Trong bối cảnh thị trường tại các quốc gia phát triển, mà đặc biệt là các quốc gia thành viên EU sẽ đánh thuế cacbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại, các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm tại Việt Nam cần có các hành động kịp thời để đáp ứng với những thay yêu cầu nghiêm ngặt tại các thị trường xuất khẩu.

Tại Việt Nam, ngành chế biến thực phẩm và đồ uống là một trong những ngành cần thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải cacbon theo Quyết định 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định này, các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất CBTP cũng phải xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK giai đoạn 2023 – 2025 phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh. Việc giảm nhẹ sẽ bắt buộc từ năm 2026, bởi vậy, đây là thời điểm then chốt để doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư công nghệ trong sản xuất, xây dựng đội ngũ nhân lực thực hiện. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp có thể tham gia thị trường cacbon, tăng thêm nguồn tài chính để tái đầu tư sản xuất.

3 giam carbon trong nganh thuc pham.jpg
Doanh nghiệp có thể tham gia thị trường cacbon, tăng thêm nguồn tài chính để tái đầu tư sản xuất.

Trong khuôn khổ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2020, Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS) tổ chức  Hội thảo “Giải pháp đổi mới sản phẩm và công nghệ để  trong ngành thực phẩm” được tổ chức nhằm giới thiệu, trao đổi và tham vấn vấn ý kiến các bên về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí về giảm phát thải khi các quy định về môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn. 

Trong bài tham luận của tại Hội thảo, TS. Bùi Hồng Quân - Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, đặc điểm phát thải trong chế biến nông sản thực phẩm có thể kể đến quá trình sản xuất tiêu tốn năng lượng dẫn tới phát sinh lượng lớn khí CO2 và các khí nhà kính; Quá trình chế biến thực phẩm sinh ra lượng lớn bã thải, phế phẩm có hàm lượng chất hữu cơ cao, dễ gây ô nhiễm nếu xả thải trực tiếp; Hoạt động sản xuất đòi hỏi nguồn nước lớn, tạo ra lượng nước thải cần xử lý; Sản phẩm được đóng gói bằng nhiều loại vật liệu nhựa khó phân hủy sinh ra rác thải nhựa; Chất thải hữu cơ dễ là môi trường cho vi sinh vật phát triển, gây bệnh truyền nhiễm nếu không quản lý tốt; Hoạt động thải bỏ chất thải tùy tiện có thể phá hủy các hệ sinh thái tự nhiên xung quanh.

Giải pháp được TS. Bùi Hồng Quân đưa ra là sử dụng năng lượng tái tạo bằng việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, điện gió để cung cấp điện cho các nhà máy chế biến, gảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch để phát điện. Bên cạnh đó là sử dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến để tối ưu hóa quá trình sản xuất, giảm tiêu thụ điện năng. Bảo trì thiết bị thường xuyên; Quản lý chất thải; Cải thiện logistic; Ưu tiên mua nguyên liệu từ các nhà cung cấp có trách nhiệm với môi trường, có chứng nhận sản xuất bền vững

Tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Cự – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cũng cho biết, nông nghiệp là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính quan trọng, gây ra những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu. Dấu chân các bon trong canh tác nông nghiệp là khá cao, nhất là trong trồng lúa nước và chăn nuôi gia súc, đặc biệt là các loài động vật nhai lại. Bên cạnh đó, chuyển đổi sử dụng đất và các quá trình sản xuất nông nghiệp có ảnh hưởng mạnh đến phát thải các khí nhà kính. Do vậy, cần có các giải pháp thích hợp nhằm làm tăng khả năng cố định và giảm khả năng phát thải các khí nhà kính vào khí quyển, giảm dấu chân các bon trong nông nghiệp. 

“Các biện pháp giảm dấu chân các bon trong nông nghiệp cần tập trung vào việc đổi mới các hệ thống canh tác, quản lý tốt việc sử dụng đất, cải tiến kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó cần chú ý đến các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh…; Thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm cũng có vai trò quan trọng trong việc giảm dấu chân các bon trong canh tác nông nghiệp: Trong chế độ ăn, cần giảm tiêu thụ thịt động vật, tăng cường tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật”, GS.TS. Nguyễn Xuân Cự cho biết.

Hội thảo là một cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm tìm hiểu về các giải pháp giảm phát thải cacbon, từ đó có thể chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp mình trong thời gian tới. 

Vũ Huệ và nhóm PV, BTV