Vũ trụ điện ảnh Marvel tiếp tục gây chấn động các phòng vé trên toàn thế giới với Avengers: Infinity War. Tuy nhiên, các bạn cũng đừng quên rằng vào thời điểm này 10 năm trước, chính một bộ phim đầu tiên đã là sự khởi đầu cho tất cả những gì khán giả có ngày hôm nay. Không gì khác, đó là Iron Man.
Ra mắt chính xác vào hồi tháng 5 năm 2008, Iron Man khi đó không hề được khán giả kỳ vọng sẽ là một bộ phim gây nhiều ảnh hưởng, bởi thời điểm bấy giờ, người ta vẫn cho rằng đây cũng chỉ là một tác phẩm hành động/giả tưởng, chẳng thể cạnh tranh nổi với những bộ phim khác cùng thời. Cuối cùng, Iron Man vẫn đem lại thành công vang dội cho nhà Marvel.
Vậy đâu mới là công thức mà Marvel đã sử dụng trong suốt 10 năm qua để đạt được thành công như bây giờ? Hãy cùng nhìn lại cái cách mà họ đã bắt đầu vũ trụ điện ảnh của riêng mình với Iron Man!
Iron Man - công thức thành công cho dòng phim siêu anh hùng của Marvel
Trong một bài phỏng vấn với Jimmy Kimmel vào tháng 7/2017, Jon Favreau - đạo diễn Iron Man đã chia sẻ:
“Chúng tôi không hề biết rằng mọi thứ thành ra thế này, khi đó chúng tôi chỉ hi vọng khán giả sẽ tới xem bộ phim. Mọi người đã luôn nói thể loại phim siêu anh hùng đã hết thời rồi”.
Sau đó, vị đạo diễn đã nói thêm về công thức thành công cho phim của Marvel bắt nguồn từ Iron Man:
“Thành ra cuối cùng, chúng tôi đã tạo nên một phương pháp làm phim từ Iron Man, sau đó trở thành công thức cho phim anh hùng. Đó là kết hợp giữa diễn xuất tốt, theo sát các nhân vật, tạo nên một vũ trụ liên quan chéo đến nhau và phải có sự hài hước”.
Iron Man cũng là bộ phim đầu tiên bắt đầu truyền thống đưa các đoạn phim ngắn, hé lộ nội dung ở phần sau, vào giữa hoặc ở cuối after credit. Cụ thể, trong Iron Man, bạn sẽ thấy diễn viên gạo cội Samuel L. Jackson xuất hiện, nói với Tony Stark về ý tưởng nhóm Avengers!
Đúng phim, đúng thời điểm
Dù đã 10 năm tuổi nhưng khi xem lại Iron Man, chắc chắn khán giả sẽ đều phải trầm trồ về chất lượng của bộ phim này. Sẽ là không hề sai khi nói, Iron Man chính là cột mốc quan trọng nhất để tạo nên các bom tấn siêu anh hùng cho đến tận bây giờ.
Lý do vì sao? Bởi đây là bộ phim đã cho khán giả đúng những gì họ cần và được ra mắt vào đúng thời điểm.
Nhìn lại năm 2008, Iron Man đã được ra rạp vào tháng 5, chỉ vài tháng trước khi các bộ phim khác bắt đầu nhen nhóm thêm ngọn lửa về thể loại siêu anh hùng. Cụ thể, đó là “The Dark Knight” của Christopher Nolan. Bộ phim được đưa vào hàng huyền thoại này đã trở thành tác phẩm có doanh thu cao nhất 2008, đưa Iron Man xuống vị trí thứ 2.
Cả Iron Man và The Dark Knight đã là một cột mốc thay đổi cái nhìn của khán giả về phim siêu anh hùng. Trước đó, những bộ phim như “Fantastic Four” (2005) đều khiến người xem phải thất vọng.
Iron Man cũng được sản xuất vào đúng lúc công nghệ hình ảnh CGI bắt đầu phát triển vượt bậc, giúp cả các nhà làm phim và khán giả đều được hưởng lợi, một bên tạo nên hình ảnh đẹp hơn, một bên được thưởng thức phim mãn nhãn hơn.
Như đạo diễn Favreau nói vào năm 2008: “nếu là 5 năm trước, bạn sẽ không thể làm được phim Iron Man, tạo nên cả bộ giáp có thể làm tất cả những gì trong truyện viết”. Và phải công nhận rằng, hình ảnh bộ giáp của Tony Stark khi đó khiến ai cũng phải choáng ngợp.
Cách xây dựng nhân vật có chiều sâu nội tâm, thay vì chỉ thuần “đánh đấm”
Iron Man đã xây dựng được tuyến nhân vật có nhiều lớp cảm xúc, biết nhận ra đâu là điều mình cần phải thay đổi, có lý tưởng riêng chứ không còn chỉ tuyến tính, chú tâm vào những pha hành động.
Cụ thể, Tony Stark ban đầu chỉ đơn thuần là một nhà phát triển vũ khí, nhưng sau đó anh bắt đầu hoài nghi về đạo đức trong công việc của mình, rằng anh có đang thực sự phục vụ cho tổ quốc hay không? Hay lại đang tiếp tay cho kẻ xấu và làm giàu từ chiến tranh.
Trong những phần phim sau, những câu hỏi hóc búa về đạo đức của Tony ngày càng phức tạp hơn, đỉnh điểm là trong tác phẩm “Civil War”. Đây cũng là cách xây dựng nhân vật mà Marvel đã áp dụng cho nhiều phim sau, nổi bật gần đây nhất là Black Panther, khiến nhân vật chính phải tự vấn xem đâu là đúng, đâu là sai.
Còn với phe ác, không giống các phim khác mang tính giả tưởng, Iron Man 1 lại tạo ra nhân vật phản diện rất gần gũi với cuộc sống: Một nhóm khủng bố Trung Đông, một ông già tài phiệt và khá thân thiết với nhân vật chính - Obadiah.
Mặc dù hành động của Obadiah là tàn ác, thế nhưng động cơ của hắn lại không hề sai, bởi hắn tin rằng, sản xuất vũ khí mới là cách để bảo vệ được thế giới. Nói một cách khác, kẻ ác trong Marvel chính là tấm gương phản chiếu của nhân vật chính. Như Bucky Barnes, Darren Cross, Killmonger, v.v…, và đôi khi, ngay cả nhân vật chính cũng có lúc vô tình trở thành kẻ ác!
Robert Downey Jr. và sự hài hước của anh
Robert Downey Jr. là diễn viên tài năng, tuy nhiên trước năm 2008, anh từng có quá khứ bất hảo. Việc mời anh làm Iron Man của Marvel là một bước đi lớn và họ đã thành công.
Downey đã biết cách xây dựng một Iron Man từ chuyện tranh và không được nhiều người biết đến, trở thành một biểu tượng toàn cầu, thay vì những siêu anh hùng đã in đậm dấu ấn vào tâm trí khán giả như Batman hay Superman.
Bản thân Downey cũng muốn lấy lại hình ảnh của mình bằng cách tham gia Iron Man, và chính nhân vật Tony Stark cũng vậy, đều đứng dậy từ gục ngã, sai lầm và biết tìm được giá trị mà mình cần có.
Hơn hết, Robert Downey Jr. là một người hài hước. Nếu bạn theo dõi diên viên tài ba này trên các trang tin, mạng xã hội, bạn sẽ thấy ngoài đời anh là một người cực kỳ hài hước, đến nỗi cả đoàn làm phim Avengers đã phải ngán ngẩm khi suốt ngày phải cười khi Downey pha trò, vì thế mà ai cũng yêu quý anh.
Trong phim cũng vậy, Tony Stark rất hóm hỉnh, luôn tạo ra tiếng cười dù có thế nào đi chăng nữa, khác hẳn với phong cách “u ám” của DC, khi Batman và Superman lúc nào cũng đăm chiêu. Điều này đã được Marvel áp dụng cho toàn bộ tuyến nhân vật của họ, để phim siêu anh hùng vẫn đem lại sự giải trí - thứ cốt lõi mà khán giả thật sự cần.
Và bật mí nhé, Downey đã lấy cảm hứng từ hình tượng Elon Musk để bổ xung vào diễn xuất của mình đấy!
Iron Man là một con người tự biến mình thành siêu anh hùng
Không cần hóa dược, phép thuật cao siêu hay phải bị… nhện cắn, Tony Stark người trần mắt thịt vẫn tự biến mình thành Iron Man bằng công nghệ, trí tuệ và sự thông minh của con người. Hơn hết, lòng chăm chỉ để phát triển sức mạnh cũng khiến Iron Man trở thành một siêu anh hùng thực sự lôi cuốn.
Cuối cùng, Tony cũng nhận ra, sức mạnh không chỉ đến từ bộ giáp, mà xuất phát chính bản thân và trái tim biết hi sinh của mình.
Nói về trái tim, Tony cũng có tìm cảm với Pepper, phát triển từ tình bạn của hai người. Và cho đến tận cuối phim, họ vẫn chưa hề công khai chính thức tình cảm của mình cho đối phương. Mô-típ này tiếp tục được Marvel áp dụng với các cặp đôi như Star-Lord - Gamora, Hulk - Black Widow, Dr.Strange và Palmer.
Hơn hết, các bộ phim siêu anh hùng khác đều là câu chuyện các nhân vật học cách làm anh hùng, còn Tony, anh học cách để làm một người bình thường.
Cuối Iron Man, Nick Fury đã nói một câu quan trọng nhất phim: “Stark, anh vừa trở thành một phần của một vũ trụ lớn hơn, anh chỉ chưa biết điều đó thôi!”.
Theo GenK