Huyện Cư Jút hiện có 23 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống, mỗi dân tộc đều mang một bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng các vùng miền. Với việc thực hiện các nội dung Dự án 6 đã góp phần tạo thêm nguồn lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.
Cùng với việc duy trì tổ chức định kỳ Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, tái hiện nghi lễ cúng bến nước, lễ rước K’pan, lễ lên nhà mới... tạo nên không khí tươi vui, đoàn kết giữa các dân tộc, công tác tuyên truyền để xây dựng phong trào bảo tồn văn hóa tại cơ sở luôn được quan tâm thực hiện.
Huyện cũng khuyến khích, động viên các già làng, nghệ nhân, trưởng buôn phát huy vai trò trong việc vận động con cháu gìn giữ tiếng nói, trang phục của dân tộc mình. Trên thực tế, nhiều nghệ nhân đã đứng ra truyền dạy, nhờ đó cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm vẫn được duy trì, phát triển.
Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cư Jút, hiện nay trên địa bàn huyện có 1 câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng cấp huyện; 3 đội cồng chiêng của các bon, buôn; 4 CLB đàn Tính hát Then; 2 CLB dân ca Quan họ Bắc Ninh... Ngoài việc tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc, dân ca cho thanh thiếu niên tại các bon, buôn, địa phương còn đưa đàn Tính hát Then vào giảng dạy ở một số trường học.
Đặc biệt, CLB đàn Tính hát Then của các xã Nam Dong, Đắk D’rông đã đại diện cho tỉnh tham gia liên hoan toàn quốc tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, đạt được nhiều kết quả khích lệ.
Để triển khai Dự án 6 “Về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, công tác tuyên truyền được huyện Cư Jút chú trọng và tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức. UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo để kịp thời trao đổi, nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong năm 2022, từ nguồn kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng được phân bổ (trong đó địa phương đối ứng 351 triệu đồng), huyện Cư Jút đã hỗ trợ xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số buôn Nui, xã Tâm Thắng - nơi gắn với điểm du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Địa phương đã hỗ trợ bảo tồn văn hóa đàn tính, hát then của dân tộc Tày, Nùng tại 4 xã: Nam Dong, Đắk D’rông, Cư K’nia, Ea Pô.
Năm 2023, từ nguồn kinh phí hơn 700 triệu đồng được phân bổ, Cư Jút đầu tư điểm đến du lịch thôn Phú Sơn, xã Ea Pô và công trình buôn văn hóa truyền thống gắn với điểm đến du lịch buôn Buôr, xã Tâm thắng. Hiện nay, 2 xã đang xây dựng kế hoạch thực hiện.
Theo ông Vũ Văn Bính, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút, Dự án 6 đã tạo thêm nguồn lực để địa phương đẩy mạnh các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.
Tại buổi giám sát việc triển khai thực hiện Dự án 6 ở huyện Cư Jút, đồng chí Hà Thị Hạnh, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Đắk Nông cho rằng, huyện Cư Jút có 50% số dân là dân tộc thiểu số, nên việc gìn giữ văn hóa truyền thống trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng.
Trên cơ sở kết quả bước đầu thực hiện dự án, huyện Cư Jút tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa hơn nữa công tác tuyên truyền, để người dân hiểu được tầm quan trọng của Dự án 6 đối với bảo tồn, gìn giữ các giá trị truyền thống dân tộc thiểu số nói riêng và các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung. Việc triển khai Dự án 6 là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên địa phương cần huy động mọi nguồn lực, nhân lực để thực hiện hiệu quả.