Giảm chưa từng có
Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng 19/1, gần như toàn bộ cổ phiếu trên các sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE), Hà Nội (HNX) và Upcom đều giảm 5-7%. Chỉ số VN-Index lao dốc 75 điểm, tương đương mất 6,3%. HNX-Index giảm ở mức tương tự.
Chốt phiên chiều, mức giảm giảm bớt nhưng vẫn mạnh chưa từng có trong lịch sử. VN-Index chốt phiên 19/1 giảm 60,94 điểm xuống 1.131 điểm; HNX-Index giảm 6,48 điểm xuống 224,02 điểm. Upcom-Index giảm 2,4 điểm xuống 76,15 điểm.
Như vậy, chung cuộc vốn hóa trên toàn thị trường đã bốc hơi khoảng 9-10 tỷ USD, thấp hơn so với mức giảm 14 tỷ USD như trong buổi sáng.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Mirae Asset, cho rằng, thị trường điều chỉnh giảm là điều không tránh khỏi sau một thời gian dài tăng mạnh, từ đáy 645 điểm hồi tháng 3/2020 lên sát 1.200 điểm trong vài phiên gần đây.
Theo ông Tuấn, nhiều công ty chứng khoán đã lường tới khả năng thị trường điều chỉnh giảm với những phiên có thể mất 3-4%. Tuy nhiên, mức giảm tới trên 6% như trong buổi sáng 19/1 là thái quá và gần như cực đại trong một phiên.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua một phiên giảm mạnh lịch sử. |
Sở dĩ thị trường giảm mạnh, theo ông Tuấn, là do tính hội tụ. Các nhà đầu tư mới tham gia thị trường (F0) vừa qua rất lớn và họ không nhận diện được trạng thái, đầu tư theo trào lưu. Đây là nguyên nhân dẫn tới sự nghịch đảo trạng thái một cách nhanh chóng, từ tốt sang xấu.
Thống kê cho thấy, số người tham gia chứng khoán mới tăng kỷ lục, 1 năm bằng cả 10 năm trước cộng lại. Vào năm 2010, các CTCK có khoảng 1,5 triệu tài khoản. Tới đầu 2020, số tài khoản là 2,2 triệu, tức 10 năm tăng 700.000 tài khoản. Song, chỉ trong năm 2020, số lượng tăng thêm là 600.000 tài khoản.
Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB), khác với các đợt giảm sâu 30-40 điểm các năm trước, thị trường lần này không có sự hoảng loạn.
Điểm giống nhau giữa những cú giảm sâu trước, theo ông Tuấn, là hiện tượng các nhà đầu tư đồng loạt bán bằng mọi giá. Song, lần này do có lời nhiều, trung bình 35-40%, nên việc bán giá sàn, chấp nhận mất 5-7% không phải là vấn đề lớn, chỉ là giảm bớt lợi nhuận. Trên thực tế đây là hiện tượng chốt lời hàng loạt, chứ không phải hiện tượng cắt lỗ như trong nhiều lần thị trường bị bán tháo trước đây.
Giũ bỏ và giải tỏa áp lực
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, thị trường xuất hiện tình trạng bán tháo là do sự hội tụ từ vấn đề tâm lý trước ngưỡng cản quan trọng 1.200 điểm và lượng margin tích tụ. Ngưỡng 1.200 điểm trở thành ngưỡng kháng cự cứng 3 lần và có lẽ cần tích lũy thêm vài tuần.
Theo một nhóm các chuyên gia đầu tư tại TP.HCM, có thể nói phiên bán tháo là kết quả của sự hội tụ của dạng tâm lý từ chốt lời sang thoát khỏi thị trường bằng mọi giá. Tuy nhiên, có lẽ nên đánh giá đây là một phiên giũ bỏ để giải tỏa bớt áp lực tích tụ của thị trường như: cung tiềm năng giá cao và margin cao. Điều này cũng giúp phá vỡ thế bế tắc khi đụng vùng kháng cự thập kỷ 1.200 điểm.
Dòng tiền vẫn ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán. |
Theo nhóm này, về nội tại nền kinh tế, nội tại ngành hiện không có bất cứ vấn đề gì và vẫn ở giai đoạn tăng trưởng tốt cho năm tài chính 2021. Vì vậy, giải pháp hiện tại là quan sát và có thể gia tăng tỷ trọng bằng cách dùng sức mua còn lại trong những phiên tiếp theo khi giá về vùng hấp dẫn hơn
Về mặt tâm lý, có thể thấy phiên 19/1 là hoạt động trả lại phần lời đã tích tụ lâu nay chứ không phải cắt lỗ.
Ông Lê Quang Trí cho rằng, thị trường giảm là do áp lực chốt lời, thị trường phân hóa và có thể giảm tiếp trong vài phiên tới. Tuy nhiên, triển vọng thị trường nói chung vẫn tích cực và giá cổ phiếu có thể vào một đợt tăng mới sau 30/4, khi mà các doanh nghiệp họp đại hội cổ đông và có kế hoạch năm.
Trước đó, nhiều CTCK cũng đưa ra dự báo rằng thị trường sẽ điều chỉnh giảm trong quý I rồi tăng trở lại trong quý II, khi các doanh nghiệp đưa ra kế hoạch cho năm mới 2021.
Thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ tăng tiếp trong năm 2021 dựa trên nền tảng nền kinh tế tích cực, với mức tăng trưởng dự báo đạt 6-6,8% trong cả năm.
Chứng khoán Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ một chu kỳ tiền rẻ, lãi suất tiết kiệm liên tục lập đáy. Nó tạo ra hiệu ứng bình thông nhau, tiền tiết kiệm chảy qua kênh chứng khoán. Dòng tiền vẫn ở khắp mọi nơi.
Bên cạnh đó, sự bứt phá của nhiều doanh nghiệp lớn ngay giữa đại dịch cũng là bệ đỡ cho giá cổ phiếu.
Sự ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố nền tảng cho một sự hồi phục và bứt phá nhanh chóng của chứng khoán. Nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng, với xuất khẩu khả quan, thặng dư thương mại cao kỷ lục, lạm phát được kiểm soát,...
Chính phủ Việt Nam cũng có những biện pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách tích cực như: đẩy mạnh đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, mở rộng hội nhập với nhiều hiệp định thương mại được triển khai như EVFTA, RCEP.
Nhiều dự báo vẫn cho rằng, chỉ số VN-Index sẽ lập kỷ lục cao mới trong năm 2021. Điều này có lẽ cũng không phải quá khó khăn khi hàng loạt thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó có Mỹ, liên tục lập đỉnh cao mới, trong khi Việt Nam chưa qua được đỉnh cũ cho dù Việt Nam chịu ảnh hưởng ít hơn từ đại dịch Covid-19.
Một thực tế không thể phủ nhận là dòng tiền vào chứng khoán vẫn rất lớn. Trong phiên giao dịch 19/1, có tới gần 25 nghìn tỷ đồng giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng. Một lượng lớn nhà đầu tư vẫn sẵn sàng bắt đáy cổ phiếu.
Dù vậy, trước mắt có thể vẫn là hoạt động chốt lời khi mà mức lãi của nhiều người vẫn còn khá cao. Áp lực từ margin cũng có thể gây áp lực lên thị trường.
M. Hà