Từ nhiều đời nay, trong dân gian Việt nam đã lưu truyền câu ca dao: Anh ơi ngoảnh mặt ra ngoài/ Mai em đi chợ mua mật với củ mài anh ăn. Mật và củ mài vừa là vị thuốc Đông y, vừa là thực phẩm. Vậy mật và của mài có tác dụng như thế nào?
Đây là hai vị thuốc của Đông y đã có trên bốn nghìn năm. Mật được chiết xuất từ Cam giá (cây mía), là một vị thuốc bổ, có vị ngọt, tính bình vào các kinh phế, tỳ, vị, can (phổi, tụy, dạ dày, gan), có tác dụng thanh nhiệt nhuận táo, sinh tân dịch, chỉ khát.
Trong Đông y dùng để bổ tỳ vị, điều hòa khí huyết, người dịch vị kém, ăn uống kém hay khô miệng, tiêu đờm, trị ho, giải khát. Củ mài trong Đông y gọi là Hoài sơn, mọc hoang trong rừng, cả Bắc Trung Nam đều có, cũng là một vị thuốc bổ có vị ngọt, tính bình vào các kinh tỳ, vị, phế, thận (tụy, dạ dày, phổi, thận). Có tác dụng ích thận khí, bổ dưỡng tỳ vị phế và thận, thanh nhiệt. Củ mài dùng để điều trị các bệnh: thận dương kém, dương sự yếu, đi tiểu đục, tỳ vị hư yếu, đại tiện lỏng. Hai vị thuốc trên vừa bổ thận, vừa bổ tỳ có nhiều trong các bài thuốc Đông y.
Bài thuốc “Tư sinh Thận khí hoàn”
Thành phần: Thục địa 16 g, đan bì 8 g, hoài sơn (củ mài) 12 g, sơn thù 8 g, nhục quế 6 g, phục linh 12 g, trạch tả 8g, xa tiền tử 12 g, ngưu tất 8 g, phụ tử chế 6 g.
Các vị thuốc trên tán bột mịn quyện với mật mía, làm viên hoàn mỗi viên 5 g, ngày uống 2 lần mỗi lần 2 viên sau khi ăn sáng và ăn tối, uống với nước đun sôi để ấm. Bài thuốc có tác dụng điều trị chứng tỳ thận hư yếu, ăn ngủ kém, đau lưng, tiểu tiện không thông (hay đái rắt) nam giới dương sự kém, phụ nữ lãnh cảm tình dục.
Bài thuốc “Sơn dược hoàn”
Thành phần: Hoài sơn (củ mài) 16 g, cửu thái tử (hạt hẹ)12 g, sơn thù 6 g, thỏ ty tử (hạt tơ hồng) 12 g, thục địa 12 g, xa tiền tử (hạt mã đề) 12 g, phụ tử chế 6 g, nhục quế 6 g.
Tán bột các vị thuốc trên với mật mía, mỗi viên 5 g, ngày uống 2 lần mỗi lần uống 2 viên trước khi ăn sáng và ăn tối. Đây là bài thuốc đại bổ thận tráng dương. Điều trị chứng hạ nguyên hư suy, thận suy dẫn đến vô sinh.
Bài thuốc “Sơn dược thang”
Thành phần: Củ mài 20 g, bạch truật 20 g, cam thảo 8 g, cát căn (sắn dây) 20 g, hoàng kỳ 20 g, đảng sâm 20 g. Mỗi ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày để trị bệnh tiểu đường.
Ngoài các bài thuốc trên, củ mài còn làm thức ăn bổ dưỡng như: nấu chè củ mài với mật mía ăn vào mùa đông xuân để bổ thận sinh tinh, ấm tỳ vị. Củ mài hầm với chim bồ câu, hạt sen, ý dĩ, gạo nếp, đại táo giúp phụ nữ sau khi sinh ăn vừa bổ khí, huyết vừa có nhiều sữa.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng
(Theo NLĐ)