Tôi sẽ là người sống với anh suốt quãng đời còn lại, còn bố mẹ anh là người đã sống cả cuộc đời vì anh. Vậy chẳng có lý do gì để tôi không yêu quý và kính trọng người đã dành tất cả tình yêu cho người tôi yêu cả.

TIN BÀI KHÁC

(ảnh minh họa)
Tôi sinh ra trong một gia đình lao động, vì quanh năm đầu tắt mặt tối kiếm tiền nuôi ba đứa con ăn học nên chuyện quan tâm đến việc phát triển tâm lý cũng như tình cảm của các con dường như bố mẹ tôi không có thời gian. Thấm thoắt tôi cũng học xong đại học và lập gia đình. Vậy mà mẹ đẻ và tôi vẫn không có thời gian tâm sự với nhau như bao bà mẹ và con gái khác trên thế gian này, nên tình cảm mẹ con có phần xa cách. Nhưng những điều đó mẹ chồng tôi đã bù đắp hết.

Trước khi chồng tôi đưa tôi về ra mắt gia đình anh, tôi đã tự nhủ với mình và nói với anh rằng: “Tôi sẽ là người sống với anh suốt quãng đời còn lại, còn bố mẹ anh là người đã sống cả cuộc đời vì anh. Vậy chẳng có lý do gì để tôi không yêu quý và kính trọng người đã dành tất cả tình yêu cho người tôi yêu cả”. Anh hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ đó của tôi.

Ngày đầu tiên về ra mắt, bố mẹ anh nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến và chan chứa tình yêu thương. Bố anh gọi chung cả tôi và anh là “các con” làm cho tôi rất cảm động. Cũng từ giây phút đầu ấy mà tôi thấy đây như ngôi nhà thứ hai của mình, ngôi nhà ấy sao mà ấm áp và thân quen đến thế!

Gia đình anh là một gia đình công chức bình thường, bố mẹ anh cùng là bác sỹ, nghề nghiệp tuy có nhiều cám dỗ nhưng bố mẹ luôn giữ tấm lòng trong sạch, lấy y đức và lòng thương người làm phương châm sống. Cho nên đến bây giờ khi về hưu, bố mẹ anh chỉ sống giản dị trong một mái nhà nhỏ với một khu vườn luôn rợp mát bóng cây ở chốn thôn quê yên bình. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng bố mẹ anh luôn dạy các con phải biết kính trên nhường dưới, vợ chồng phải biết lắng nghe và chia sẻ, “tương kính như tân” thì trong nhà luôn êm ấm. 

Đám cưới của chúng tôi được tổ chức vào một ngày đông giá giáp tết, nhưng chúng tôi vẫn thấy ấm áp vô cùng trong những lời chúc phúc của họ hàng và bạn bè. Tôi nghiêng nghiêng đầu cho mẹ chồng che nón khi chính thức bước chân về ngôi nhà hạnh phúc ấy (đó là một phong tục ở quê chúng tôi). Cũng kể từ ngày ấy tôi chính thức bắt đầu cuộc sống của một nàng dâu.

Sau đám cưới, tôi là dâu mới nên đã chuẩn bị tâm lý dù mệt đến đâu cũng phải cố gắng dọn dẹp mọi thứ tinh tươm, nhưng mẹ biết vợ chồng tôi đã rất mệt vì phải lo toan và chuẩn bị cho đám cưới suốt thời gian qua, nên mẹ đã bảo tôi đi nghỉ sớm mà không phải dọn dẹp gì cả. Tôi thầm cảm ơn mẹ và cả hai vợ chồng cùng chìm vào giấc ngủ yên lành.

Mấy ngày sau đám cưới, chưa kịp làm quen với nếp sống trong gia đình mới thì Tết Nguyên Đán đã đến rồi. Đêm giao thừa, khi ngoài trời tiếng pháo hoa rộn rã, mọi người ai cũng tưng bừng chào đón tân xuân thì trong lòng tôi thấy bâng khuâng, trống trải đến khó tả. Những tâm sự của tôi mẹ đều hiểu cả. Sau khi vợ chồng tôi cùng mẹ ra chùa thắp hương đầu năm và về nhà xông đất thì bố chồng đã chờ sẵn ngoài bậc thềm. Bố chúc mẹ luôn luôn mạnh khỏe và mãi mãi là người phụ nữ mẫu mực trong gia đình. Sau đó bố cầm tay vợ chồng tôi “chúc cho hai con luôn yêu thương nhau và sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long”. Mẹ cũng mừng tuổi cho tôi, bà cầm tay tôi và nói: “Mẹ biết đây là lần đầu tiên con sống xa nhà, nên trong giờ phút giao thời này trong lòng không khỏi nhưng bồi hồi khó nói ra. Nhưng đây đã là nhà của con, là gia đình của con, bố mẹ là bố mẹ của con, mẹ chúc các con luôn luôn mạnh khỏe, sống thuận hòa, trên kính dưới nhường, gia đình ta luôn luôn hạnh phúc, đầm ấm”. Tôi xúc động không nói thành lời, chỉ biết lắp bắp cảm ơn bố mẹ. Còn chồng tôi thay mặt vợ chúc tết và mừng tuổi bố mẹ. Đó là lần đầu tiên tôi được nghe những lời nói tình cảm và cử chỉ đầy yêu thương từ bố mẹ, điều mà hiếm khi tôi có được khi còn sống với bố mẹ đẻ mình. Và có lẽ cho đến hết cuộc đời tôi cũng sẽ không bao giờ quên những lời nói đó của bố mẹ.

Những ngày tết, mẹ đã dành thời gian tâm sự với tôi thật nhiều về cuộc đời làm dâu đầy tủi khổ của mẹ trước đây. Mẹ nói: “vì đời làm dâu của mẹ đã khổ nhiều rồi nên giờ mẹ sẽ không để con phải khổ như mẹ xưa kia nữa. Cùng là phụ nữ, mẹ cứ ngẫm là “tại sao phụ nữ lại cứ phải làm khổ phụ nữ?”. Mẹ chỉ nghĩ là các con yêu thương nhau, mẹ cũng yêu quý con như con gái, thì chẳng có lý do gì mà giữa mẹ con mình xảy ra bất hòa cả”. Tôi chỉ biết mỉm cười vì quan điểm của mẹ thật trùng hợp với mình.

Tuy cuộc sống còn rất nhiều khó khăn vì hai vợ chồng tôi vẫn phải đi ở nhà thuê, tôi thì đang trong giai đoạn bầu bí mà vẫn chưa đi làm. Nhưng chỉ trong khó khăn tôi mới thấu hiểu tình yêu mẹ dành cho chúng tôi nhiều đến chừng nào. Mới hôm rồi trời mưa tầm tã, mà bà vẫn lặn lội từ quên lên mang theo thật nhiều thứ, từ quần áo tã lót chuẩn bị chào đón đứa cháu nội đầu lòng, đến đồ ăn thức uống cho tôi tẩm bổ…

Cho đến bây giờ tôi đã làm dâu được gần 2 năm và sắp cho ông bà một thằng cháu nội để bồng. Khoảng thời gian đó chưa đủ dài để cho tôi hiểu hết về bố mẹ chồng, nhưng cũng đủ để cho tôi hiểu tình yêu ông bà dành cho tôi. Tôi thầm cảm ơn bố mẹ vì đã cho tôi một người chồng tuyệt vời, bố mẹ đã nuôi dạy anh thành một người đàn ông mẫu mực, đức độ và giỏi giang; cảm ơn mẹ vì đã cho con một gia đình thứ hai thật hạnh phúc; cảm ơn mẹ vì đã dành dụm tất cả tình yêu, sự quan tâm cho vợ chồng con, cảm ơn mẹ vì mỗi cuối tuần chúng con về mẹ lại đãi chúng con những món ăn ngon ngọt nhất thế gian…Và cảm ơn bố mẹ vì lối sống mẫu mực mà bố mẹ đã dạy cho con, con sẽ lấy đó làm nền tảng để nuôi dạy cháu nội của bố mẹ sau này.

Hương Sen

Thể lệ tham dự cuộc thi viết về “Mẹ chồng nàng dâu thời hiện đại”

Viết lại những ấm ức, giận hờn và yêu thương giữa mẹ chồng, nàng dâu và chia sẻ với câu chuyện đó với bạn đọc báo VietNamNet, nhận cơ hội trúng 1000.000 đ.

Câu chuyện nên viết dưới 1000 từ, gửi về địa chỉ email: banbandoc@vietnamnet.vn hoặc báo VietNamNet, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội.

Tiêu đề thư xin ghi rõ: Bài viết tham gia chủ đề: “Mẹ chồng nàng dâu thời hiện đại”.

Bài viết của độc giả, ban biên tập có quyền cắt gọt cho phù hợp với hình thức của báo.

Những bài viết cần giữ kín danh tính, xin ghi rõ cuối mỗi bài viết gửi tham dự chuyên mục.

Bài viết có lượng truy cập nhiều nhất theo cách đo, kiểm của hệ thống google giành được phần thưởng trị giá 1.000.000 đồng.

Thời gian nhận bài từ ngày 1/6/2012 đến hết ngày 30/7/2012. Mời bạn đọc tham gia gửi bài dự thi.

Mời bạn đọc tham gia gửi bài viết dự thi.