Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An lo ngại nguy cơ đứt gãy, đổ vỡ hệ thống đăng kiểm khi số lượng đăng kiểm viên thiếu hụt trầm trọng, phải để cả người bị khởi tố nhưng chưa bị tạm giam đi làm.

Đang thiếu gần 500 đăng kiểm viên

Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam đến ngày 26/2, trên toàn hệ thống có khoảng 1.500 đăng kiểm viên đang làm việc. Để duy trì hoạt động cho toàn bộ hệ thống kiểm định xe cơ giới cần ít nhất 1.986 đăng kiểm viên. Như vậy, đang thiếu khoảng 486 đăng kiểm viên.

Riêng các đơn vị đăng kiểm và phòng tham mưu thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ sẽ cần khoảng 240-250 đăng kiểm viên, nhưng hiện nay thiếu khoảng 120 người (50%). 

Cả nước hiện có 121/489 dây chuyền kiểm định phải tạm dừng hoạt động do đơn vị đang bị cơ quan công an điều tra, hoặc không đủ điều kiện hoạt động theo Nghị định 139/2028/NĐ-CP, hoặc tự đóng cửa.

Hà Nội hiện chỉ còn 16 trung tâm với 31 dây chuyền đang hoạt động. Dự báo, số đơn vị dừng hoạt động sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới do thiếu nhân sự.

Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Ảnh: Trịnh Tuyết) 

Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An cho biết, thời gian qua, để khôi phục lại các trung tâm đăng kiểm bị đóng cửa vì sai phạm, Cục Đăng kiểm đã phải đầu tư lại máy móc, nâng cấp phần mềm và điều động đăng kiểm viên từ nơi khác về làm việc.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng khiến Cục Đăng kiểm bất đắc dĩ để cả những đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng đang được tại ngoại đi làm việc. 

Cụ thể, tại Hà Nội, Trung tâm đăng kiểm 29.01V có 4 đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng vẫn phải đi làm. Điều này tương tự với 8 đăng kiểm viên bị khởi tố ở Trung tâm 29.06V.

Theo ông An, chỉ đến khi tòa tuyên án thì những người này mới mất quyền công dân nhưng họ đi làm trong tâm lý bất ổn, lo lắng bị gọi lên làm việc, bị bắt bất cứ lúc nào.

“Cục Đăng kiểm vẫn phải sử dụng những lao động này vì họ hưởng lương hàng ngày và chưa bị tòa kết án”, ông An cho hay.

Đáng ngại hơn, không chỉ nhóm này có tâm lý bất an mà đã lan rộng ra toàn ngành. Ông An chia sẻ, riêng các trung tâm trực thuộc Cục Đăng kiểm đã có 7-8 đăng kiểm viên tự ý bỏ việc và hàng chục người xin nghỉ.

Trong bối cảnh nhân lực đăng kiểm viên hụt dần mỗi ngày, Cục Đăng kiểm không thể bù đắp bằng nhân sự mới do vướng mắc các quy định tuyển dụng. Hơn nữa, thời gian đào tạo được một đăng kiểm viên kéo dài hơn 1 năm với đăng kiểm viên thường, hơn 4 năm với đăng kiểm viên bậc cao.

Nguy cơ đứt gãy, đổ vỡ hệ thống đăng kiểm

Đại diện Cục Đăng kiểm cho biết, vì những lý do trên, hiện tại mỗi dây chuyền kiểm định trung bình chỉ có thể kiểm tra cho 40 xe/ngày (đạt 66% công suất). Tại Hà Nội, dự kiến kiểm tra được khoảng 1.240 xe/ngày, còn TP.HCM là 1.040 xe/ngày. 

Cục Đăng kiểm Việt Nam lo ngại đứt gãy, đổ vỡ hệ thống đăng kiểm. (Ảnh: Anh Hùng) 

Trước thực trạng này, ông An cho rằng, nếu không có sự thay đổi thì các tháng tiếp theo của năm 2023, hệ thống đăng kiểm ở Hà Nội, TP.HCM sẽ không đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Dự kiến trong tháng 3 tới, năng lực kiểm định của các trung tâm đăng kiểm còn hoạt động chỉ đạt 52% nhu cầu người dân tại Hà Nội và 53% tại TP.HCM. 

“Đặc biệt trong tháng 4, có thể ùn tắc nghiêm trọng hơn và nguy cơ đứt gãy hệ thống kiểm định do năng suất kiểm tra chỉ đạt 31% nhu cầu kiểm định của người dân tại TP.HCM. 

Ngoài TP.HCM và Hà Nội, theo thông tin phản ánh từ báo chí, trong ngày 26/2, khu vực Yên Bái đã xuất hiện ùn tắc xe đi kiểm định do các địa phương lân cận là Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ đổ về. Các trung tâm đăng kiểm ở các địa phương này dừng hoạt động do cơ quan công an điều tra sai phạm.

Như vậy ngay từ thời điểm này, các tỉnh thành phố nhỏ đã có sự ùn tắc kiểm định xe cơ giới và sẽ lan nhanh đến các thành phố lớn.

Số lượng phương tiện không được kiểm định qua từng tháng sẽ ngày càng gia tăng và không có phương án giải quyết số lượng ô tô quá hạn đăng kiểm vì các tháng sau đó năng suất kiểm định vẫn nhỏ hơn nhu cầu của người dân.

Do vậy, nguy cơ đứt gãy dẫn tới đổ vỡ hệ thống đăng kiểm xe cơ giới đang trở thành hiện hữu”, ông An thông tin.

"Chủ động đầu thú có thể vẫn được tại ngoại để tiếp tục làm việc"

Phó Cục trưởng Nguyễn Tô An cho biết, tại buổi họp diễn ra ngày 22/2 ở Hà Nội bàn về việc mở lại các trạm đăng kiểm bị đóng cửa, Công an TP Hà Nội thông tin sẽ xử lý hết các trường hợp vi phạm để đảm bảo công bằng, không nương tay.

Trước khó khăn về nhân lực của Cục Đăng kiểm, đại diện công an đề xuất giải pháp là để các đăng kiểm viên vi phạm chủ động ra đầu thú. 

"Họ nói tùy thuộc mức độ thành khẩn sẽ lượng mức xử lý. Chủ động đầu thú thì có thể vẫn khởi tố nhưng không bị tạm giữ, vẫn được tại ngoại để tiếp tục làm việc", lãnh đạo Cục Đăng kiểm kể lại cuộc trao đổi với đại diện Công an TP Hà Nội.

Ngoài ra, ông An mong muốn trong tình huống quá tải đăng kiểm tái diễn, lực lượng công an không xử phạt các phương tiện chưa kịp đăng kiểm.