"Cơ quan quản lý nhà nước là Cục NTBD nhún đi một tí, đừng cứng nhắc quá, VCPMC cũng nên giảm bớt tính cá nhân, vì quyền lợi chung của các nhạc sĩ cùng ngồi lại giải quyết dứt điểm các vấn đề còn vướng mắc chứ đừng đổ lỗi cho nhau nữa" - ông Tô Văn Động nói.


Lật lại sự việc, 2 tuần qua giới làm nhạc và khán giả được chứng kiến những lùm xùm xung quanh việc bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc cụ thể là Cục Nghệ thuật biểu diễn và VCPMC (Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc) do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm giám đốc đã có những "đôi co", "đổ lỗi" cho nhau trên truyền thông.

Liên lạc với ông Tô Văn Động - người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL được biết phía Bộ đã nhận được đơn của VCPMC và có theo dõi diễn biến sự việc đặc biệt là những trả lời xung quanh vấn đề này của Cục trưởng Cục NTBD Vương Duy Biên.

Theo ông Tô Văn Động, Luật Sở hữu trí tuệ đưa ra đương nhiên các cá nhân, tập thể phải thực hiện. Còn thực hiện như thế nào là câu chuyện cần phải bàn. Phía Bộ ủng hộ quan điểm của ông Duy Biên là đơn vị nhà nước không đi thu quyền thay cho các đơn vị tư nhân, các doanh nghiệp.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương- và
Cục trưởng Cục NTBD Vương Duy Biên

Bảo vệ và thực thi quyền tác giả là trách nhiệm chung của mọi tổ chức, cá nhân, Luật không yêu cầu đơn vị tổ chức phải có hóa đơn thanh toán tiền bản quyền trong hồ sơ xin cấp phép. Vì thế, cơ quan cấp phép chỉ yêu cầu họ cam kết thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ chứ không thể ép buộc họ phải nộp hóa đơn đã trả tác quyền rồi mới được cấp phép.

Nghị định 47 về hoạt động biểu diễn nghệ thuật không yêu cầu phải có giấy thực hiện tác quyền mới được cấp phép biểu diễn. Song, nghị định này ra đời đã lâu, có nhiều điều lỗi thời. Cục NTBD là đơn vị chủ trì hội nghị, lấy ý kiến, đưa ra bản dự thảo Nghị định mới (đang trình Chính phủ) phải tính toán các vấn đề sẽ đặt ra đảm bảo quyền lợi của nghệ sĩ, nhạc sĩ và phải đúng luật.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC và ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục NTBD nên có sự thiện chí để cùng ngồi lại giải quyết các vấn đề liên quan đến bản quyền âm nhạc.

Trên thực tế VCPMC là một tổ chức cá nhân tự thành lập, tự tổ chức không thuộc Bộ VH-TT-DL mà thuộc Hội nhạc sĩ Việt Nam. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của ông Tô Văn Động, là cơ quan quản lý cao nhất Bộ VH-TT-DL nên có một cuộc họp với sự góp mặt của Bộ trưởng, Thứ trưởng, đại diện Cục bản quyền, các luật sư, các cơ quan chức năng...

"Cơ quan quản lý nhà nước là Cục NTBD nhún đi đừng cứng nhắc quá, VCPMC nên giảm bớt tính cá nhân, vì quyền lợi chung của các nhạc sĩ cùng ngồi lại giải quyết dứt điểm các vấn đề còn vướng mắc chứ đừng đổ lỗi cho nhau nữa. Điều quan trọng nhất bây giờ là hai bên phải có sự thiện chí" - ông Tô Văn Động chia sẻ.

Ông Tô Văn Động cho rằng việc thành lập một Trung tâm bản quyền bảo vệ tác giả âm nhạc mới như phía Cục NTBD tiết lộ với truyền thông những ngày qua cũng được nhưng không khả quan. Vì thế tốt nhất là vẫn duy trì VCPMC miễn làm sao phải làm tròn trách nhiệm và có sự minh bạch, công bằng hơn trong việc trả tiền bản quyền cho các nhạc sĩ.

Sơn Hà