Đắk Lắk- mái nhà chung của 49 dân tộc anh em, chung tay hình thành nên ba hệ thống văn hóa chính thống: văn hóa của các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên; văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc; văn hóa của người Việt, mang đậm sắc thái ba miền Bắc, Trung, Nam.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng những vấn đề cần giải quyết, Đắk Lắk đề ra triết lý quy hoạch đảm bảo phát triển dựa trên 3 trụ cột: Môi trường - Xã hội - Kinh tế trên nền tảng ổn định về sinh thái môi trường, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, giá trị nhân văn, định hướng lựa chọn các hoạt động kinh tế phù hợp với các yếu tố nền tảng đặc trưng là Sinh thái đất - nước - rừng; Bản sắc văn hóa Tây Nguyên; Nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

Các nghệ nhân Đội chiêng buôn Kplang, xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc

Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ tỉnh đã xác định nhiệm vụ thứ tư rất quan trọng về văn hóa, đó là “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số”.

Tỉnh xác định tập trung phát triển du lịch, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng. Triển khai hiệu quả Nghị quyết về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022 – 2025; bảo vệ các di sản văn hóa; phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu đến năm 2030, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của Nhân dân đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở: phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; bản sắc văn hóa các dân tộc; Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế; Buôn Ma Thuột là cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế.

Ban lãnh đạo tỉnh xác định, để thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra cho từng giai đoạn, thì không thể thiếu những thiết chế văn hóa lớn, thật sự chất lượng phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân. 

Thời gian qua, hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng được chú trọng với việc triển khai nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng. Nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với văn hóa cồng chiêng được phục dựng; tổ chức nhiều ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc, các cuộc liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc định kỳ; tích cực giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã hoàn thành quy hoạch, trùng tu, tôn tạo Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, Di tích Quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975) tại huyện Krông Bông, Di tích lịch sử Quốc gia Sở Chỉ huy – nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 tại huyện Ea H’leo. Tiếp tục tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột định kỳ, hướng đến hiện thực hóa mục tiêu “Đắk Lắk là điểm đến của cà phê thế giới”.

Ngoài Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Ngày hội Văn hóa các dân tộc Đắk Lắk vừa được UBND tỉnh phê duyệt đề án tổ chức, cấp tỉnh định kỳ 5 năm/lần, bắt đầu từ năm 2023; công trình Nhà dài Êđê, một điểm nhấn văn hóa cũng đang được xây dựng trong khuôn viên Bảo tàng Đắk Lắk; vở ca kịch “Khát vọng Đam San”, kết tinh nghệ thuật 40 năm nhạc sĩ Nguyễn Cường đến với cao nguyên, đến với Đắk Lắk, hiện sắp được nghiệm thu để trở thành một sản phẩm văn hóa – du lịch độc đáo, đặc sắc của Đắk Lắk, tầm vóc; và, tỉnh cũng đã bàn tới việc nâng cấp Đoàn Ca múa dân tộc của tỉnh hiện nay thành Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc hoặc Nhà hát Đam San…

Với những bước đi bài bản, với các giải pháp đồng bộ, hoạch định chặt chẽ bám sát từng mốc thời gian, Đắk Lắk- mái nhà chung của 49 dân tộc anh em sẽ sớm trở thành "trung tâm vùng Tây Nguyên như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.

Lâm Viên