Vừa qua, cụ Rùa Hồ Gươm đã bơi vào sát với taluy
phía phố Hàng Khay (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), hai chân cụ muốn leo lên bờ xi măng, mà bờ thì cao.
1. Nhìn bức ảnh của nhiếp ảnh gia Hải Lê ghi lại
cảnh này, PGS-TS Hà Đình Đức - người 20 năm sát cánh bên cụ - không khỏi sửng
sờ. “Cách đây mấy tháng, khi lần đầu tiên thấy cảnh rùa tai đỏ trèo lên lưng cụ,
tôi đã bị sốc. Rồi sau đó nhìn thấy cảnh mai cụ bị thương như vết gặm nham nhở,
tôi đã rất đau lòng. Nhưng đến bức ảnh này thì thảm thương quá, tôi không thể
nói điều gì hơn nữa” - ông Đức nghẹn lại.
|
Cụ rùa bấu chân lên bờ
|
Theo ông, đây là lần đầu tiên cụ thò chân lên bờ. Lần đầu tiên, người ta được
nhìn thấy bàn chân cụ với 3 cái móng màu vàng. Không chỉ trên mai, bàn chân cụ
cũng bị lở loét hết cả. Vết cứa trên cổ còn đỏ, cụ như muốn bò lên bờ như thể
kêu cứu. Ông Đức cho biết thêm, các lần bị thương, từ năm 1998 đến nay, cụ luôn
nhô lên như để “báo” cho mọi người biết. Chính vì thế mà ngày 24/3/1998, mới ghi
hình được cảnh cụ bị thương trên lưng. Đến năm 2002, trong một lần nổi lên, cụ
lại “báo” cho biết vết thương đã lành.
2. Nói thêm về vết thương của cụ mà mấy ngày nay, nhiều người xót xa thấy có vẻ
như nó ngày càng lan rộng ra. Từ cuối năm 2010 về trước, mỗi lần cụ Rùa Hồ Gươm
nổi, tôi quan sát thấy toàn thân cụ màu ghi sẫm và nhẵn đều, chứng tỏ sức khỏe
cụ bình thường. Nhưng bước sang năm 2011, quan sát những lần cụ nổi gần đây cho
thấy bắt đầu xuất hiện những vết loang lổ màu trắng xen hồng ở phần thịt mềm hai
bên mai. Đặc biệt từ Tết Tân Mão đến nay, cụ nổi liên tục và mỗi lần nổi ở rất
lâu tại một chỗ. Có ngày cụ đã nổi cả buổi sáng, trưa và buổi chiều.
Ngày mồng 1 Tết (3/2/2011), chúng tôi quan sát khi cụ nổi đã thấy xuất hiện một
vệt loang lổ màu trắng nhợt xen hồng ở sống mai, trông như lở loét.
Trưa mồng 6 Tết (8/2) cụ dừng cố định ở phía đường Lê Thái Tổ, gần trụ sở báo Hà
Nội Mới hơn 3 giờ liền, từ 10 giờ 30 đến gần 14 giờ, cứ khoảng 10-15 phút cụ lại
ngoi đầu lên trong ít giây rồi lại lặn xuống.
Theo quan sát của tôi, cụ dài khoảng 1,80 đến 2,10 m, trông cụ có vẻ mệt mỏi,
đầu luôn nghiêng về một phía. Đặc biệt, trên mai đã thành một vệt trắng hồng
loang rộng cỡ 30-40 cm, dài theo cả chiều dọc sống mai (về vệt loang này, PGS-TS
Hà Đình Đức thận trọng cho rằng, có thể chỉ là vệt nấm mốc), đồng thời phần thịt
mềm hai bên mai có thêm những vết loang lổ mới ngày một lan rộng.
Ngày 9/2 cụ cũng nổi 2 lần ở phía nhà Thủy Tạ và gần trụ sở báo Hà Nội Mới, tình
trạng trên người vẫn có những màu trắng khả nghi là vết thương.
Chiều 9/2, PGS-TS Hà Đình Đức vừa đo độ sâu nước
ở hồ cho thấy mực nước rất thấp, phần lớn chỉ sâu 0,40 đến 0,60m, hạn hữu mới có
chỗ sâu 0,90 đến 1,20m. Nước nông như thế rất dễ bị ô nhiễm, nhất là ngày ông
Công ông Táo chầu Trời vừa qua có rất nhiều người đã thả tro và cá bệnh xuống
hồ.
Nên chăng, rất cấp thiết tìm cách chữa bệnh cho
cụ Rùa Hồ Gươm, tìm xem những vết loét đó do đâu? Có phải rùa tai đỏ đang gặm
dần thịt trên mai cụ, hay môi trường ô nhiễm đã làm cụ ghẻ lở? Nếu không tiếp
cận khám bệnh và chữa trị cho cụ thì khó có thể lường được hậu quả. Đồng thời có
thể tìm cách nâng mực nước Hồ Gươm cao hơn và bảo vệ môi trường trong sạch hơn.
Hà Nội nên khẩn cấp tổ chức họp các ban ngành liên quan để tìm cách cứu chữa cho
cụ Rùa - một báu vật quý hiếm và duy nhất, thiêng liêng nhất của đất Thăng Long
- Hà Nội ngàn năm văn vật.
Theo KTS Đoàn Đức Thành
(TT&VH)