Huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019, theo Quyết định số 1359/QĐ-TTg ngày 1/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Kết quả này tạo có hích để huyện bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện được đầu tư xây dựng liên tiếp, tạo nhiều chuyển biến tích cực, đổi mới diện mạo nông thôn. Từ đó, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, kinh tế tăng trưởng khá, các lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh quốc phòng đảm bảo giữ vững, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, diện mạo nông thôn thật sự đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Đến nay, toàn huyện có 9/9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó xã NTM Trung An được công nhận là xã NTM nâng cao. Huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM.

Trục đường chính đi qua huyện Cờ Đỏ.

Chia sẻ về quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, tỉnh Cần Thơ Nguyễn Trường Thọ cho biết, toàn huyện có hơn 28.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, gần 70% người dân sống bằng nông nghiệp. Những năm qua, Huyện ủy chỉ đạo các ngành quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, quan tâm hỗ trợ nhân dân về khoa học kỹ thuật, vốn, xây dựng mô hình cánh đồng lớn để sản xuất lúa đạt chất lượng xuất khẩu; đồng thời, chỉ đạo các ngành hỗ trợ người dân trong sản xuất và bao tiêu nông sản.

Trên cơ sở xác định thế mạnh là sản xuất lúa chất lượng cao, Cờ Đỏ đã chỉ đạo ngành nông nghiệp triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sản lượng lúa bình quân hằng năm đạt 400.000 tấn, có trên 95% là lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Diện tích cánh đồng lớn tăng theo từng năm, đến nay huyện có hơn 32.500 ha, có 12 doanh nghiệp bao tiêu.

Từ năm 2011, với số tiền huy động hơn 5.800 tỷ đồng để xây dựng NTM, huyện đã ưu tiên đầu tư hoàn thiện các công trình phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh như hệ thống thủy lợi, đê bao, cầu, đường giao thông nông thôn, các thiết chế văn hóa. Nhờ đó, hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,32%; hộ sử dụng nước sạch đạt 92,01%...

Đáng chú ý, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện Cờ Đỏ đạt 48,2 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 0,81%.

Có được kết quả này là do huyện đã phát triển khá hiệu quả mô hình kinh tế vườn, tạo doanh thu và lợi nhuận gấp 3-5 lần so với trồng lúa. Song, về sự phát triển kinh tế vườn còn bộc lộ những hạn chế: Quy mô còn nhỏ lẻ; chưa có nhà xưởng sơ chế, bảo quản và nhà máy chế biến nên ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị; thiếu sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, sản phẩm chủ yếu bán cho thương lái nên giá cả bị lệ thuộc và không ổn định...

Ðể khắc phục trình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ, đầu ra thiếu ổn định, huyện đã và đang tích cực hỗ trợ, khuyến khích nông dân tăng cường liên kết thành lập các HTX nông nghiệp để thuận lợi trong kết nối với doanh nghiệp.

Nhận thức được tầm quan trọng của mô hình kinh tế hợp tác, từ năm 2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Cờ Ðỏ đã xây dựng và ban hành Ðề án về phát triển kinh tế tập thể và kinh tế vườn huyện Cờ Ðỏ giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể và nông nghiệp tại địa phương.

Toàn huyện hiện có 4 HTX nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt theo tiêu chuẩn VietGAP đối với lúa, cây ăn trái và thủy sản, 3 HTX đã đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Cùng với đó là 307 THT hoạt động trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, cánh đồng lớn và dịch vụ bơm tưới. Các HTX và THT nông nghiệp đã phát triển nhiều dịch vụ phục vụ cho thành viên và liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nông dân và cung ứng vật tư đầu vào với chất lượng đảm bảo và giá cả phù hợp.

Tuy có sự quan tâm và đạt được một số kết quả, nhưng nhìn chung sự phát triển kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế. Hầu hết các HTX chưa có trụ sở riêng, cơ sở vật chất nghèo này, máy móc, thiết bị hoạt động đơn giản, thiếu vốn và còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước,...

Trước thực trạng đó, huyện đề ra phương hướng: Phát phát triển kinh tế tập thể với xây dựng và nâng chất các xã NTM; khơi dậy tinh thần đoàn kết để nông dân vượt qua rào cản nhằm thúc đẩy hợp tác sản xuất và hội nhập phát triển. Đối với các HTX nông nghiệp phải đảm bảo hoạt động sản xuất theo nhu cầu thị trường, theo chuỗi giá trị, ứng dụng tốt thành tựu khoa học - công nghệ, cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường, từ đó nâng cao thu nhập cho thành viên HTX và người dân. Đối với các HTX phi nông nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu thị trường, thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

Bên cạnh đó, huyện đặt ra các mục tiêu cụ thể. Đối với HTX nông nghiệp: Giai đoạn 2020 - 2025 xây dựng hoàn thiện 15 HTX với 50% HTX có doanh thu trên 1,5 tỷ đồng/HTX/năm, có liên kết bao tiêu sản phẩm, có đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, mã vạch, chỉ dẫn địa lý, có truy xuất nguồn gốc...; giai đoạn 2025 - 2030 phát triển thêm 10 HTX nâng tổng số lên 45 HTX, trong đó có 2 - 4 HTX trồng màu và 1 HTX nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao. Đối với các HTX phi nông nghiệp, giai đoạn 2020 - 2025 phát triển thêm 4 HTX với doanh thu trên 2,5 tỷ đồng/HTX/năm, 100% HTX được đánh giá hàng năm, trong đó có trên 80% đạt hiệu quả; giai đoạn 2025 - 2030 phát triển thêm 6 HTX nâng tổng số lên 14 HTX.

“Cờ Đỏ sẽ vận dụng hiệu quả các chính sách khuyến khích, ưu đãi tạo điều kiện để HTX phát triển phù hợp với thực tiễn, gắn việc củng cố, phát triển HTX với chương trình xây dựng NTM, với yêu cầu phát triển kinh tế tập thể trở thành một trong những thành phần kinh tế trọng tâm của huyện”, đại diện UBND huyện cho biết.

Yến Hưng