- Tiếp tục thảo luận báo cáo kinh tế - xã hội tại tổ chiều nay (22/5), các ĐB nhận định Chính phủ chưa xử lý hài hòa mối quan hệ giữa ưu tiên kiềm chế lạm phát và tăng trưởng.

{keywords}

Đại biểu QH có cả ngày 22/5 thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Anh Dũng

“Có phải ta đang hy sinh tăng trưởng để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát?”, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Huỳnh Văn Tí đặt câu hỏi.

“Để kiềm chế lạm phát, nhiều công trình rất bức xúc ở địa phương bị cắt hàng loạt, gây lãng phí rất lớn”, ông Tí phân tích. “Tỉnh tôi có những công trình chỉ cần bơm thêm một ít tiền là hoàn thành ngay, phát huy ngay, kinh tế và đời sống nhân dân sẽ vực dậy ngay, đặc biệt là thủy lợi. Ví dụ, công trình đầu mối xong rồi nhưng các tuyến kênh thì chưa, trên này nước tràn, dưới này thanh long chết cháy, người dân khát nước, bí quá phải bung ra làm, đành nợ tiền doanh nghiệp”.

“Hiện chưa có một thống kê thấu đáo, đầy đủ nào về việc dừng đầu tư trên cả nước bị lãng phí bao nhiêu, để lại hậu quả gì”, ĐB Bình Thuận băn khoăn.

Biết đây là một nhiệm vụ khó khăn cho công tác điều hành, không thể vội vàng thúc bách, nhưng ông Tí đề nghị Chính phủ nghiên cứu nghiêm túc: “Lạm phát năm nay có thể 9,9% cũng được, nhưng hãy đầu tư ngay vào những công trình sẽ phát huy hiệu quả”.

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (TP.HCM) cũng nhận định: “Cứ giữ kiểm soát lạm phát chưa chắc là hay, kích cầu mới có chuyện tiền đẻ ra tiền. Cứ bóp chặt, giữ con số thế này thì không phát triển. Đích cuối cùng là sản xuất khơi thông, kinh tế phát triển thực chất, con số đưa ra chỉ là định hình mục tiêu”.

Không thấy ai sốt ruột

Một lần nữa các ĐB bày tỏ không hài lòng về phần đánh giá trong báo cáo của Chính phủ về các vấn đề xã hội, văn hóa.

“Báo cáo của Chính phủ lần nào cũng như lần nào, chưa phân tích được những điều xã hội đang cần và cử tri đang bức xúc, mà có thể thấy rõ qua bản báo cáo kiến nghị của cử tri do Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm đọc ngày khai mạc kỳ họp”, Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ nhận xét.

“Những bức xúc của nhân dân về đời sống khó khăn, sự xuống cấp của đạo đức xã hội, kỳ họp nào cũng nói nhưng vẫn chưa thấy Chính phủ chỉ ra giải pháp, hay là không muốn nhắc tới nữa chăng?”, ông Huệ băn khoăn.

ĐB Huỳnh Văn Tí lấy ví dụ: Chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm đang vô cùng bức xúc, người dân không biết ăn gì ở đâu cho an toàn, các ĐB thì nói đùa “chỉ biết ăn ở Nhà khách QH là yên tâm nhất”. Vậy mà báo cáo chỉ nêu một câu “tăng cường nâng cao kiểm tra chất lượng”.

“Như thế là chưa đủ ‘đô’ và không giải đáp được bức xúc trong cuộc sống. Cách làm báo cáo này cũng tương tự với các vấn đề xã hội khác, như việc dạy thêm học thêm tràn lan. Vấn đề này đụng chạm đến mọi gia đình mà QH gần như chưa bàn lần nào”, ông Tí nói.

Tổng biên tập báo Nhân dân Thuận Hữu thì chỉ ra “thảm họa văn hóa” khi truyền hình nói riêng và đời sống xã hội nói chung bị xâm lăng văn hóa từ nước ngoài.

“Quản lý nhà nước về văn hóa thực sự rất đáng buồn, rất đáng báo động. Trong khi văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực thế mà chúng ta buông lỏng. Nhưng không thấy ai sốt ruột, báo cáo Chính phủ không nói gì”, ông Hữu nói.

Theo trưởng đoàn ĐBQH Bình Thuận, báo cáo của Chính phủ về các vấn đề xã hội văn hóa nên chọn lựa những vấn đề trọng tâm, bức xúc nhất để QH tập trung bàn và giám sát đến nơi đến chốn.

Các ĐB sẽ thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại hội trường ngày 30/5.

X.Linh - C.Quyên - T.Chung