Trước đây, ĐBSCL có những nơi được mệnh danh là những “cù lao tỷ phú”, nhờ nghề nuôi cá tra phát đạt. Tuy nhiên, hai năm gần đây, con cá tra lien tục bị bầm dập trong khó khăn vì thiếu vốn, tắc đầu ra… và đòn tăng thuế bán phá giá mới đây từ Mỹ khiến cho con cá tra mắc cạn. Tình thế này đã biến nhưng vùng đất trước đây ăn nên làm ra lại xơ xác vì nợ nần.

Vỡ mộng với vốn ảo

Hiên tại người dân nuôi cá tra đang phải lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do thua lỗ và cảnh những “cái ao bạc tỉ” bị bỏ hoang không còn là cảnh hiếm. Những người nuôi cá tra còn trụ lại vốn đã vất vả lao đao vì giá cá liên tục sụt giảm trong khi giá thức ăn tăng nhanh, ngân hàng làm áp lực thu hồi nợ.

Với việc doanh nghiệp xuất khẩu bị “khống chế” sau đợt POR8 vừa rồi khiến người nuôi cá tra lâm vào cảnh “họa vô đơn chí”. Tuy nhiên nhìn nhận ở một góc độ rộng thì ngành cá tra không chỉ khó khăn từ thị trường Mỹ mà đang bị đẩy vào tình thế “thập diện mai phục” trong suốt một thời gian dài.

Cá tra Việt Nam có lợi thế rất lớn, với 2 đặc tính ngon và rẻ, đã có mặt khắp nơi, nhất là thị trường Châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên cách đây 2 năm thị trường xoay chuyển theo một diễn biến xấu. Nguyên nhân là do thị trường đã bão hoà, các nước nhập khẩu đang tìm cách này hay cách khác để cắt giảm, nhằm ổn định thị trường. 


Hiện tốc độ phát triển cá tra nhanh hơn tốc độ phát triển thị trường. Trong khi thị trường Nga đã chững lại, còn Mỹ lại đưa ra Luật Nông nghiệp (Farm Bill) để hạn chế nhập khẩu. Các thị trường khác như Ai Cập, Trung Đông trước đây không có vấn đề gì, nhưng hiện nước sở tại lại muốn đưa ra rào cản cho cá tra. Thị trường Italia và Tây Ban Nha cũng có biện pháp phòng vệ. Những năm trước cá nuôi nhiều mà không có đầu ra nên bị chững lại, giá cả sụt giảm liên tục.

Ngoài những rào cản ký thuật, trong hai năm nay điểm dễ nhận thấy nhất trong những khó khăn chung của ngành là hộ nuôi cá tra lại rất chật vật trong việc tiếp cận đồng vốn ngân hàng. Gần một năm trước các doanh nghiệp và hộ nuôi cá tra như cởi được tấm lòng vì được đích thân Thủ tướng Chính phủ thông qua gói hỗ trợ 9000 tỷ đồng trong lúc khó khăn.

Thông tin này thực sự đã mang đến nhiều hi vọng ngay thời điểm công bố thì đến nay lại gây thất vọng hoàn toàn về tiến độ giải ngân quá chậm. Mới đây nhiều người còn giật mình với thông tin dư nợ tín dụng cho ngành lên tới 38.000 tỷ đồng. Tuy nhiên người trong cuộc vẫn mờ mắt tìm kiếm con số thật.

Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) trao đổi cho biết, vẫn có rất ít DN và người dân tiếp cận được gói hỗ trợ. Trong khi đó doanh nghiệp sản xuất cá tra vẫn đang vùng vẫy trong “ao cạn” bởi sức ép từ giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Việc hỗ trợ dường như vẫn còn năm nằm trên giấy.

Một trong những điều kiện để được vay vốn là người vay phải có hoá đơn đầu vào. Thế nhưng, các cơ sở cung cấp thức ăn, thuốc thú y, hoá chất xử lý đều không có hoá đơn. Mặt khác, rất nhiều hộ do chưa trả xong nợ cũ nên khó vay vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hỗ trợ tín dụng trong năm 2012 của hệ thống ngân hàng chưa phù hợp, chưa gắn với chu trình sản xuất, chủ yếu cho vay dựa vào thế chấp và việc định giá tài sản thế chấp lỗi thời, thời hạn cho vay ngắn 4 tháng, không đáp ứng đủ yêu cầu vốn cho sản suất và chế biến, đã đẩy hoạt động sản xuất và chế biến cá tra vào thế bất lợi.

Để tự cứu mình trong ngắn hạn, đa số doanh nghiệp và người nuôi phải bán sản phẩm dưới giá thành, dẫn đến thua lỗ, giảm về giá trị xuất khẩu, trong khi sản lượng sản xuất và chế biến vẫn tăng. Với cách làm ăn vào thịt của mình liệu cá tra có đủ sức để vượt qua khó khăn hiện nay.

Bi kịch ‘nội chiến’


Ở thị trường trong nước “nội chiến” vẫn chưa thể hạ nhiệt giữa doanh nghiệp và người nuôi. Cũng dễ hiểu khi một lãnh đạo tỉnh An Giang từng chia sẻ, 95% sản lượng cá tra toàn cầu là do Việt Nam cung cấp, không có ai cạnh tranh với Việt Nam nhưng các doanh nghiệp trong nước đua nhau hạ giá khiến giá sụt giảm mạnh.

Hiện nay, doanh nghiệp chỉ mua cá có trọng lượng từ 800gr đến 900gr. Như vậy cứ một ao cá người nuôi mất từ 30% đến 35% thu nhập từ những con cá không đủ chuẩn, đó là chưa kể người nuôi phải bị trừ 500 đồng/kg cá, được cho là quá kích cỡ. Giá thức ăn cho cá tăng nhanh khiến nhiều người nuôi cá thua lỗ nặng, nợ nần lên đến hàng tỉ đồng. Họ không còn tiền để tái đầu tư nuôi cá vụ sau nên buộc phải bán ao trả nợ hoặc may mắn lắm là cho thuê ao với giá 500đ/kg cá tra thành phẩm.


Một điều đáng buồn và đáng ngại nữa là giá cá tra liên tục sụt giảm. Nguyên nhân được Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam hay các địa phương điểm mặt là các doanh nghiệp xuất khẩu cạnh tranh lẫn nhau nên bị nhà nhập khẩu ép giá.

Năm 2012 kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm, doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá thua lỗ, trong khi đây là mặt hàng độc quyền của Việt Nam xuất khẩu sang hơn 130 thị trường. Nhiều chuyên gia cho rằng cần sớm có quy định cá tra là sản phẩm kinh doanh có điều kiện, và có chính sách hỗ trợ lãi suất 0% từ 6 tháng đến 1 năm cho ngành cá tra. Nếu tình hình xấu đi ngân hàng siết nợ, người nuôi và doanh nghiệp bán đổ bán tháo, giá cá càng giảm thê thảm, nguy cơ phá sản cá tra theo vùng rất dễ xảy ra.

Nam Phong