Tại Tân Dao, thuộc quận Tùng Giang, Thượng Hải (Trung Quốc), những người hàng xóm đều biết câu chuyện về bà Châu cần mẫn chăm chồng, ông Tứ, người sống thực vật suốt nhiều năm qua. Sự việc xảy ra từ năm 2004, trước đêm Giao thừa, lúc ấy, bà Châu (57 tuổi), dùng bữa tối cùng con cái. Sau đó, người phụ nữ đến trực cùng với chồng, ông Tứ (60 tuổi), ở phòng bảo vệ.
Tai họa ập đến, cả gia đình quyết không bỏ cuộc
Đến nửa đêm, bà Châu cảm thấy không được khỏe và được gia đình đưa đến bệnh viện còn ông Tứ vẫn ở phòng trực làm việc. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bà Châu bị ngộ độc khí metan nhưng thời điểm ấy, mọi người không suy nghĩ gì nhiều. Sau đó, các con của ông bà bận rộn thay phiên nhau chăm sóc mẹ.
Đến ngày mùng 3 Tết, gia đình mãi không liên lạc được với ông Tứ nên đã chạy đến phòng bảo vệ tìm kiếm. Lúc này, họ phát hiện người đàn ông trong tình trạng sùi bọt mép và bất tỉnh từ lâu. Tại bệnh viện, bác sĩ xác nhận ông Tứ cũng bị nhiễm độc khí metan. Theo điều tra, có một vụ rò rỉ khí metan ở tầng hầm, ngay cạnh phòng bảo vệ.
Thật không may, ông Tứ đã hít phải rất nhiều khí độc, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe. Lúc này, bác sĩ tuyên bố ông Tứ đã rơi vào trạng thái thực vật. Các thành viên trong gia đình ông đều bật khóc khi hay tin dữ. Tuy vậy, họ đều nhất trí không bao giờ từ bỏ việc điều trị và chăm sóc người đàn ông.
Luôn đồng hành bên nhau
Ông Tứ điều trị tại bệnh viện gần nhà trong 3 tháng, sau đó ông được chuyển đến bệnh viện khác xa hơn để điều trị thêm nửa năm nữa. Về sau, ông Tứ tiếp tục được đưa đến bệnh viện quân y và ở đó trong khoảng 5-6 năm. Từ nhà đến bệnh viện là một chặng đường khá dài, bà Châu quyết định chuyển đến nhà con trai, khá gần đó, để sinh sống và thuận tiện vào viện chăm sóc chồng.
Mỗi buổi sáng, bà Châu đến bệnh viện lúc 5h và chỉ rời đi lúc 22h. Các bệnh nhân xung quanh nhìn thấy đều nể phục sự cần mẫn và chăm chỉ của người phụ nữ này. Dù đã lớn tuổi, bà Châu vẫn di chuyển đều đặn, đến bệnh viện thăm nom chồng. Vào một ngày, bà trượt chân và bị thương trên đường trở về nhà.
Vì sự an toàn của mẹ, đến năm 2011, các con ông Tứ quyết định để bố xuất viện và đưa ông về nhà điều trị. Bà Châu cho biết trong thời gian đi lại ở bệnh viện, bà đã học được cách chăm sóc chồng như thay quần áo, vỗ lưng, bón đồ ăn, thay ga giường… từ các y tá. Chính vì vậy, khi đưa chồng về nhà, người phụ nữ dễ dàng chăm sóc ông Tứ hơn.
Vào thời điểm đó, bà Châu đã 63 tuổi, không còn được khỏe mạnh. Mặc dù vậy, bà luôn cố gắng chăm sóc chồng chu đáo nhất. Người phụ nữ còn nhờ các con tìm kiếm trên mạng về những cách chăm sóc bệnh nhân sống thực vật. Mọi thứ không hề đơn giản, ngay cả việc ăn uống cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ.
Hằng ngày, bà Châu nghiền rau, trộn với bột gạo trẻ em, khuấy thật đều và để nguội đến khoảng 30 độ C, hút thức ăn vào ống tiêm để đưa vào cơ thể người chồng. Người phụ nữ cho biếtmthức ăn không được quá nóng vì dạ dày của ông Tứ không thể chịu nổi.
Tình yêu trọn vẹn suốt 20 năm không thay đổi
Ngày qua ngày, bà Châu vẫn kiên trì chăm sóc người chồng thực vật mà không một lời kêu ca, phàn nàn. Các con, họ hàng, bạn bè thân thiết đều cảm động và khâm phục nghị lực của bà Châu.
Người phụ nữ từng cho hay: “Tôi không thể làm gì khác được. Ông ấy là người chồng, người cha của gia đình. Dù tôi có phải tiêu hết tiền tiết kiệm, tôi cũng phải cứu ông ấy”.
Từ khi mái tóc còn đen cho đến lúc tóc đã bạc, bà Châu vẫn luôn tin tưởng một ngày nào đó, ông Tứ sẽ tỉnh lại. Cụ bà nay 77 tuổi cho hay đã từng xem một trường hợp tương tự ở trên tivi, bệnh nhân sống thực vật được gia đình chăm sóc chu đáo và tỉnh lại ở tuổi 90.
Giờ đây, khi người đàn ông đã 80 tuổi, bà Châu tin rằng chồng mình sẽ sớm khỏi bệnh. Bà từng nói với người thân, bạn bè khi họ đến thăm: “Lão Tứ là một người đàn ông tốt, ông ấy luôn yêu thương tôi. Cuộc đời lão Tứ đã không được hạnh phúc trọn vẹn. Tôi cần chăm sóc thật tốt để ông ấy có một tuổi già bình yên”.