Có thể nói Facebook đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống của người dân Việt Nam. Ban đầu chỉ là thú chơi của giới trẻ nhưng đến nay độ tuổi sử dụng Facebook đã phổ biến rộng khắp. Rất nhiều bậc trung niên, thậm chí cao niên cũng nhờ con cháu tạo tài khoản để có chỗ giao lưu với bạn bè.

Do ít am hiểu về công nghệ thông tin, những người lớn tuổi sử dụng Facebook dễ trở thành mục tiêu tiềm năng cho các băng nhóm lừa đảo trên mạng.

Có những mánh lừa được dùng đi dùng lại, tưởng chừng như quá cũ nhưng thỉnh thoảng vẫn có người mắc bẫy.

Lừa chuyển tiền, mua thẻ cào điện thoại 

Đây là hình thức lừa đảo phổ biến nhất trên Facebook. Bằng cách giả mạo người thân, người quen của nạn nhân, những tên lừa đảo nhắn tin nhờ giúp chuyển tiền gấp để trả nợ hoặc mua thẻ cào điện thoại. Với những người am hiểu, mánh khóe này lộ ra ngay sau vài câu nói.

{keywords}
Giả mạo tài khoản người nổi tiếng đứng ra nhận tiền ủng hộ. Ảnh: Facebook

Tuy nhiên, nếu ai mới tiếp xúc với Facebook thì có nguy cơ mắc lừa cao hơn. Nhất là đối với các bậc cha mẹ thường hay thương con thương cháu, sẽ gửi thẻ điện thoại ngay khi thấy con cái có việc nhờ.

Lập tài khoản giả nghèo xin ủng hộ

Các câu chuyện, hoàn cảnh thương tâm thường được chia sẻ rất nhanh trên Facebook. Tuy nhiên, không ít trường hợp trong số đó là giả mạo để lừa tiền của các Mạnh Thường Quân.

Cách thức xây dựng các tài khoản giả mạo này khá công phu. Dù là Facebook ảo nhưng trong danh sách bạn bè cũng có mấy trăm người. Các hoạt động hàng ngày được cập nhật đều đặn.

Và trong những bài viết kêu gọi quyên góp ủng hộ, thường có nhiều tài khoản ảo khác làm vai trò chân gỗ, bày tỏ sự thương cảm với nhân vật, đưa hình ảnh chứng minh đã gửi tiền giúp đỡ để lôi kéo người làm cùng.

{keywords}
Do ít am hiểu về công nghệ thông tin, những người lớn tuổi sử dụng Facebook dễ trở thành mục tiêu tiềm năng cho các băng nhóm lừa đảo trên mạng (ảnh minh họa)

Đến khi sự việc vỡ lở, những tên lừa đảo này cũng đã kiếm được một khoản kha khá. Chúng chỉ việc thay đổi tên, hình ảnh trên Facebook để tiếp tục đi lừa các nạn nhân khác.

Lừa mua hàng giả kém chất lượng

Đây cũng là chiêu thức hay được áp dụng với những người cao tuổi.

Trên Facebook có các tài khoản bán hàng với giá rẻ bất ngờ hoặc sản phẩm thuốc với lời quảng cáo như thần dược. Nhìn bề ngoài thì người mua bán, comment tương tác tấp nập tuy nhiên đây chỉ là các lượt like ảo, comment ảo để lòe những người cả tin. Nếu trót mua các sản phẩm này thì chỉ có tiền mất, tật mang.

Một số trường hợp người sử dụng để lộ tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ nhà khi mua hàng qua Facebook tạo điều kiện cho kẻ gian đến tiếp cận.

Cho số lô đề, phát lộc

Mánh lừa này đã có từ hàng chục năm trước. Thay vì gọi điện thoại đến từng người gạ gẫm, những kẻ lừa đảo dùng tài khoản Facebook để bán số trúng lô, đề. Tất cả các giao dịch bằng thẻ cào điện thoại. Nếu kết quả trượt, người mua số phàn nàn thì lập tức chúng sẽ chặn liên lạc. Còn ăn may được trúng số đề, chúng sẽ vòi vĩnh thưởng thêm.

Lừa bấm vào link virus, phần mềm độc hại

Nếu gia đình bạn có cha mẹ đang sử dụng Facebook, hãy khuyến cáo họ không nên bấm vào các bài viết có nội dung giật gân, câu view, bài viết có nguồn từ các trang không chính thống. Tuyệt đối tránh các chuyên trang hay đưa hình ảnh tai nạn thảm khốc, mê tín dị đoan, bắt ma trừ quỷ v.v... bởi đây là mảnh đất màu mỡ để các tin tặc phát tán link virus, phần mềm độc hại.

Thông qua các virus này, tin tặc có thể chiếm quyền điều khiển Facebook, lấy trộm mật khẩu email hoặc tệ hơn là ăn cắp tiền trong tài khoản.

Nếu có thể hãy sắm cho bố mẹ một máy tính riêng, cấu hình vừa phải để sử dụng, không làm việc hay thực hiện các giao dịch điện tử quan trọng trên máy này.

Ngân Vũ