Bộ phim gây choáng váng cho khán giả vì chuỗi hành động bạo lực tiếp nối một cách tàn khốc, nghẹt thở và không khoan nhượng.

Trên con đường sũng nước và bận rộn, chuyến xe đêm ghé vào ăn hàng ở một khu chợ đầu mối. Người đàn bà tên Hạnh (Cát Tường) giận dữ la lối thúc giục đám trai khuân vác, nhưng cô đổi giọng trìu mến khi đưa tiền công cho anh tài xế Lộc (Phạm Anh Khoa), nói anh hãy ở lại nhà cô đêm nay. Lộc từ chối vì đã có độ nhậu, Hạnh bực dọc thốt lên: “Đưa tiền cho mấy ông giờ này, sáng mai đến hai hòn (…) cũng không còn”.

{keywords}
Phim “Đường đua” có kinh phí sản xuất khoảng 12 tỉ đồng.

Câu thoại trên khiến người ta ngạc nhiên trong nỗi mơ hồ, rằng dường như phim Việt chưa bao giờ có được một hiện thực trần trụi, không tránh né đến vậy trên màn ảnh. Sự dung tục của một cây hài chọc cười trước nay vẫn dễ được chấp nhận hơn sự trắng trợn của một người đàn bà, dù cho đó là đời thường của người đàn bà nơi chợ búa.

Chi tiết mở đầu cho thấy “Đường đua” phần nào được quyền có một hiện thực theo ý chí chủ quan, ít bị can thiệp bởi một hội đồng duyệt để chuyển đi một câu chuyện tàn khốc với khá đầy đủ các hình thái đương thời của tội ác: cho vay nặng lãi, bắt cóc, buôn nội tạng, hiếp dâm, giết người, cướp bóc, tra tấn, băng đảng…

Một dung lượng quá tải như vậy thể hiện cái nhìn tham lam nghiêng về mô tả có tính chất giật gân, hơn là mong muốn sự thấu đáo về bản chất và ngọn nguồn của tội ác lẫn bạo lực. Tuy nhiên, đạo diễn kiêm biên kịch Nguyễn Khắc Huy (sinh năm 1985, tốt nghiệp trường Điện ảnh Sydney, Úc) và đồng biên kịch – diễn viên Hồng Ánh đã chọn một kết cấu thông minh để sự ôm đồm về cơ bản là hợp lý, dù chưa thể xử lý được đôi chút gượng ép ở vài tình tiết xảy đến trên đường dây câu chuyện

{keywords}
Ca sĩ Phạm Anh Khoa, 28 tuổi, được “đo ni đóng giày” cho vai diễn Lộc.

Sau khi thu xếp được một khoản tiền để trả nợ cho Hải (khá ấn tượng qua diễn xuất của Nhan Phúc Vinh), Lộc không hay biết mình đang rơi vào một cái bẫy khác do chính Hải và băng đảng gây ra, đẩy anh vào cơn tuyệt vọng rồi đi cướp một tiệm vàng. Câu chuyện bỗng trở nên phức tạp và rắc rối khi chính Lộc trở thành con tin cho một tên tội phạm khác (Quý Bình). Kết cấu đan cài tình cờ những xung đột vốn không liên quan nhưng đã giúp câu chuyện liên tục gây được bất ngờ, giữ được sự chú tâm của khán giả đến phút chót.

Sự gia tăng cường độ và nhịp độ, bạo lực phải được đáp trả bằng bạo lực bởi tình thế không lối thoát của nhân vật, đã khiến không gian tâm trí của người xem dành cho phán xét về công lý và đạo đức trong câu chuyện gần như bị chiếm dụng, để chỉ còn lại cơn nghẹt thở u ám theo đúng kiểu phim hình sự tội phạm Mỹ.

Trong phim, có thể nhận ra vài mô típ điện ảnh Hollywood được “hóa thân” thành bối cảnh Việt: một lữ quán ven đường nơi những kẻ bên lề, những tên tội phạm thường hay đụng độ; một bệnh viện được canh phòng nghiêm ngặt để bảo vệ nhân chứng (hơi khó tin); một quán bar làm cứ điểm cho băng đảng; một vùng hoang vu kiểu viễn tây nước Mỹ xa xưa để chôn người sau vụ thanh toán...

{keywords}
Nhan Phúc Vinh để lại nhiều ấn tượng trong vai Hải, trùm băng đảng.

Trên toàn cảnh cái nhìn đối với hiện thực đầy tàn bạo, khắc nghiệt và không khoan nhượng như vậy, câu chuyện lóe lên chút ánh sáng nhân văn trong vài tình tiết nhỏ nhặt nhưng rất cảm động về gia đình, mà không cần bất kỳ lời hô hào lên gân giả tạo nào mang động cơ biện minh hay bào chữa trước hội đồng. Phần âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh (Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM) tỏ ra rất tinh tế trong những khoảnh khắc này.

Khi nhìn trên vạch xuất phát của “Đường đua”, người ta đã không khỏi cảm thấy nghi ngại vì quá nhiều những vai trò "lần đầu tiên", mà lại còn rất trẻ: Nguyễn Khắc Huy lần đầu làm phim truyện dài, Hồng Ánh lần đầu làm nhà sản xuất, phim truyện đầu tiên của Blue Productions, vai chính đầu tiên của Phạm Anh Khoa…Những gì diễn ra cho thấy sự thể hiện của họ đã vượt quá mong đợi của mọi người, nhất là sau khi phim Việt liên tiếp gặp sự cố và cho ra đời các “thảm họa” gây thất vọng.

Từ “Đường đua”, rõ ràng người ta có quyền kỳ vọng vào thế hệ kế tiếp có khả năng tiếp sức cho điện ảnh Việt trên con đường chinh phục nghệ thuật thứ bảy.

Minh Chánh