- Nếu chỉ đặt nặng vấn đề thu phí trong khi chưa có biện pháp khả thi để giảm ùn tắc, nâng cấp đường sá thì rất khó thuyết phục dân - đoàn ĐBQH TP.HCM kiến nghị.

Các “sáng kiến” thu phí hạn chế xe máy, ô tô cá nhân của Bộ GTVT tiếp tục bị phản đối. Hôm nay (1/6), đoàn ĐBQH TP.HCM cho hay vừa chuyển kiến nghị của cử tri thành phố về vấn đề này lên Thủ tướng và Bộ GTVT.

Theo Trưởng đoàn Huỳnh Thành Lập, tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, đoàn ghi nhận đa số ý kiến đều không đồng tình với chủ trương thu phí lưu hành đối với phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện giao thông. Hai loại phí này về sau đã được Bộ GTVT đổi tên thành phí hạn chế xe.

Tắc đường ở Hà Nội. Ảnh: Minh Thăng

Cử tri cho rằng cả 2 chủ trương thu phí này đều không hợp lý. Trong tình hình kinh tế hiện nay, việc đề ra nhiều loại phí giao thông là gây thêm nhiều khó khăn cho cuộc sống người dân. Trong khi đó, chất lượng hạ tầng cơ sở giao thông chưa đuợc cải thiện.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, mức phí hạn chế xe mô tô, xe máy, ô tô này thấp nhất là 20 triệu đồng, cao nhất 50 triệu đồng/năm, dự kiến áp dụng trước cho xe máy tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng. Các năm sau sẽ tăng thêm 5-10%.

Cử tri TP.HCM đề nghị Chính phủ phải báo cáo rõ vấn đề này để Quốc hội thảo luận, giám sát, đồng thời nghiên cứu kỹ trước khi đưa vào thực hiện. Nếu chỉ đặt nặng vấn đề thu phí trong khi chưa có biện pháp thật khả thi để giảm ùn tắc, nâng cấp đường sá thì rất khó thuyết phục và khó tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Tuy nhiên, trả lời đoàn ĐBQH TP.HCM hôm 29/5, Bộ GTVT cho hay, đến nay, việc thu hai loại phí trên vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu. Bộ đã dẫn lại một loạt văn bản để chứng minh rằng, chủ trương thu phí có cơ sở pháp lý vững chắc, như nghị quyết 13 Hội nghị Trung ương IV, nghị quyết 21 của QH...

Bộ này còn cho biết, quan điểm của Bộ đã được UBND TP Hà Nội và UBND TP.HCM thống nhất. Riêng UBND TP.HCM còn có văn bản kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cho phép nghiên cứu triển khai phương án thu phí. Doanh số thu phí sẽ được đưa vào Quỹ phát triển hạ tầng giao thông của thành phố.

Cử tri TP.HCM cũng lo ngại trước thông tin Bộ GTVT dự kiến chi một số tiền lớn để xây dựng trụ sở. Trong thời điểm kinh tế đất nước đang gặp khó khăn, thắt chặt chi tiêu ngân sách thì đề án đó của Bộ đưa ra có đúng lúc, có phù hợp không?

Trong văn bản hồi đáp, Bộ GTVT khẳng định đã làm đúng quy định của pháp luật. Việc xây dựng trụ sở mới là theo chủ trương di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô lịch sử. Việc được mua trụ sở, bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại địa chỉ 80, Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm theo giá thị trường đều đã được Thủ tướng đồng ý.  


Phạm Huyền