụ đi nhổ cỏ, làm việc cụ sợ lắm. Đã 10 năm tôi sống ở đây mà không lần nào thấy có người nhà đến thăm cụ. Tết nhất cụ cũng lủi thủi một mình”.
Cụ tâm sự với chúng tôi là muốn được trở về quê bố sống nốt những ngày cuối đời. Nhưng liệu mong ước của cụ có trở thành hiện thực khi cụ không thể nhớ quê ở đâu, còn các cháu lại là những người thờ ơ, vô cảm.
Quang Anh - Thanh Hòa